Học phí đại học sẽ tăng
Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hết hiệu lực sau năm học 2014 - 2015. Tuy nhiên, tới thời điểm này Bộ GD-ĐT mới trình Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021.
Ảnh Lê Anh Dũng
Các nhóm ngành đều tăng 10%
Theo Nghị định 49, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà tăng 10% mỗi năm. Được biết, trong dự thảo mới, mức tăng học phí của tất cả các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/ năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015.
Mức trần học phí vẫn tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo gồm: Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản; Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; Y dược.
Trong lúc chờ có quy định mới, tới thời điểm này, các trường vẫn thu học phí theo mức cũ.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, do Nghị định 49 đã hết hiệu lực mà Nhà nước chưa có hướng dẫn mới, nên học kì 1 này trường vẫn thu học phí theo mức học phí năm 2014 - 2015. Mức học phí học kì 1 năm 2015 - 2016 vẫn ở mức trần từ 550.000 - 800.000 đồng/ tháng, tùy nhóm ngành nghề đào tạo.
Ông Hùng cho biết trường công lập không được quyền xây dựng lộ trình trước, mà phải chờ sự cho phép của Bộ. “Nếu mỗi năm tăng thêm 10%, chắc chắn mức học phí năm 2021 của trường sẽ ở múc 9,7 đến trên 14 triệu đồng/ sinh viên/ năm” – ông Hùng dự tính. Theo ông Hùng, khi nào quy định mới được phê duyệt, có hướng dẫn cụ thể, trường mới xây dựng lộ trình tăng học phí.
Ông Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho biết trường do chưa có hướng dẫn việc thu học phí năm nay, nên trường vẫn thu học phí theo mức cũ (theo Nghị định 49).
Còn theo ông Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM thì hiện tại trường sẽ tạm thu của sinh viên trước 1 học kì. Tới cuối học kì, khi có quy định mới, trường sẽ tính toán lại mức học phí. Còn nếu như vẫn chưa có quy định mới, trường sẽ tiếp tục thu học kỳ II theo mức cũ.
Ông Quang cho biết trường chỉ có một nhóm ngành khoa học tự nhiên nên sẽ thu theo trần nhóm khoa học tự nhiên. Khi quy đổi theo tín chỉ, trường sẽ cân đối để việc thu không vượt quá trần quy định.
Nhiều trường tự chủ tài chính thu thấp hơn đề xuất
Trong dự thảo mới này, được biết Bộ GD-ĐT có đề xuất mức trần học phí của trường đại học được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (trường tự chủ tài chính).
Theo đó, mức trần học phí loại trường này cũng được phân theo nhóm ngành nghề, với mức tối đa của nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/ năm.
Ông Nguyễn Đình Luận, hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết dù tự chủ tài chính nhưng khi tính mức học phí, trường còn phải tính tới “sức chịu đựng” của sinh viên. “Liên quan đến học phí hệ chính quy, mức học phí trần năm học 2014 - 2015 theo Nghị định 49 đối với ngành Công nghệ Thông tin, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (giảng dạy bằng tiếng Anh) là 6,5 triệu đồng/ năm, đối với các ngành khác là 5.5 triệu đồng/năm, so với thực tế chi phí đào tạo bình quân/ sinh viên chính quy/ năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Nhưng chúng tôi không thể lấy lý do tự chủ để đẩy học phí lên quá cao, vì đa phần sinh viên là con em nông thôn”.
Theo ông Luận, trường thu học phí ổn định theo lộ trình. Mức học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa của năm học 2015 – 2016 là 12 triệu đồng/ sinh viên/ năm, năm học 2016 – 2017 là 14 triệu đồng/ sinh viên/ năm. Trường thực hiện tính toán và công khai mức học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân không vượt quá mức trên.
Theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động của Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 – 2017 được Chính phủ phê duyệt, Trường ĐH Ngoại thương thu học phí ổn định theo kế hoạch. Cụ thể, mức thu học phí tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng một sinh viên, năm 2016 - 2017 là 16 triệu đồng.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thu học phí ổn định với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014 - 2015 là 9,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm, năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm và đến năm học 2016 - 2017 là 13,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm.
Trong khi đó, Trường ĐH Điện lực có mức thu học phí bình quân tối đa năm học 2015 – 2016 là 15,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm. Tới năm học 2016 – 2017 tăng lên 17,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm.
Trường ĐH Tài chính – Marketing có mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015 – 2016 là 14,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm, năm 2016 – 2017 là 16,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm.
Theo Vietnamnet