Học sinh lớp 10 trút nỗi lòng trong đề thi văn về “sự kỳ vọng”
(Dân trí) - Nhiều thí sinh thi môn văn vào lớp 10 chuyên của TPHCM chiều nay nhận định đề thi khá hay và thời sự ở phần nghị luận xã hội. “Sự kỳ vọng – áp lực hay động lực?” khiến nhiều học sinh tự vấn bản thân liệu học tập mà mãi kỳ vọng vào điểm số, thành tích có tốt hay không?
Đề văn chuyên lớp 10 gồm 2 câu, trong đó:
Câu 1: (4 điểm) Từ góc nhìn của tuổi trẻ, em hãy viết bài văn với nhan đề: "Sự kỳ vọng - áp lực hay động lực?”.
Câu 2 (6 điểm): Aristotle cho rằng "Phải biết nhìn đời bằng cặp mắt trẻ thơ" (Tôi tự học, Nguyễn Duy Cẩn, NXB Trẻ, 2013)
Xuân Diệu viết: "Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non" (Xuân Diệu- Tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục, 2009).
Theo em, cặp mắt trẻ thơ và đôi mắt xanh non có cần thiết trong sự sáng tạo văn chương? Bằng trải nghiệm văn học, hãy trình bày câu trả lời của em.
Tại nhiều điểm thi, sau giờ thi các thí sinh hớn hở vì đánh giá đề Văn chuyên năm nay rất hay. Nhất là câu 1 - nghị luận xã hội khá thiết thực và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Thí sinh Nguyễn Anh Thư, học sinh một trường THCS ở Gò Vấp bày tỏ: “Em thích nhất câu 1, giúp em liên hệ nhiều sự việc gần đây như một học sinh vì áp lực học tập mà tự tử. Trong bài làm, em cũng viết khá dài rằng áp lực đối với học sinh chính là sự kỳ vọng của cha mẹ, của gia đình - khi họ đánh giá "chuẩn" của con dựa trên điểm số, thành tích. Bản thân mỗi học sinh của em cũng cần phải tỉnh táo để được nếu quá kỳ vọng sẽ tạo nên áp lực cho mình, nhưng phải tạo động lực để học tập tốt”, Thư bộc bạch.
Bên cạnh đó, nữ sinh này cho rằng câu nghị luận văn học khá khó, yêu cầu thí sinh phải thật sự am hiểu sâu sắc các tác phẩm và có trải nghiệm văn học mới làm tốt được.
Tương tự, Ngọc Anh, học trường THCS Nguyễn Du cũng cho biết để làm câu 1, em đã lấy dẫn chứng từ bản thân em, sự kỳ vọng là động lực cho em. Bên cạnh đó, em cũng biết phát tiết chế để không tạo thành áp lực cho mình.
Đánh giá về đề văn chuyên lớp 10, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy văn trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, đề cơ bản đảm bảo được việc đánh giá, lựa chọn học sinh đủ năng lực vào học lớp chuyên.
Theo thầy Đức Anh, “câu nghị luận xã hội khá hay với nhan đề: “Sự kỳ vọng - áp lực hay động lực?”, giúp các học sinh lớp 9 phát huy được tư duy phản biện ở 2 mặt đó là vừa tích cực là “động lực” vừa tiêu cực “áp lực”. Đặc biệt, cái hay ở chỗ là đề nhấn mạnh yêu cầu “từ góc nhìn tuổi trẻ”, thông qua đó học sinh tự bộc lộ của chính mình chứ không phải trong vai trò của người lớn”.
Ở câu nghị luận xã hội, thầy Đức Anh cho rằng chỉ học sinh nắm vững lý luận văn học mới làm tốt được yêu cầu của đề. Nếu học sinh không chuyên văn e rằng khó có thể làm được tốt.
Tuy nhiên, theo thầy Đức Anh, với đòi hỏi sâu về lý luận như vậy thì hơi khó đối với học sinh lớp 9, chỉ học sinh có qua “lò luyện” mới đủ sức trình bày tốt. Tuy vậy, việc này có thể hiểu bởi đề thi này để phân loại học sinh vào học các lớp chuyên.
Lê Phương – Hoài Nam