Học sinh phải mang giấy vệ sinh đi học: Nỗi khổ hàng ngày ở trường công
(Dân trí) - Tuần đầu tiên của năm học mới, con chị L.V.T. ngày nào cũng than phiền về chuyện đi vệ sinh ở trường.
Ngày khai giảng đáng nhớ vì không mang theo giấy vệ sinh
Con chị L.V.T. (Hoàng Mai, Hà Nội) có 9 năm học trường tư trước khi đỗ vào lớp 10 công lập. Sau hai lần đến trường nhận lớp, may đo đồng phục, con chị T. chính thức biết tới nhà vệ sinh của trường vào lễ khai giảng.
Nhưng cháu đi vào rồi lại ôm bụng đi ra vì nhà vệ sinh không có giấy vệ sinh.
"Cả buổi khai giảng trở nên ám ảnh, nặng nề vì "nỗi buồn khó nói". Ngay sau khi kết thúc, cháu xin cô về nhà nghỉ vì ốm nhưng thực chất chạy ra ngoài cổng trường xin đi nhờ vệ sinh ở một cửa hàng", chị T. chia sẻ.
Sau buổi học hôm đó, con chị T. mang theo bịch giấy khô tới lớp. Nhưng việc đi vệ sinh vẫn không diễn ra suôn sẻ. Buồng vệ sinh không có chốt cửa, bồn rửa tay không có nước rửa tay, nhà vệ sinh ẩm thấp, có mùi hôi khó chịu.
Con chị T. đành "nhịn", đến lúc bất đắc dĩ mới vào.
Khi trao đổi sự việc với phụ huynh lớp, chị T. mới vỡ lẽ nhiều con học trường công từ nhỏ không xa lạ với chuyện này nên có sự chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài giấy vệ sinh khô, có bạn còn mang theo nước rửa tay khô, bạn gái có thêm giấy ướt vì hay gặp cảnh vòi xịt hỏng hóc, không sử dụng được.
Chị N.T.M. (Hoàng Mai, Hà Nội) làm công tác trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh 3 năm nay tại một trường tiểu học cho biết, năm nào chị cũng xin ý kiến của phụ huynh trong lớp để được trích một phần quỹ ra mua giấy vệ sinh cho các con.
Lý do là nhà vệ sinh của trường thường xuyên rơi vào tình trạng hết giấy, có khi vài ba ngày mới được bổ sung thêm.
"Giấy vệ sinh để trong lớp học. Bạn nào có nhu cầu đi vệ sinh thì lấy. Chúng tôi cũng từng đề xuất đóng góp kinh phí để nhà vệ sinh trường luôn đủ giấy dùng cho các con và có nhân viên vệ sinh lau dọn liên tục, nhưng nhà trường từ chối vì đây là khoản đóng góp trái quy định", chị M. chia sẻ.
Chi phí vệ sinh trường tư mỗi tháng 80 triệu, trường công lấy tiền ở đâu?
Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường M.V.Lômônôxốp - cho biết, để duy trì cơ sở vật chất sạch sẽ, đặc biệt là nhà vệ sinh, trường này thuê 8 lao công với mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mỗi tháng nhà trường chi khoảng 80 triệu đồng tiền lương cho khâu vệ sinh, chưa tính các chi phí cho giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, hóa chất và dụng cụ tẩy rửa, điện nước… Với quy mô phục vụ là 2.600 học sinh toàn trường, chi phí cho các khoản trên rất lớn.
Ông Nguyễn Quang Tùng nhận định, kinh phí là khó khăn lớn nhất của các trường công lập khi muốn có nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công, nơi thực hiện thành công mô hình "nhà vệ sinh thân thiện" - chia sẻ, nếu không có nguồn kinh phí dự án từ quận, nhà trường không thể xây dựng được hạng mục nhà vệ sinh khang trang, đạt chuẩn theo mọi tiêu chí như hiện tại.
Tuy nhiên, xây dựng nhà vệ sinh chỉ là đầu tư ban đầu. Để duy trì nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn, thân thiện, nhà trường phải sử dụng một khoản kinh phí chi thường xuyên không nhỏ. Kinh phí này được tính toán, cân đối với nhiều khoản chi khác để đảm bảo sự vận hành chung.
Trường THCS Thành Công đang thuê nhân viên vệ sinh thời vụ. Nhà trường rất muốn có nhân viên cơ hữu để nâng cao hơn chất lượng vệ sinh nhưng hiện tại phải ưu tiên cho các bộ phận khác.
Một hiệu trưởng trường THCS công lập cho biết, biên chế cho nhân viên trường học như lao công, bảo vệ rất hạn chế. Thông thường, các trường đều phải ưu tiên cho bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất.
Do đó, công tác vệ sinh phải sử dụng nhân viên thời vụ, thuê theo giờ, theo ngày với thù lao có hạn.
Thêm vào đó, với các trường học được xây dựng lâu năm, nhà vệ sinh cũng như các hạng mục khác bị xuống cấp. Việc sửa chữa chỉ khắc phục được phần nào. Khâu dọn dẹp vệ sinh không tốt càng khiến cho nhà vệ sinh khó đảm bảo sạch sẽ theo tiêu chuẩn.
Một khó khăn khác của trường là học sinh ở độ tuổi trẻ em chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, ý thức sử dụng giấy vệ sinh tiết kiệm. Trong khi trường học có cả ngàn học sinh, lượng giấy cung cấp quá lớn, vượt ngoài khả năng chi trả của trường.
Đây là lý do dẫn tới tình trạng nhiều nhà vệ sinh trường học không có giấy vệ sinh cho học sinh.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, bên cạnh khâu giám sát công tác lau dọn vệ sinh chặt chẽ, tỉ mỉ, các trường còn phải giáo dục ý thức và thói quen vệ sinh văn minh cho học sinh.
"Nhà vệ sinh trường học rất đặc thù. Công suất sử dụng vô cùng lớn. Đối tượng sử dụng là trẻ nhỏ, chưa có đủ ý thức, trách nhiệm. Nên giữ được nhà vệ sinh sạch đẹp thì không chỉ là chuyện kinh phí mà còn nằm ở sự rèn giũa của cả nhà trường và gia đình", bà Nguyễn Ngọc Anh nêu quan điểm.
Theo đó, tại Trường THCS Thành Công, học sinh được khuyến khích tham gia vào quản lý nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh là công trình măng non, do chính các học sinh cùng thầy cô trang trí, làm đẹp từ ngoài vào trong. Các quy tắc vệ sinh được đưa vào nội quy chính của trường.
Bà Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh, điều quan trọng là cần thay đổi suy nghĩ xem nhà vệ sinh là công trình phụ mà phải xem đó là nơi quan trọng trong trường học. Khi đó, từ thầy cô tới học trò lẫn nhân viên vệ sinh đều xem trọng giá trị của nhà vệ sinh với chất lượng đời sống học đường.
"Nhà vệ sinh như thế nào không chỉ là nỗ lực của riêng nhà trường mà còn phải của các học sinh.
Để dạy được học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh ngay tại nhà vệ sinh là việc không có được kết quả ngay trong ngày một ngày hai mà cần lâu dài, bền bỉ, thống nhất thông qua hệ thống thi đua, khen thưởng, lồng ghép nội dung giáo dục trong các tiết học đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kết hợp với giáo dục gia đình…
Có như thế, việc vệ sinh văn minh mới trở thành thói quen, lối sống của các em", bà Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.