Học sinh nghèo bản Đoòng vui mừng có trường học mới

Đặng Tài

(Dân trí) - Trường học ở bản Đoòng được hoàn thành là niềm vui và hạnh phúc của thầy trò và bà con dân bản. Đây chính niềm mơ ước sau gần 30 năm đồng bào dân tộc đang sinh sống gần như "biệt lập" với bên ngoài.

Ngày 8/4, thông tin từ UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, sau hơn 1 tháng thi công, từ đầu tháng 4, điểm trường bản Đoòng, xã Tân Trạch đã chính thức hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Điểm trường này được xây dựng khang trang 2 tầng với 6 phòng, trong đó có 4 phòng học, 2 phòng ở của giáo viên với tổng diện tích sàn hơn 150m2.

Bản Đoòng được biết đến là một bản nghèo nằm bên hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, tuy nhiên lại gần như "biệt lập" với thế giới bên ngoài. Muốn vào bản Đoòng phải đi bộ xuyên rừng nhiều giờ liền. Do đó để xây dựng được một điểm trường tại bản Đoòng thực sự là một kỳ tích.

Học sinh nghèo bản Đoòng vui mừng có trường học mới - 1

Điểm trường bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Được biết, khoảng 125 thanh niên đã phải băng rừng, lội suối để gùi, cõng trên lưng mình hơn 80 tấn thiết bị và vật liệu để góp phần xây dựng ngôi trường này. Trường được thiết kế lắp đặt dạng khung thép cứng chịu lực, mái lợp tole, trên lợp thêm lá cọ chống nóng, tường ốp tole xốp giả gỗ vừa tránh nóng nhưng cũng vừa tạo cảm giác thân thiện với môi trường…

Trước đây, học sinh tại bản Đoòng phải học tập trong phòng học dựng bằng ván tạm. Tuy nhiên trong trận lũ lịch sử năm 2020, những phòng học này đã bị nước lũ tàn phá.

Trường học ở bản Đoòng được hoàn thành là niềm vui và hạnh phúc của thầy trò và bà con dân bản. Đây chính là ngôi trường trong mơ ước của người dân bởi gần 30 năm họ đặt chân đến đây và sinh sống gần như "biệt lập" với thế giới bên ngoài. Nơi đây không có điện, đường, trường, trạm… và cả sóng điện thoại.

Với ngôi trường mới này, các em học sinh không chỉ có được chỗ học khang trang mà vào mùa lũ, đây cũng chính là nơi an toàn giúp bà con bản Đoòng cư trú.