Câu chuyện giáo dục:

Học sinh như "ôm quả bom nổ chậm" khi giữ cảm xúc tiêu cực

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Những mâu thuẫn, cảm xúc khó chịu nhỏ không được giải tỏa sẽ tích tụ, dần hình thành "một quả bom nổ chậm" và đến một lúc nào đó sẽ phát nổ. Đó là vấn đề được ThS Nguyễn Thị Hường nêu.

quan-ly-cam-xuc-huyen-nguyen.jpeg

ThS Nguyễn Thị Hường - giáo viên tư vấn tâm lý của Trường THPT Tây Thạnh, (TPHCM) - trong buổi nói chuyện với học sinh về "Kỹ năng quản lý cảm xúc - Chìa khóa thành công" (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đó là nội dung chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Hường - giáo viên tư vấn tâm lý của Trường THPT Tây Thạnh, (TPHCM) - trong buổi nói chuyện với học sinh về "Kỹ năng quản lý cảm xúc - Chìa khóa thành công".

Tiêu cực nhỏ, tích tụ lớn

Thời gian qua, nạn bạo lực học đường hay hiện tượng học sinh có những bất ổn về tâm lý dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ diễn ra khá nhiều, thậm chí, để lại không ít vụ việc thương tâm. Một lý do thường gặp là học sinh không biết cách kiềm chế bản thân khi gặp những tình huống bất thường.

ThS Nguyễn Thị Hường dẫn lại số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học có khoảng 1.600 vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường ở lứa tuổi học sinh. Một số liệu khác của Bộ Công an chỉ ra một tháng có khoảng gần 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.

"Những con số này đáng báo động và ít nhiều liên quan tới kỹ năng quản lý cảm xúc của mỗi người. Nếu kỹ năng này không tốt, khi cơn tức giận đến, chúng ta dễ bất chấp tất cả để tấn công, thỏa mãn sự giận dữ của mình và hậu quả khó lường", cô giáo Hường diễn giải.

Nữ giáo viên bày tỏ cảm xúc tức giận, khó chịu có thể xuất phát từ những trường hợp mà học sinh gặp hàng ngày. Tình huống dễ gặp như khi đi học, các em gặp một người đi xe lạng lách, đánh võng, va quệt vào xe và buông lời chửi mắng, khiến học sinh ấm ức và mang cảm xúc đó suốt hành trình đi đến trường, ảnh hưởng đến cả buổi học.

Hay như khi bị điểm kém, điểm số đó trở thành nỗi ám ảnh của các em. Nhiều bạn triền miên trong suy nghĩ, làm quá lên và suy diễn về bản thân: "Tại sao mình lại như thế? Rõ ràng mình đã ôn bài rồi, chẳng lẽ mình tệ đến mức đó?".

Trong trường học cũng thế, những mâu thuẫn xung đột dù nhỏ nhặt giữa học sinh với nhau, nếu không giải quyết rốt ráo, lâu ngày sẽ "bùng cháy to hơn".

Thạc sĩ tâm lý đã đưa ra câu hỏi với các bạn học sinh: "Làm sao để quản lý cảm xúc tiêu cực của bản thân và làm chủ mối quan hệ bạn bè?". Học sinh đã nêu nhiều giải pháp giúp hạn chế tối đa những tình huống "bom nổ chậm", dẫn đến xung đột bất thường.

Học sinh như ôm quả bom nổ chậm khi giữ cảm xúc tiêu cực - 2

Thiên Kim - học sinh THPT Tây Thạnh - chia sẻ cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thiên Kim - học sinh 11B12 - cho hay mình thường hướng suy nghĩ tới những điều tích cực. Ví dụ về tình huống va chạm xe, nữ sinh sẽ nghĩ rằng: "Ôi may quá! Mình chưa bị sao. Hên là ông đó sai và không ai bị ông đâm trúng".

Hai học sinh lớp 11B12 là Hoàng Quân và Ngọc Anh cùng chọn phương án hít thở sâu và gửi lời xin lỗi dù lỗi không phải của mình. Với Hoàng Quân, lời xin lỗi vì thời điểm đó cậu học sinh muốn dừng lại việc này.

Trong khi Ngọc Anh cho rằng xin lỗi người khác để dịu cảm xúc giữa hai người lại.

"Vì mình tử tế thì người khác cũng đối xử tử tế với mình, và có thể họ sẽ xin lỗi lại", nữ sinh cho hay.

Để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè, một học sinh khác của Trường THPT Tây Thạnh nói: "Em sẽ nói chuyện trực tiếp với bạn có xích mích. Không chia phe, kết nhóm trên mạng xã hội vì sẽ tạo ra mâu thuẫn lớn hơn. Khi em và bạn không tìm ra tiếng nói chung, thì tìm đến thầy cô, nhà trường và cha mẹ. Bằng mọi giá phải giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, nếu không hậu quả sẽ khó lường".

Học sinh như ôm quả bom nổ chậm khi giữ cảm xúc tiêu cực - 3

Giáo viên, học sinh cùng bàn thảo về những cách giải tỏa cảm xúc riêng, hiệu quả (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Còn Thảo Linh - lớp 11B19 - chọn giải pháp nghĩ tới những người thân yêu của mình.

