Bến Tre:
Học sinh Cù lao cồn Kiến: Chòng chành đi học theo "con nước"
(Dân trí) - Học sinh sống trên Cù lao cồn Kiến, việc ôn bài ban đêm cũng trở nên khó khăn vì điện lưới chưa có. Muốn lên bờ học phải đi đò sang sông cả cây số, con chữ cũng chòng chành theo "con nước".
Cù lao cồn Kiến (xã Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre) nhỏ bé nằm im lìm bên dòng sông Cổ Chiên rộng mênh mông. Đoạn sông chảy ngang qua cồn Kiến rộng khoảng 2km, khoảng cách từ cồn Kiến vào bờ phía Bến Tre là khoảng 1 km, khoảng cách từ cồn Kiến về bờ Vĩnh Long thì chừng 500m.
Trên cồn Kiến có chừng 20 nóc nhà, những người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng cây và nuôi cá. Người dân trên cồn Kiến cho biết họ đã ở đây từ nhiều đời, cuộc sống cứ êm đềm trôi theo con nước. Tuy nhiên những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hạn mặn làm chết cây, triều cường dâng ngập và sạt lở đất khiến việc mưu sinh ngày càng khó khăn.
Trên cồn, người dân phải lắng nước sông để ăn uống, tắm giặt. Cồn vẫn chưa có điện lưới, năm 2011, một doanh nghiệp thủy sản về đây nuôi cá đã hỗ trợ cho người dân sử dụng điện máy phát, tuy nhiên chỉ hạn chế ở việc thắp sáng vài bóng đèn.
Điện chập chờn và yếu nên trong nhà các gia đình trên cồn Kiến không có thiết bị điện. Cuộc sống càng ngày càng trở nên tụt hậu so với đời sống trên đất liền, mặc dù muốn lên bờ nhưng dân cồn Kiến đành chịu vì không có vốn.
Trong câu chuyện đùa, người dân trên cồn Kiến nói vui, ví mình như cuộc đời của Mỵ rằng "sống lâu trong cái khổ, nên quen khổ rồi". Thế nhưng họ không khỏi chua xót khi con em của mình sinh ra trong thời hiện đại, lại phải chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.
Điều kiện sống trên cồn Kiến hạn chế, đường sá đi lại cũng khó khăn nên trẻ em chẳng có gì để vui chơi. Về chuyện học hành các em lại càng thiệt thòi hơn. Hằng ngày, việc sang sông đi học cũng là thử thách.
Từ bậc mầm non các em đã phải sáng đi tối về trên chuyến đò dài hơn nửa cây số, những ngày mưa gió thì nguy cơ luôn rình rập. Đêm về, hôm nào may mắn thì các em được ôn bài trong ánh đèn lờ mờ, hôm nào điện yếu quá thì đành chịu.
Cồn Kiến hiện có khoảng 30 học sinh đang theo học các cấp. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cùng những cách trở, không ít em đã phải nghỉ học giữa chừng.
Sống trên cồn Kiến nhưng người dân vẫn nuôi ước mơ một ngày được lên đất liền xây nhà dựng cửa. Hy vọng đó họ gửi vào thế hệ con em của mình, họ cố gắng cho con em được ăn học đầy đủ để mong thoát cảnh lênh đênh theo con nước.
Một phụ huynh trên cồn Kiến là ông Nguyễn Văn Nhân cho biết: "đối với học sinh trên cồn, thử thách lớn nhất là sáng sớm sang đò lên đất liền đi học, chặng đường sang sông luôn tiềm ẩn nguy cơ. Không chỉ vậy, việc sang sông lụy đò cũng là vấn đề với người trên bãi.
Trước đây tiền đò dịch vụ cho mỗi học sinh mỗi tháng là 300 nghìn đồng. Với số tiền này, nhà đò chỉ đưa đón 1 lần đi và 1 lần về trong ngày theo giờ chính khóa, nếu con em nào muốn đi học thêm thì sẽ phải đóng tiền lượt 40 nghìn đồng cho mỗi lượt sang bờ và quay về.
2 năm gần đây nhà đò tăng giá lên 450 nghìn đồng mỗi học sinh, hầu hết các gia đình đều không chịu được vì đây là số tiền lớn so với thu nhập. Cũng chính vì thế mọi người thay phiên nhau tự túc đưa đón con em, có phần bất tiện và nguy hiểm nhưng cũng đành chấp nhận", ông Nhân chia sẻ.
Người dân trên cồn Kiến chọn cách cho con em đi học ở bờ phía Vĩnh Long vì quãng đường đi đò ngắn đi một nửa. Trên mỗi chuyến đò, đi kèm theo tầm 5, 6 em học sinh là một người lái đò, một hoặc 2 phụ huynh có vai trò như bảo mẫu. Nếu ngày mưa gió, tất cả mọi người sẽ được trang bị bảo hộ đầy đủ. Khi đò sang sông, ngoại trừ người cầm lái thì những người còn lại đều ngồi lọt vào trong khoang.
Em Nguyễn Thị Băng Tâm đang học lớp 7 cho biết, việc đi đò sang sông vì quen rồi nên cũng không thấy sợ. Tâm cho rằng khó khăn khi sống ở đây là việc đi lại bất tiện, cùng với đó là việc chưa có điện lưới, dẫn đến việc học ban đêm khó khăn và cực hơn.
Học sinh trên cồn Kiến đều hầu hết sẽ lên bờ học vào buổi sáng , nghỉ trưa tại trường để học buổi chiều rồi chiều mới đi đò về. Trên cồn Kiến mọi người đều cố gắng hoàn thành công việc vào ban ngày khi còn ánh mặt trời, việc học bài của học sinh cũng không ngoại lệ.
Ông Trương Văn Bo, Chủ tịch UBND xã Tân Thiềng cho biết hiện cuộc sống trên cồn Kiến còn nhiều khó khăn, chính quyền địa phương thường vận động cũng như có các phần quà khuyến học cho học sinh trên cồn, cơ bản các em đều cố gắng học hết lớp 12.