Nghệ An:

Học sinh bỏ học đi kiếm tiền, địa phương “mất” phổ cập

(Dân trí) - Xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) là địa phương duy nhất của tỉnh Nghệ An hiện vẫn chưa được công nhận là phổ cập THCS. Nói đúng ra là đã từng được công nhận phổ cập nhưng lại mất. Nguyên nhân là số lượng học sinh bỏ học khá cao. Các em bỏ trường, bỏ lớp đi câu cá, làm osin, thậm chí sang làm thuê bên Trung Quốc.

Học sinh bỏ học, địa phương mất phổ cập

 

Bỏ học đi làm thuê

Sơn Hải đang trong kế hoạch xây dựng thị tứ của khu vực ven biển Quỳnh Lưu. Nói thể để hiểu rằng Sơn Hải là địa phương phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, đây là địa phương có số lượng học sinh bỏ học (ở bậc THCS) nhiều nhất Nghệ An. Theo ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hải thì năm học 2014-2015 toàn xã có 30 học sinh bỏ học. “Từ đầu năm học 2015-2016 tới nay có 5 em bỏ học. Tình trạng học sinh bỏ học diễn ra nhiều vào dịp nghỉ Tết nên hiện địa phương đang lo”, ông Hùng cho biết thêm.


Theo chị Hương lý giải thì việc cho con nghỉ học đi làm osin là do hoàn cảnh quá khó khăn.

Theo chị Hương lý giải thì việc cho con nghỉ học đi làm osin là do hoàn cảnh quá khó khăn.

Theo giới thiệu của cán bộ địa phương, chúng tôi tìm đến nhà chị Ngô Thị Hương (xóm 4, Sơn Hải). Chồng đi biển, chị Hương sinh một lèo 6 con gái. Cháu đầu là Trần Gia Ly học hết lớp 7 thì nghỉ. “Kinh tế khó khăn nên tôi cho cháu nghỉ học. Mà cháu cũng xin nghỉ học đi kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi em. Giờ cháu đang đi làm giúp việc ở Hà Nội. Mới chuyển chủ mới nên cũng chưa rõ lương lậu thế nào”, chị Hương lý giải. Nhìn vào căn nhà chị Hương đang ở, thật khó mà tin “hoàn cảnh gia đình khó khăn” như chị nói.

Danh sách học sinh bỏ học qua các năm ngày một dài nhưng không cần giở sổ sách giáo viên của Trường THCS Sơn Hải cũng có thể nhớ tên, nhớ hoàn cảnh rõ ràng từng em. Các cô cũng không nhớ nỗi bao nhiêu lần cùng cán bộ địa phương đến từng nhà để vận động học sinh quay trở lại trường nhưng số học sinh bỏ học cũng cứ nhiều dần lên. Em Nguyễn Thị Lụa vốn là học sinh khá, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến nhưng năm học mới vừa được 1 tháng thì các bạn không thấy Lụa đi học nữa.


Sơn Hải được đánh giá là địa phương có nền kinh tế phát triển trong các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu.

Sơn Hải được đánh giá là địa phương có nền kinh tế phát triển trong các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu.

“Nhà trường nhìn vào lực học của em thấy rất tiếc nếu em phải bỏ học. Đến nhà vận động, thuyết phục Lụa và gia đình cũng không thay đổi gì. Hoàn cảnh của Lụa cũng rất đặc biệt, bố mẹ bỏ nhau, mẹ đi làm ăn xa… Có em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình nhưng cũng có em bỏ học vì đua đòi, thích chơi bời, nghiện nét”, cô Trần Thị Long – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hải tâm sự.

Lụa hay Gia Ly bỏ học rồi sẽ đi làm công nhân hay làm osin. Còn các nam sinh bỏ học hầu hết theo thuyền ra biển đi câu hay vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Ra Tết Ất Mùi, Nguyễn Minh Tâm (lớp 9G, Trường THCS Sơn Hải) cùng 2 bạn trong lớp bỏ học theo một đường dây vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. “Nhà nghèo với học không vào nên em nghỉ học đi theo người khác sang Trung Quốc. Phải nộp 6 triệu họ mới cho đi. Sau khi vượt biên theo đường rừng sang Quảng Đông, em được nhận vào làm việc ở một xưởng sản xuất bản lề, ngày làm 12 tiếng, có khi hơn. Có tháng em kiếm được 8-9 triệu nhưng có tháng không có việc làm rồi thất nghiệp.