"Khi bản thân gặp những tình huống căng thẳng, khó kiểm soát, em thường nghĩ đến mẹ vì trên cuộc đời này tình cảm của mẹ là tuyệt vời nhất. Em sẽ kiềm chế hết sức, không ứng xử bạo lực, vì nếu không sẽ làm phiền đến bố mẹ mình", Linh nói.

Lắng nghe ý kiến của Thảo Linh, ThS Nguyễn Thị Hường lý giải đây là giải pháp "tìm một điểm tựa tâm lý", khi mình tức giận, muốn chống đối lại toàn thế giới sẽ nghĩ ngay tới người cho mình tất cả là mẹ, là cha, là những người thân yêu. Lúc này, cảm xúc sẽ dịu xuống.

Mỗi người sẽ có những giải pháp để giải tỏa cảm xúc nhưng điểm chung là thay đổi góc nhìn đa chiều, từ đó có cảm xúc tích cực hơn.

Ứng xử thông minh bằng cảm xúc trí tuệ

ThS Nguyễn Thị Hường diễn giải quản lý cảm xúc là quá trình nhận diện cảm xúc của mình đang diễn ra như thế nào và điều chỉnh theo hướng tích cực.

Lúc này "khổ chủ" cần đến cách ứng xử thông minh, gọi là cảm xúc trí tuệ. Trí tuệ cảm xúc là kỹ năng hiểu biết cảm xúc bản thân, hiểu và nhận biết cảm xúc của người khác; kỹ năng điều khiển cảm xúc bản thân hướng vào việc có ích, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc người khác.

Để thuyết phục học sinh, bà Hường nêu số liệu 25% người thành công có chỉ số IQ (chỉ số thông minh của não bộ con người) cao. Song, điều đáng quan tâm hơn là 90% người có chỉ số EQ (khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh) cao là những người thành công.

Từ đó, cô giáo cho rằng kỹ năng quản lý cảm xúc cực kỳ quan trọng, những người có trí tuệ cảm xúc cao có khả năng nhận diện cảm xúc của bản thân, của người khác, tức đang thấu hiểu.

Do vậy, kiểm soát tốt cảm xúc bản thân sẽ giúp học sinh hóa giải những cơn tức giận, tạo ra sự thăng bằng về tâm lý, thúc đẩy và tạo ra năng lượng tích cực cho bản thân.

Học sinh như ôm quả bom nổ chậm khi giữ cảm xúc tiêu cực - 4

Học sinh vui vẻ với hoạt động trải nghiệm quản lý cảm xúc (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý của Trường THPT Tây Thạnh, thay đổi hành động nhằm giúp cảm xúc luôn tươi mới là giải pháp hữu hiệu đầu tiên. Trong đó, có hai dạng hoàn cảnh mà học sinh thường bị tác động.

Một là, học sinh bị ảnh hưởng lâu dài, sự việc đã xảy ra từ 1 đến 2 tuần, hoặc dài hơn. Với trường hợp này, lời khuyên cho học sinh là phải biết dừng lại suy nghĩ tiêu cực. Chuyển cảm xúc tiêu cực của mình thành những suy nghĩ tích cực; hãy biết thay đổi hành động, sẽ dẫn đến thay đổi cảm xúc. Khi các em thay đổi hành động mới, cảm xúc cũng trở nên tươi mới, tích cực hơn.

Hai là, những tác động tiêu cực tức thời đến học sinh. Với hoàn cảnh thứ hai, thạc sĩ Hường khuyên: "Khi cơn giận đến đột ngột, chúng ta cần có những cách kiểm soát chúng ngay lập tức".

Giáo viên chỉ ra 4 cách kiểm soát cơn giận.

Thứ nhất, phản ứng chậm lại một nhịp: Hít thở sâu, nuốt nước bọt, quay mặt đi chỗ khác, uống nước, nhắm chặt mắt, nắm chặt tay…

Thứ hai, bùng nổ cảm xúc an toàn: Bóp chặt chai nước, cạnh bàn, song sắt cửa sổ, vo tờ giấy,… Bạn có thể tận dụng tất cả những vật vô hại ở gần mình nhất nhằm giải phóng năng lượng của đôi tay lên các vật này.

Cách khác là bùng nổ bằng ngôn ngữ khi nói ra cảm xúc của bản thân "tôi tức giận, tôi khó chịu, tôi thất vọng", hoặc la hét ở chỗ vắng vẻ.

Học sinh như ôm quả bom nổ chậm khi giữ cảm xúc tiêu cực - 5

Học sinh cùng chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của lứa tuổi học trò (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thứ ba, bùng nổ trong tưởng tượng: Nhắm mắt lại, tưởng tượng mình phản ứng, sau đó mở mắt, mỉm cười và thở dài.

Thứ tư, khóc: Một chiếc van an toàn để xả cảm xúc, học sinh cũng có thể khóc nhưng đừng để nước mắt nhấn chìm lý trí.

"Chúng ta không thể thay đổi và kiểm soát những tác động của cuộc sống đến chúng ta nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát thái độ của mình đối với những sự việc đó.

Hãy biết tận dụng những "cơn bão" giận dữ để rèn luyện cho mình bản lĩnh chế ngự cảm xúc, tính cách của chúng ta sẽ trưởng thành hơn trong bão táp", ThS Nguyễn Thị Hường nhắn gửi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm