Đắk Nông:
Học sinh “nín thở” khi sử dụng nhà vệ sinh trường học
(Dân trí) - Nhà vệ sinh trường học là một trong các tiêu chí để xét đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỷ lệ trường học tại Đắk Nông có nhà vệ sinh đạt chuẩn lại rất khiêm tốn.
Trường chuẩn nhưng nhà vệ sinh không chuẩn
Công trình vệ sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa năm 2009.
Đến nay, công trình cũng đang dần xuống cấp. Phòng vệ sinh chật chội, không đủ số lượng phòng theo quy định. Bên ngoài dù có khu vực rửa tay riêng nhưng bể nước bị rò rỉ, tường rêu mốc.
Em Đoàn Trọng Bằng (lớp 7A1) cho biết: “Trường có đầy đủ khu vệ sinh nước sạch. Tuy nhiên nơi rửa tay không có bể hứng nên khi rửa bị tung tóe làm bẩn hết chân và quần áo”.
Ngoài khu nhà vệ sinh được xây năm 2009, vì nhu cầu sử dụng ngày càng tăng nên trường thực hiện xã hội hóa xây thêm một khu nhà vệ sinh khác với quy mô tương tự. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên hiện vẫn phải dùng chung nhà vệ sinh với học sinh.
Thầy Trịnh Công Trường, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khu nhà vệ sinh xây đã lâu năm nên cũng dần xuống cấp. Việc huy động xã hội hóa ở đây cũng rất khó khăn. Đến năm 2022, trường sẽ đến thời hạn công nhận chuẩn lại nhưng nếu công trình vệ sinh như hiện nay sẽ không đáp ứng được các yêu cầu về trường chuẩn”.
Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Gia Nghĩa), dù nằm trong khu vực trung tâm nhưng hệ thống nhà vệ sinh, nước sạch vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra. Qua phản ánh của nhiều học sinh, nhìn bề ngoài nhà vệ sinh rất sạch sẽ nhưng mỗi lần vào trong phải “nín thở”.
Thầy Đỗ Duy Doanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, trường hiện có 2 khu nhà vệ sinh nước sạch chung cho cả giáo viên và học sinh. Mỗi công trình rộng khoảng 50m2.
Trong khi đó, số lượng học sinh toàn trường hiện nay có đến 1.600 em nên cả hai công trình gần như chưa đáp ứng hết được nhu cầu sử dụng. Số lượng phòng vệ sinh riêng tương đối ít cho cả khu vực dành riêng cho nam và nữ.
Khu vực dành riêng cho nam giới thay vì sử dụng bồn thì phải thay bằng máng mới đáp ứng phần nào. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra mùi hôi dù đã được vệ sinh thường xuyên.
Thầy Doanh cho biết thêm, hàng năm trường đều kêu gọi xã hội hóa, đã tu sữa được rất nhiều nhưng do nhu cầu sử dụng quá cao nên chưa thể bảo đảm được hết các điều kiện đặt ra theo chuẩn quy định.
“Nín thở”…. đi vệ sinh
Công trình vệ sinh nước sạch của hai đơn vị trường học trên mặc dù chưa đạt chuẩn nhưng vẫn được xem là đơn vị có công trình vệ sinh “chỉn chu” hơn những trường học khác. Tại nhiều cơ sở giáo dục khác, thậm chí học sinh “nhịn” cả buổi không dám đi vì mất vệ sinh.
Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn các công trình vệ sinh trường học gần như xuống cấp, hư hỏng, “cửa đóng then cài” hoặc có hoạt động cũng không đảm bảo hết các tiêu chí đề ra của ngành chức năng như Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Y tế….
Một phụ huynh học sinh khối THCS tại TP. Gia Nghĩa cho biết, hàng năm phụ huynh đều đóng tiền xã hội hóa để thuê người về dọn dẹp nhà vệ sinh. Tuy nhiên, nhiều lần các cháu chấp nhận nhịn đi vệ sinh tại trường vì nhà vệ sinh quá… mất vệ sinh.
“Vào những ngày nắng nóng, các cháu còn phản ánh mùi hôi của các nhà vệ sinh bay vào cả lớp học. Phần lớn các cháu chủ động đi vệ sinh ở nhà trước rồi đến trường học. Cả buổi học không dám sử dụng nhà vệ sinh trong trường. Phải thật sự cần thiết lắm mới vào đó đi vệ sinh”, nữ phụ huynh này cho hay.
Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, hiện toàn tỉnh có 366 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT với 345 điểm trường. Trong đó, tỷ lệ trường và điểm trường có nhà vệ sinh chiếm khoảng 96%.
Điều đáng nói là, tỷ lệ trường, điểm trường có nhà vệ sinh đáp ứng yêu cầu tại các Quyết định của Bộ Giáo dục-Đào tạo chiếm chỉ 21%; tỷ lệ trường và điểm trường có nhà vệ sinh đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định chỉ đạt 54%. Tỷ lệ trường, điểm trường có nhà vệ sinh bảo đảm cung cấp nước chiếm chỉ 54%.
Ngoài ra, tỷ lệ trường, điểm trường có nhà vệ sinh có vật liệu sử dụng phù hợp với từng khu vực; nhà vệ sinh có thiết kế bảo đảm số lượng phòng vệ sinh, quy mô sử dụng theo quy định; nhà vệ sinh có thu gom và xử lý rác thải chỉ chiếm dưới 50%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tỷ lệ trên đạt thấp, trong đó phần lớn là do các cơ sở giáo dục xây dựng đã lâu, thời điểm xây dựng không ưu tiên bố trí vốn cho xây công trình phụ như nhà vệ sinh. Một số dự án đầu tư các công trình có nhà vệ sinh đi kèm thường ưu tiên các hạng mục chính.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông thừa nhận, các công trình vệ sinh nước sạch không bảo đảm cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà trường. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đề nghị ưu tiên bố trí vốn tu sửa, nâng cấp và xây mới.