Học ngành... "con gái", nam sinh được giữ lại Trường ĐH Bách khoa TPHCM
(Dân trí) - Học ngành Dệt may, chàng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Trương Văn Đạt được giữ lại công tác tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM.
Ngày 22/4, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho gần 3.000 tân tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân.
Năm nay, có 47 sinh viên có thành tích học tập và bảo vệ luận văn tốt nghiệp loại giỏi được trường khen thưởng Huy chương vàng, Huy chương bạc.
Thủ khoa năm nay của trường là tân kỹ sư Ngô Đức Tuấn (khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính) với số điểm 9.62 và nổi bật với điểm luận văn đạt số điểm tuyệt đối 10.
Một trong những gương mặt sinh viên tốt nghiệp nổi bật nhất của trường năm nay phải nhắc đến tân kỹ sư Trương Văn Đạt. Chàng trai tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Dệt với điểm tổng kết 9.14 và là sinh viên tốt nghiệp nhà trường giữ lại làm việc.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Đạt tiết lộ, ngay khi đỗ đại học, cậu đã xác định đó chỉ là điểm khởi đầu, không phải là kết quả để mình tự mãn. Đạt kỷ luật và nghiêm túc với bản thân và sớm xác định từ đầu mục tiêu phải giành Huy chương vàng lúc tốt nghiệp từ năm nhất.
Hàng loạt yêu cầu được Đạt đặt ra cho bản thân như không được rớt môn, không bị kỷ luật, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, điểm thi cao cũng như tham gia nghiên cứu khoa học.
Theo học Dệt may, ngành học ở Bách khoa vẫn được gọi là ngành "con gái" khi mà sinh viên nữ theo học áp đảo với tỷ lệ hơn 70%, Đạt cho biết, mình nhìn phát hiện tiềm năng của lĩnh vực này từ khi chọn trường. Đây cũng là nguyện 1 của cậu khi đăng ký thi ĐH vì thấy ngành học này có nhiều thú vị cũng như cơ hội việc làm cao.
Theo Đạt, đánh giá ngành dệt là công việc của riêng nữ giới là... trật lất. Ngành dệt, các công đoạn như kéo sợi, dệt thoi, dệt kim, nhuộm-hoàn tất vải.... hiện nay thao tác hoàn toàn trên máy móc rất cần nguồn nhân lực là kỹ sư nam.
Chưa kể, kỹ thuật dệt may giờ đây không đơn thuần ứng dụng trong may mặc mà ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác như y tế, điện tử, truyền thông, hàng không vũ trụ..
Có nhiều cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp đúng với chuyên ngành từ năm 3, năm 4 nhưng trong quá trình tiếp xúc, học tập và nghiên cứu, Đạt nhận ra mình phù hợp với môi trường học thuật, bản thân thích tìm kiếm ra cái mới, thích tiếp xúc và chia sẻ kiến thức với người khác.
Chọn ở lại trường, Đạt trải lòng mình sẽ một giảng viên tận tâm, một nhà nghiên cứu giỏi, không ngừng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm thiết thức, giá trị trên nền tảng tri thức, đạo đức của một nhà khoa học trẻ.
Dù rằng, cậu hiểu rõ nghề giáo và con đường nghiên cứu khoa học sẽ rất gian nan, nhiều thách thức nhưng chàng tân kỹ sư luôn tâm niệm "không gì là không thể".