Nguyễn Minh Tâm (ngoài cùng bên phải) là một trong ít học sinh quay lại trường sau khi bỏ học.
Nguyễn Minh Tâm (ngoài cùng bên phải) là một trong ít học sinh quay lại trường sau khi bỏ học.

Ở bên đó được gần 9 tháng, em cũng không nhớ rõ lắm, rồi em về. Về các thầy cô đến vận động đi học lại, em ngại vì phải học với các em ít tuổi hơn. Các thầy cô động viên, rồi mẹ cũng bảo đi học nên em trở lại trường. Em cố học hết cấp 2, rồi cấp 3 để lấy các bằng THPT sau này đi xuất khẩu lao động chứ đi “chui” cũng sợ”, Tâm chia sẻ. Tâm là một trong rất ít học sinh ở Sơn Hải còn quay lại trường sau khi bỏ học. Hai người bạn cùng lớp với Tâm cũng không đi học lại, cũng không rõ đang làm thuê ở đâu.

Đau đầu ngăn chặn tình trạng bỏ học

Thầy giáo Trần Xuân Nhương – Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu cũng không nhớ có bao nhiêu cuộc họp diễn ra giữa phòng với chính quyền xã Sơn Hải, cán bộ từng thôn xóm và ban giám hiệu Trường THCS Sơn Hải để bàn giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học: “Cái khó nhất vẫn là nhận thức của người dân. Sơn Hải là địa phương có kinh tế phát triển nhưng phân hóa giàu nghèo cao, cộng với đó là tình trạng thất nghiệp ở sinh viên đại học sau khi ra trường và đặc thù nghề đánh bắt cá xa bờ cần nhiều lao động… nên tỷ lệ bỏ học, đặc biệt là ở bậc THCS rất cao. Trong tiềm thức của nhiều phụ huynh cũng như nhiều học sinh chỉ cần học chữ cho biết rồi đi làm thuê kiếm tiền vẫn hơn là tiếp tục đi học, mất thêm tiền bạc mà cuối cùng vẫn không có việc làm”.

Ông Trần Xuân Nhương - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu: Khó nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân.
Ông Trần Xuân Nhương - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu: "Khó nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân".

Ông Đỗ Hải Dương (xóm trưởng xóm 4, xã Sơn Hải) phân trần: “Dân ở đây chủ yếu đi biển, nhà nào cũng cố gắng đẻ đông con “nối nghiệp gia đình”, để kiếm đứa con trai thế nên sinh con ra chẳng ai nghĩ đến việc cho con học cao làm gì. Hầu như nhà nào cũng có con bỏ học nên lâu dần mọi người xem đây là bình thường. Họ chỉ nghĩ đơn giản là học cho biết chữ là được, rồi đi làm có tiền sớm càng tốt”.

Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cũng cho rằng, đặc thù nghề nghiệp cộng với nhận thức của phụ huynh, học sinh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học ở Sơn Hải cao hơn những địa phương khác. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân về việc học là biện pháp đang được ráo riết thực hiện, đặc biệt, vào các dịp sau Tết nguyên đán hay kết thúc năm học – thời điểm có nhiều học sinh bỏ học trong năm. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện cùng UBND xã Sơn Hải tổ chức các lớp bổ túc văn hóa cho các em học sinh đã bỏ học. Tuy nhiên các lớp bổ túc này cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn lại… vắng bóng học sinh.


Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng học sinh bỏ học ở địa phương.

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng học sinh bỏ học ở địa phương.

Trước đây, Sơn Hải đã hoàn thành được phổ cập THCS nhưng năm 2013 thì bị mất phổ cập do học sinh trong độ tuổi bỏ học nhiều. Sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi (THCS) đến trường đã tăng lên 76,9% (trong khi tỷ lệ chung của cả tỉnh Nghệ An là 99,8%) rồi 78,7% trong năm vừa qua. Ông Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu lạc quan cho rằng, với đà này thì chỉ một vài năm tới số người trong độ tuổi được cấp bằng tốt nghiệp THCS sẽ đạt 80% (mức đạt để được công nhận phổ cập THCS). Tuy nhiên, để đạt được con số này, không chỉ là nỗ lực của trường, của địa phương, của Phòng GD-ĐT huyện mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các đoàn thể chính trị xã hội khác.

Hoàng Lam