Học sinh hào hứng nhảy flashmob tuyên truyền bảo vệ tê giác

(Dân trí) - Ngày 23/9, hơn 1.500 học sinh lớp 10, 11 trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) hào hứng tham dự hội thi “Tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác và bảo vệ tê giác trong học sinh”. Sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Tê giác Thế giới này tạo ra sân chơi thú vị cho các học sinh.

Học sinh trường THPT Phú Nhuận thi nhảy flashmob nhằm tuyên truyền bảo vệ tê giác
Học sinh trường THPT Phú Nhuận thi nhảy flashmob nhằm tuyên truyền bảo vệ tê giác

Hội thi được tổ chức dưới nhiều hình thức thi bổ ích giữa các lớp như thi tìm hiểu kiến thức, thi nhảy flashmob, thi thuyết trình, tiểu phẩm… Đặc biệt, phần thi tìm hiểu kiến thức diễn ra gay cấn, các đội thi đã tranh tài với nhau bằng kiến thức hiểu biết của mình qua các câu hỏi được đưa ra từ Ban tổ chức truyền tải những thông tin kiến thức, các chủ trương, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước và vai trò của cộng đồng xã hội trong công tác tuyên truyền giảm sử dụng sừng tê giác và bảo vệ tê giác…

Phần thi hùng biện cũng vô cùng ấn tượng với các bài diễn thuyết đầy sức thuyết phục về các ý tưởng độc đáo, sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề nhức nhối của việc sử dụng sừng tê giác và việc bảo vệ loài tê giác hiện nay…

Cô Đặng Thị Yến, Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận cho biết, nhà trường triển khai hoạt động này đến các học sinh từ đầu tháng 8. Các em học sinh và cả phụ huynh đều ủng hộ và tích cực tham gia. Để có các đội chơi trên sân khấu hôm nay, các lớp phải trải qua vòng sơ tuyển khá căng thẳng. Cô Yến cho biết, qua những Hội thi như thế này, các học sinh có thêm những kiến thức và hơn hết là nâng cao ý thức để bảo vệ động vật hoang dã nói chung, tê giác nói riêng.


Các tiểu phẩm do học sinh dàn dựng có chủ đề rõ ràng và thể hiện giá trị nhân văn.

Các tiểu phẩm do học sinh dàn dựng có chủ đề rõ ràng và thể hiện giá trị nhân văn.

Được khởi xướng bởi Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Nam Phi (WWF - Nam Phi) vào năm 2010, Ngày Tê giác Thế giới (22/9) đã trở thành một sự kiện toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức cho mọi thành phần trong xã hội và tăng cường hợp tác để cùng chung tay bảo tồn các quần thể tê giác ít ỏi còn lại trên hành tinh.

Sự đồn thổi về công dụng chữa bệnh, làm thuốc từ sản phẩm của các loài động vật hoang dã như sừng tê giác tại một một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đã góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm này, thúc đẩy các hoạt động săn bắn và buôn bán trái phép động thực vật hoang dã xuyên quốc gia, đẩy một số loài động thực vật hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng.

Các đội chơi thể hiện kiến thức đa dạng, sâu sắc về động vật hoang dã, nhất là về tê giác
Các đội chơi thể hiện kiến thức đa dạng, sâu sắc về động vật hoang dã, nhất là về tê giác

Lê Phương

Ảnh: PNM