Học sinh "gồng gánh" chạy đua chứng chỉ IELTS xét tuyển đại học

Huỳnh Đức

(Dân trí) - "Thời gian học thêm các môn học đã chiếm đa phần quỹ thời gian trong ngày của mình, thế nên mình chỉ có thể học IELTS vào buổi đêm, có khi đến tận 3-4 giờ sáng", Trịnh Minh chia sẻ.

Đường đua giành chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học

Trịnh Quốc Minh, học sinh trường THPT Chu Văn An, thuộc trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: "Lúc đầu, vì chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng nên mình chỉ định thi IELTS để kiểm tra trình độ tiếng Anh của bản thân. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ hơn, mình nhận thấy việc sở hữu chứng chỉ IELTS rất có lợi trong việc xét tuyển đại học. Do đó, mình quyết định tham gia "đường đua" lấy chứng chỉ IELTS".

Cũng lựa chọn phương thức xét tuyển vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Bùi Khánh Linh, học sinh chuyên Anh trường THPT Chuyên Sơn La bộc bạch: "Ai cũng có mong muốn được học ngành mình yêu thích và ngôi trường mình mơ ước, thế nên cũng không có gì khó hiểu khi mọi người "đổ xô" đi học IELTS như là cách kiếm thêm cho mình một cơ hội để xét tuyển vào các trường đại học.

Học sinh gồng gánh chạy đua chứng chỉ IELTS xét tuyển đại học - 1

Cô Thu Hiền cho rằng thật đáng mừng khi nhiều trường đại học bắt đầu tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, IELTS là một bài thi khó  và đòi hỏi mức độ tiếp cận về kiến thức và kỹ năng bao quát cả về chiều rộng và chiều sâu. Trước khi học chứng chỉ này, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, nếu không muốn bị "ngập lụt" trong khối kiến thức khổng lồ của bài thi IELTS".

Nhận thấy những thay đổi tích cực khi các bạn học sinh đang quan tâm hơn đối với

môn tiếng Anh nói chung và chứng chỉ IELTS nói riêng, cô Lê Thị Thu Hiền, Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học tiếng Anh, trường Đại học Tây Bắc, bày tỏ: "Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục phát triển tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được thì điều kiện tiên quyết trước tiên phải là khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh. Do đó, việc các trường đại học đang mở rộng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một tín hiệu đáng mừng".

Tuy nhiên, cô Thu Hiền cũng nhấn mạnh rằng IELTS chỉ là một trong số các phương thức xét tuyển vào các trường đại học; là lợi thế chứ không phải là điều kiện tiên quyết. Thế nên, cần cân nhắc mức độ phù hợp trước khi học chứng chỉ này.

"Gồng gánh" vừa ôn thi tốt nghiệp, thi các khối ngành vừa thi IELTS

Chia sẻ về vấn đề này, Trịnh Minh bày tỏ: "Quyết định thi IELTS vô cùng gấp rút, nên mình phải lên một "chiến thuật" cụ thể để vừa có thể ôn luyện chứng chỉ này một cách hiệu quả, lại vừa có thể cân bằng với việc học văn hóa ở trên lớp và việc học thêm ở ngoài. Thời gian học thêm các môn học đã chiếm đa phần quỹ thời gian trong ngày của mình, nên mình chỉ có thể học IELTS vào buổi đêm, có khi đến tận 3-4 giờ sáng.

Khoảng thời gian đó, mình cảm thấy thật sự áp lực và mệt mỏi. Vào những lúc rảnh rỗi mình thường đọc thêm sách, báo liên quan đến tiếng Anh để cải thiện hơn kỹ năng đọc, hay tranh thủ nghe một bài nghe trong giờ giải lao. Mình phải "ép chín" bản thân vì mục tiêu sở hữu một điểm số IELTS ấn tượng".

Học sinh gồng gánh chạy đua chứng chỉ IELTS xét tuyển đại học - 2

Trịnh Minh quyết định gia nhập vào đường đua để "giành lấy" chứng chỉ IELTS (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, Trịnh Minh không phải là người duy nhất phải "gồng" lên để phân bổ và cân bằng thời gian cho việc học chứng chỉ IELTS. Đỗ Quốc Bảo (Sơn La) chia sẻ: "Mình đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào việc học IELTS từ năm lớp 10. Mình học chứng chỉ này liên tục trong 3 năm và trung bình bỏ ra khoảng 10 tiếng một tuần để học. Nhưng vào giai đoạn nước rút thì thời gian dành ra để ôn luyện đã tăng lên gấp 2, gấp 3 lần. Thậm chí, có khi mình ngồi cả ngày chỉ để "cày" những bài thi thử và luyện tập những dạng bài khác nhau".

Không giống như Quốc Bảo, thay vì chuẩn bị cho chứng chỉ này từ sớm, cô bạn Khánh Linh lại đến giai đoạn "nước đến chân mới nhảy". Trong quá trình ôn thi, cô bạn Gen Z gần như bỏ bê tất cả các môn học trên lớp và cả việc học thêm các môn trong tổ hợp xét tuyển chỉ để ôn luyện IELTS, bởi lượng kiến thức của IELTS quá lớn.

"Thật khó có thể nói một định mức cụ thể nào về thời gian nên bỏ ra để học chứng chỉ này. Mỗi người có trình độ và khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau. Quan trọng là việc bản thân phải nỗ lực bền bỉ như thế nào khi học để lấy chứng chỉ IELTS", Khánh Linh nói.

