Học kết hợp "off-on": Học sinh lớp 12 "quay cuồng", học tập giảm sút
(Dân trí) - Sắp tới phải đối diện với kỳ thi quan trọng, nhiều học sinh lớp 12 như "ngồi trên đống lửa", lo "sốt vó" vì hiệu quả học tập giảm sút khi phải học song hành hai hình thức "off-on".
Học sinh cuối cấp lo lắng vì học "off-on"
Tại ngôi trường THPT mà Vũ Tuấn Anh (học sinh lớp 12, Hải Phòng) theo học, nhà trường yêu cầu học sinh có mặt tại trường vào lúc 7h sáng để ổn định trật tự, thực hiện 15 phút ôn bài trước khi bắt đầu tiết học đầu tiên vào lúc 7h15.
Giờ ôn bài gần kết thúc, song số lượng học sinh trong lớp của Tuấn Anh chỉ dừng lại ở con số 12/48. Tuy nhiên, Tuấn Anh không cảm thấy ngạc nhiên bởi trước đó, mỗi ngày, lớp của em đều vắng một vài học sinh do các bạn thuộc diện F0, F1. Những học sinh sức khỏe ổn định vẫn đến trường tham gia học trực tiếp, còn đối với trường hợp mắc Covid-19, các em sẽ ở nhà học online.
Tiết học đầu tiên diễn ra như thường lệ theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, sang đến tiết học thứ hai, Tuấn Anh cùng 11 học sinh còn lại trong lớp phải học theo hình thức trực tuyến bởi cách đây 3 ngày, thầy giáo dạy Hóa thông báo đã dương tính với SARS-CoV-2.
"Một ngày có 5 tiết học, chúng em phải "quay cuồng" vì tiết kia thì học trực tiếp, tiết học khác lại phải ngồi tại lớp để theo dõi online.
Đến trường học trực tiếp, nhưng tâm lý của em không còn hào hứng như trước bởi sĩ số lớp cứ ngày một giảm dần. Động lực phấn đấu, ôn thi, rèn bài tập… của mọi người cũng vì thế mà giảm theo.
Tuy nhiên, học trực tiếp bất lợi một thì học online lại bất lợi mười. Với các tiết học online, chúng em sẽ ngồi trực tiếp tại lớp và theo dõi qua màn hình máy chiếu. Do mạng ở lớp không ổn định nên sự tiếp thu bị gián đoạn, tiết học diễn ra bập bõm, chữ được chữ mất. Nhiều bạn ngồi trong lớp do chán quá nên đã mất tập trung, quay ra làm việc riêng hay lấy những môn học khác ra làm bài".
Những ngày gần đây, Hoàng Phương Thảo (học sinh lớp 12 tại Cầu Giấy, Hà Nội) ở nhà học trực tuyến do thuộc diện F1. Lớp của Thảo hiện đang có 23 bạn phải học từ xa.
Khác với hình thức dạy học trực tuyến 100% thời điểm trước, hiện tại, việc học online được phát từ lớp offline khiến Thảo gặp nhiều khó khăn, vất vả.
"Không chỉ gặp trục trặc về đường truyền, việc học từ xa thời điểm này còn nhiều điểm bất lợi đối với em. Do bài học được thu từ camera lớp học nên hình ảnh không được rõ nét, độ phản chiếu từ ánh đèn trên lớp cũng ảnh hưởng tới sự theo dõi của em.
Học online từ lớp học offline, chúng em cũng không thể thoải mái trao đổi kiến thức với bạn bè, thầy cô do tiết học chỉ có 45 phút, thầy cô không thể vừa dạy hết bài học, vừa bao quát cả học sinh trên lớp cũng như học sinh học online".
Thảo cho hay, khi học song hành "offline-online", hiệu quả chỉ đạt 70% so với học trực tiếp. Là học sinh cuối cấp, Thảo khá sốt ruột trước tình trạng này. Để khắc phục, Thảo đã tìm đến sự giúp đỡ của những bạn đang học trực tiếp, nhờ bạn chụp hình bài học để chép lại. Nữ sinh này cho hay, mỗi lần chép bài sẽ là một lần để học thuộc và ghi nhớ. Buổi tối, Thảo cố gắng thức khuya hơn so với thường lệ để xem lại bài vở, hoàn thiện bài tập về nhà và chụp lại gửi cho giáo viên.
Theo học tại trường THPT ở Thị trấn K'Bang, Gia Lai, Đoàn Thành Đạt (học sinh lớp 12) chia sẻ, tình hình học tập của em hiện tại của em cũng không khá hơn là bao. Cả tuần trước, mặc dù đến trường học trực tiếp, song cả lớp gần như vừa học vừa chơi bởi cứ đến giữa buổi học, lớp lại xuất hiện thêm trường hợp học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Một tập thể lớp cũng vì thế mà "nháo nhào", những tiết học cứ thế mà vô nghĩa trôi qua.
