Đắk Lắk:
Học sinh huyện nghèo thoát cảnh bỏ học, học tạm bợ nhờ Chương trình 30a
(Dân trí) - Được đầu tư nguồn vốn từ Chương trình 30a của Chính Phủ, nhiều trường học ở huyện nghèo đã "thay da đổi thịt" rõ rệt, vừa mang lại cơ sở vật chất khang trang vừa giảm thiểu việc học sinh bỏ học.
Xây trường mới "níu" học sinh ở lại trường
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện nghèo là M'Đrắk và Lắk được đầu tư nguồn vốn từ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là Chương trình 30a).
Năm 2020, huyện Lắk được đầu tư trên 48 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a để xây dựng 52 công trình. Trong đó có 3 công trình giáo dục, với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng.
Cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) cho biết, do địa bàn trường có gần 64% học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 54,3% nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Theo cô Hương, trước đây, do thiếu phòng học nên trường phải tận dụng dãy nhà 6 phòng cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng để dạy học. Do học trong điều kiện thiếu thốn, mưa thì dột ẩm ướt, hè thì nóng bức khiến cả thầy và trò đều thường trực nỗi lo âu.
"Năm vừa qua, thật may mắn khi trường được đầu tư từ Chương trình 30a xây 6 phòng với trên 300m2, tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Có phòng học khang trang, sạch sẽ cả phụ huynh lẫn học sinh đều rất phấn khởi, tỷ lệ các em bỏ học so với các năm giảm hẳn. Đây là tín hiệu rất vui mừng với một trường còn nhiều khó khăn như trường chúng tôi", cô Hương vui mừng nói.
Bà Nguyễn Thị Anh (phụ huynh có con em học ở trường THCS Võ Thị Sáu) phấn khởi: "Từ ngày có trường mới được xây dựng bài bản, sạch đẹp các cháu hào hứng đến trường hẳn, bố mẹ thì không còn lo lắng như trước khi các cháu học trong điều kiện rất thiếu thốn".
Xóa cảnh học tạm ở trường khó khăn
Riêng trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng) được thành lập từ năm 2008 chỉ với 4 phòng học nhưng số lượng trẻ của xã rất đông lên tới 400 - 500 cháu đăng ký học. Do điều kiện vật chất thiếu thốn, trường phải học nhờ, học ké tại các trường tiểu học trong khu vực và nhờ cả nhà cộng đồng buôn Yuk để dạy trẻ.
Bà Đỗ Thị Duyên - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng, cho rằng, việc mượn các cơ sở để học tạm là việc bất đắc dĩ dẫn tới nhiều khó khăn trong công tác dạy và học của trường. Không chỉ vậy, trong những dịp buôn có tổ chức họp hay sự kiện cộng đồng thì trường lại phải cho các cháu nghỉ học để nhường hội trường nên rất bất tiện.
Trước những khó khăn trên, Chương trình 30a đã đầu tư trên 8,1 tỷ đồng để xây dựng 8 phòng học (2 tầng) cho nhà trường, triển khai từ tháng 8/2020. "8 phòng học khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giúp các cháu có điều kiện học tập thật tốt, các giáo viên của trường sẽ không phải vất vả như trước", bà Duyên cho hay.
Ngoài ra, nguồn vốn Chương trình 30a còn hỗ trợ trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (xã Buôn Tría) 500 triệu đồng để xây bờ rào, làm mới sân, đã được bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, kịp thời về tiến độ để Trường tổ chức đón nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lắk, vui mừng khi Chương trình 30a đầu tư thiết thực cho ngành giáo dục, giúp hàng trăm em học sinh nghèo được có điều kiện đến trường.
"Trường học được đầu tư cơ sở vật chất giúp cho chất lượng dạy và học nâng cao, vừa đảm bảo được sự an toàn, sức khỏe cho các em vừa thu hút các em tới trường lớp. Trước đây các xã khó khăn, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học rất nhiều nhưng từ khi được đầu tư xây dựng trường tỷ lệ bỏ học giảm hẳn so với các năm trước và giúp xóa cảnh học tạm ở một số trường khó khăn", ông Ngọc chia sẻ.