Quảng Bình:
Học sinh "mắc kẹt" vì dịch mong ngóng từng ngày để về quê học tập
(Dân trí) - Khi các trường học tại Quảng Bình bắt đầu quay trở lại học tập trực tiếp, những học sinh đang "mắc kẹt" tại các tỉnh phía Nam càng thêm phần mong ngóng, hy vọng sớm có thể về quê để học tập.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ca mắc mới giảm dần, nhiều trường học tại Quảng Bình đã bắt đầu quay trở lại học tập trực tiếp, thay vì học online.
Gần một tuần qua, nhiều trường học tại 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa đã bắt đầu đón học sinh trở lại trường. Các địa phương khác của Quảng Bình hiện nay cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể.
Việc trở lại dạy học bình thường không chỉ là điều kiện thuận lợi của ngành giáo dục mà còn là niềm vui của nhiều học sinh. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, hiện nay vẫn còn rất nhiều học sinh đi thăm người thân vẫn còn kẹt lại tại các tỉnh, thành phía Nam, chưa thể trở về học tập như dự định ban đầu.
Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 6/10, địa phương này có 1.466 học sinh đang phải cách ly hoặc kẹt lại tại các tỉnh phía Nam.
Em Phan Thị Tuyên, học sinh lớp 11A7, Trường THPT Tuyên Hóa là một trong những học sinh hiện đang bị kẹt lại tại Đồng Nai. Vào tháng đầu tháng 7 vừa qua, em Tuyên đã vào người thân chơi, dự định tháng 8 sẽ trở, thế nhưng vì đại dịch Covid-19 nên đến nay Tuyên vẫn chưa thể về quê.
"Lâu nay em vẫn học online, tuy nhiên khi được biết ở huyện Tuyên Hóa đã cho học sinh quay trở lại trường học tập thì em cũng hết sức nóng ruột. Trường em đã có thông báo hết tuần tới sẽ trở lại học trực tiếp nên em rất mong có thể sớm trở về quê kịp học tập cùng các bạn", Tuyên chia sẻ.
Không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh có con em đang kẹt lại vì dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam hết sức sốt ruột và tìm đủ mọi cách để con sớm trở về học tập cùng các bạn.
Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1993), ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa có con trai năm nay bước vào lớp 1. Vì đi làm ăn ở Đồng Nai nên chị Dung phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc và theo học ở quê. Dịp nghỉ hè vừa qua, con trai chị đã vào thăm bố mẹ và bị kẹt lại, còn ở quê, bạn bè của con thì đã học trực tiếp tại trường được hơn một tuần nay.
"Tôi cũng không nghĩ dịch phức tạp như thế nên đón con vào chơi ít tháng rồi về học. Mặc dù tôi vẫn liên hệ với cô giáo để kèm cặp, hướng dẫn cháu học mỗi ngày, thế nhưng với học sinh lớp 1 như con tôi thì vẫn thích đến trường với các bạn hơn, nó cứ suốt ngày hỏi khi nào con được về đi học, giờ biết tin trường của cháu ở quê đã vào học tôi càng nóng ruột hơn", chị Dung tâm sự.
Về phía các trường học khi tổ chức học trực tiếp nhưng vẫn còn học sinh kẹt lại vì dịch, giáo viên cũng đã lên phương án dạy kết hợp hình thức online hoặc hướng dẫn, giao bài tập để học sinh bám chương trình, đồng thời tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, khi nào các em về và đã hoàn thành cách ly sẽ bố trí phụ đạo và giúp học sinh hòa nhập.
Trường THCS & THPT Trung Hóa, huyện Minh Hóa là một trong những trường tại Quảng Bình đã tiến hành học trực tiếp từ ngày 1/10, tuy nhiên hiện còn 79 em học sinh chưa đến lớp. Theo cô Đinh Phan Thủy Yến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đối với các em học sinh chưa thể đến trường đã được bố trí để học trực tuyến.
"Trường chúng tôi hiện có 79 em mắc tại các vùng dịch, trong đó có một em F0. Các em chưa thể đến trường thì hiện vẫn phải học online. Nhà trường cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để tìm cách đưa các em về tham gia học tập", cô Yến cho hay.
Để đáp ứng nguyện vọng của công dân đang lưu trú tại các tỉnh phía Nam, tỉnh Quảng Bình đã bố trí 4 chuyến tàu hỏa miễn phí đón gần 3.000 người về quê, trong đó có các em học sinh đi thăm người thân ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện để các em học sinh "mắc kẹt" do dịch sớm được trở về quê, hoàn thành cách ly và đến trường học tập.