Tuần này, lớp học của Đạt kết hợp song hành hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đạt và 8 học sinh khác phải tạm dừng học trực tuyến, ở nhà theo dõi qua màn hình máy tính do tiếp xúc gần với F0.
Việc học cứ bập bõm theo F0, F1 khiến một học sinh lớp 12 như Đạt không khỏi lo lắng. Trước mắt là kỳ thi đại học quan trọng, nhưng cứ với tình trạng này, nam sinh lo bản thân sẽ không thể chạm tay vào ngôi trường đã hằng mong ước.
Điều quan trọng nhất chính là sự cố gắng
Giảng dạy tại trường THPT tại Hà Nội, thầy giáo V.T. cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, số F0 tại trường học liên tục gia tăng, việc kết hợp song hành hai hình thức on-off được cho là phù hợp với tình hình hiện tại, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời vẫn duy trì được nhịp dạy và học cho cả giáo viên, học sinh.
Nhà giáo này chia sẻ, tại cơ sở giáo dục mà thầy đang công tác, hầu hết các lớp đều trong tình trạng dạy song song on-off. Giáo viên nếu sức khỏe ổn định sẽ dạy trực tiếp tại trường. Thầy cô nào thuộc diện F0, F1 sẽ cách ly tại nhà, triển khai dạy trực tuyến qua máy tính. Trên thực tế, nhiều nhà giáo dù là F0, cơ thể mệt mỏi song vẫn cố gắng duy trì nhiệm vụ dạy học để không làm ảnh hưởng tới học sinh, nhất là với học sinh lớp 12 sắp phải đối diện với bước ngoặt đầy quan trọng ở phía trước.
Thầy giáo này cho hay, hình thức học tập nào cũng có mặt tích cực và hạn chế. Việc duy trì song song trực tuyến - trực tiếp cũng không ngoại lệ.
"Hình thức học này, tôi nghĩ những trò học online sẽ chịu thiệt thòi nhất. Không chỉ gặp khó khăn về mặt nghe, nhìn do quay camera lớp học, mọi thứ đều hạn chế; mà các em còn thiệt thòi khi ít có cơ hội tương tác với giáo viên.
Điều này cũng không thể trách vì thầy cô không thể "phân thân" trong lớp học. Do tiết học chỉ kéo dài 45 phút, mà lượng kiến thức lại nhiều, nên giáo viên chủ yếu cố gắng sao cho truyền tải được hết kiến thức đến với học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em ôn lại bài sau khi học. Bởi thế, việc tương tác, nhất là với học sinh đang học online cũng bị hạn chế.
Ngoài ra, không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp "on - off", những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Nhiều khi vì gián đoạn kết nối, các em không nghe rõ lời giáo viên hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại, thầy cô cũng không thể nắm bắt được".
Khó khăn, bất cập là những điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo thầy giáo này, điều quan trọng là cả thầy và trò đều cần học cách thích nghi. Đặc biệt, với những học sinh lớp 12, để không bị rơi rụng kiến thức, các em cần nêu cao tinh thần tự giác.
Khi học trực tuyến, dù không trao đổi trực tiếp với giáo viên, nhưng học sinh hoàn toàn có thể bật loa lên hỏi những điều muốn biết. Có lẽ, sẽ không một giáo viên nào lại "tiếc" một vài phút để chia sẻ kiến thức tới những học trò ham học hỏi. Nếu thời lượng trên lớp không đủ, học sinh có thể gọi điện, nhắn tin với thầy cô sau tiết học để nhận được sự giúp đỡ kịp thời nhất.
Nhà giáo Đinh Thu Huyền (giáo viên Ngữ Văn tại trường THPT ở Hải Phòng) cũng đồng tình với quan điểm này. Cô cho hay, mọi khó khăn sẽ bị đẩy lùi nếu con người luôn cố gắng.
Đối với những học sinh lớp 12, chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tới, do đó, sự nỗ lực càng quan trọng trong giai đoạn "nước rút" này. Cô Huyền chia sẻ, khi học online, học sinh nên bật camera. Không chỉ giúp giáo viên dễ dàng theo dõi, quan sát, điều nhỏ này còn giúp người học ý thức hơn về việc học, theo dõi bài giảng của mình.
"Thực tế, nhiều khi dạy trên lớp, thầy cô gọi một bạn học trực tuyến trả lời thì đầu mic bên kia im lặng, có khi gọi đến lần thứ 3 vẫn không thấy đâu. Nhắc các bạn bật camera thì nhiều bạn nói "Camera của em bị hỏng". Có lẽ chúng ta không nên mất thời gian vào những điều như vậy. Thời gian luôn đáng quý, ta nên để dành cho việc học những điều bổ ích hơn".
Cô Huyền cũng hy vọng những học sinh học trực tiếp sẽ tạo điều kiện giúp đỡ những bạn học trực tuyến, ví dụ như chụp hình bài vở giúp bạn, hay chỉ cho bạn những kiến thức mà bạn chưa hiểu rõ… Còn về phía giáo viên, các thầy cô sẽ luôn sