Học sinh Hà Giang lần đầu tiên trải nghiệm Tết Nguyên đán Hà Nội
(Dân trí) - Ngày 25-28/1,10 học sinh huyện Vị Xuyên, Hà Giang được tham gia các hoạt động trải nghiệm Tết Nguyên đán ở Hà Nội.
Chương trình do Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh - Cơ sở Cầu Giấy, kết hợp cùng Quỹ từ thiện Cơm có thịt tổ chức, để lan tỏa tinh thần tương thân tương ái giữa các em học sinh.
Những em về Hà Nội lần này đều là học sinh có thành tích học tập xuất sắc, vượt khó, thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên, Hà Giang.
Trường Lương Thế Vinh sẽ tiếp nhận 10 học sinh dân tộc, đến từ các bản, xã rải rác ở huyện Vị Xuyên. Các em "ăn cùng, ở cùng" gia đình một số học sinh, dự thính giờ học, tham gia nhiều hoạt động trong Chương trình Tết sẻ chia 2024 của "Trường Lương".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, các học sinh dân tộc Dao, dân tộc Mông thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên cho biết, đây là kỷ niệm đáng nhớ trong đời bởi lần đầu tiên, các em được trải nghiệm cái Tết Nguyên đán đặc biệt tại Thủ đô.
Em Phàn Thị Thúy (dân tộc Dao) cho biết, nhà em cách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên khoảng 50km.
Thúy đang học lớp 12, là lớp trưởng. Bố mẹ Thúy đều làm nương, hàng tuần em ở lại ký túc xá của trường để học tập. Những ngày rảnh, em ra chợ dán hàng mã thuê, gói hoa, bốc vác hàng hóa.
Mỗi buổi làm thuê, cô học trò kiếm được khoảng 50.000 đồng, số tiền tích cóp được trong tháng, em để trang trải học tập, mua thêm thức ăn cho gia đình, mua áo cho mẹ.
"Đợt này về Hà Nội, em được ở cùng gia đình một bạn học sinh lớp 11, em đã làm quen với Trúc Linh, Gia Linh của Trường Lương Thế Vinh. Em vui lắm.
Mặc dù vài ngày ngắn ngủi nhưng chúng em đã có những kỷ niệm khó quên. Chúng em còn hẹn sẽ gặp nhau ở Hà Nội bởi ước mơ của em là thi đỗ vào một trường sư phạm nào đó để làm giáo viên.
Ước mơ này của em đeo đuổi từ năm bắt đầu vào tiểu học bởi mẹ em không biết tiếng Kinh, không biết chữ", Thúy xúc động kể lại.
Đặng Văn Éch, học sinh lớp 10 của trung tâm cho biết, ngoại trừ em, trong nhà không ai được học qua cấp tiểu học.
Năm học vừa qua, điểm tổng kết của Éch đạt hơn 7,0. Ước mơ của em sẽ thi đậu một trường nào đó để sau này đi làm, thoát khỏi cảnh làm nương rẫy và cảnh cãi vã của bố mẹ.
Theo nam sinh này, ở quê em, mâm cơm ngày Tết chỉ có rau và ít thịt gà tự nuôi.
"Về Hà Nội, em được ở nhà bạn Vũ Phong, được ăn cơm ngon hơn cả cỗ Tết ở quê. Bạn Phong tặng em một chiếc áo và chúng em hẹn hè này sẽ gặp mặt ở Hà Giang", nam sinh cho biết.
Triệu Văn Anh, học sinh lớp 12 của Trung tâm chia sẻ, mình có 5 anh chị em nhưng không ai học qua tiểu học. Bố mẹ em đều làm nương rẫy, trước đây nhà luôn rơi vào cảnh thiếu ăn hoặc cơm trộn sắn.
"Tết Nguyên đán hàng năm, trong bản chung nhau mổ lợn, mâm cơm Tết mỗi nhà có ít thịt treo gác bếp, cộng với rau tự trồng trong vườn.
Về Hà Nội, em được tham gia nhiều hoạt động Tết Nguyên đán khác biệt, được thăm thú nhiều danh lam thắng cảnh của Thủ đô, những nơi trước nay em chỉ biết qua tivi, sách báo", Văn Anh nói.
Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hải Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên cho biết, trung tâm có tổng 58 học viên. Các em đều thuộc vùng khó khăn, nhiều em nhà cách trường 50-70km.
"Ngày Tết của các em học sinh dân tộc tại quê hương chúng tôi thường theo phong tục riêng nhưng có lẽ điểm chung nhất đó là hầu hết các gia đình ở bản còn nhiều thiếu thốn.
Với những học sinh về Hà Nội đợt này, các em sẽ có kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
Học sinh được tham gia nhiều trải nghiệm ấn tượng về ngày Tết, được các bạn ở Thủ đô tiếp lửa, giúp các em thắp lên ước mơ trong học tập và cuộc sống.
Chương trình Tết sẻ chia 2024 là hoạt động thường niên của trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, nhằm giáo dục học sinh về phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam đồng thời cũng là hoạt động hướng tới trẻ em nghèo.
Năm nay, thầy trò nhà trường gói 2.500 chiếc bánh chưng. Bánh được vớt ra, một phần cho học sinh các lớp thưởng thức, phần còn lại để tặng học sinh vùng khó khăn trên địa bàn và trẻ em vùng cao.