"Hụt hơi" trong cuộc đua

Trong quá trình luyện thi IELTS, rất nhiều bạn học sinh cảm thấy kiệt sức khi phải tiếp thu được khối kiến thức khổng lồ từ bài thi này. Áp lực về kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 kèm theo áp lực về bài thi IELTS đã làm gia tăng thêm những thách thức cho các bạn học sinh sinh năm 2004.

Vân Anh bày tỏ: "Đó là khoảng thời gian mình vừa phải "nhồi nhét" kiến thức IELTS, vừa phải cân bằng với việc học chính khóa trên lớp và việc học thêm ngoài giờ. Nhiều khi mình phải tranh thủ ăn vội một thứ gì đấy để kịp tới lớp luyện thi và "gồng gánh" lịch học chồng chéo, dày đặc.

Học sinh gồng gánh chạy đua chứng chỉ IELTS xét tuyển đại học - 3

Khánh Linh cảm thấy áp lực khi phải dành toàn bộ thời gian cho việc học IELTS (Ảnh: NVCC).

Đã có lúc mình muốn bỏ cuộc, nhưng bỏ cuộc thì bản thân sẽ càng cảm thấy chênh vênh hơn khi không có bất kỳ một đích đến nào trong lần vượt vũ môn này".

Hay đối với Khánh Linh, việc bạn bè đồng trang lứa đạt được những điểm số "khủng" để có thể xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ đã khiến cô bạn cảm thấy vô cùng áp lực. Khánh Linh dường như phải "ép" bản thân học thêm rất nhiều kiến thức nâng cao và tăng cường thêm thời gian để ôn luyện.

"Một từ áp lực thôi không thể nào diễn tả hết được những gì mà bản thân mình đang phải chịu đựng. Đặc biệt, mình là một học sinh chuyên Anh nên mọi người thường áp lên mình tiêu chuẩn cao hơn so với thông thường. Tuy nhiên, việc sở hữu một chứng chỉ IELTS là cả một quá trình rất dài để mọi người phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ, những thành tích mà các bạn nhìn thấy thực chất chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" mà thôi", Khánh Linh giãi bày.

Ngoài ra, cô bạn Gen Z còn chia sẻ thêm rất nhiều câu chuyện về bạn bè của mình đang phải "vật lộn" để học chứng chỉ này trong một tình trạng mệt mỏi và vô cùng kiệt sức.

Nhận định về những khó khăn trong quá trình luyện thi IELTS, cô giáo Thu Hiền chia sẻ: "Việc học và thi chứng chỉ IELTS không phải là chuyện của ngày một ngày hai hay chỉ cần một, hai tháng cố gắng là đủ. Nó là sự quyết tâm của cả một hành trình lâu dài và bền bỉ. Chúng ta không thể học nó theo cách "muối xổi", "cuốn chiếu" mà phải học hiểu, học đi đôi với hành để thật sự "ngấm" những kỹ thuật làm bài cho từng dạng, từng kỹ năng khác nhau.

Có lẽ, chính vì điều đó đã khiến các bạn học sinh dần trở nên mất định hướng và phải bỏ cuộc vì kiệt sức giữa đường đua", cô Thu Hiền bày tỏ.

Khó khăn là thế nhưng khi nhận được câu hỏi "Bạn có sẵn sàng chạy đua để giành lấy một chứng chỉ IELTS hay không?" đa phần các bạn học sinh đều chấp nhận dù bị "hụt hơi" trong quá trình ôn luyện.

Quốc Bảo nhấn mạnh: "Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng".

Hay như Vân Anh chia sẻ: "Kết quả mình nhận được sau quá trình "vùi đầu" vào sách vở để ôn luyện IELTS là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của bản thân. Những người bạn của mình chọn xét tuyển ĐH, CĐ bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT dường như đang phải cố gắng hơn rất nhiều vào giai đoạn về đích sắp tới. Còn mình thì đã "chắc ăn" hơn phần nào khi sở hữu một "vũ khí" lợi hại trong đường đua quá trình xét tuyển vào các trường đại học".

Vân Anh cũng cho biết: "Nếu bạn có quyết tâm gia nhập đường đua lấy chứng chỉ IELTS, thì hãy can đảm để trở thành một phiên bản Peter Pan của chính mình, để phiêu lưu đến với những giới hạn không tưởng của bản thân".

"Một ăn cả ngã về không"

Chia sẻ về vấn đề này, Vân Anh bày tỏ: "IELTS sẽ là cơ hội cho những ai sở hữu một nền tảng tiếng Anh ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, đối với những người có nền tảng tiếng Anh chưa thực sự tốt thì cần phải đặt lên bàn cân trước khi lao vào việc học IELTS.

Việc "đổ xô" đi học chứng chỉ này khi không hiểu rõ về trình độ, khả năng của bản thân cũng giống như việc "một ăn cả ngã về không". Nếu bạn sở hữu một số điểm đủ tốt thì bạn sẽ có cơ hội được tuyển thẳng vào các trường đại học; nếu không thì bạn sẽ lãng phí rất nhiều sức khỏe, tiền bạc và thời gian".

Đồng quan điểm với Vân Anh, Đỗ Quốc Bảo cũng nhận thấy sự lãng phí nếu như không quyết tâm theo học chứng chỉ này đến cùng. Cậu bạn Gen Z chia sẻ: "Nếu chỉ học IELTS theo phong trào mà không có bất kỳ sự quyết tâm nào, thì lúc này IELTS sẽ không còn là một cơ hội nữa mà nó sẽ là một thách thức khi bạn phải đặt bản thân lên một tình thế nguy hiểm trong đường đua xét tuyển vào các trường đại học".

Bạn suy nghĩ sao về vấn đề này, hãy chia sẻ dưới phần bình luận bên dưới!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm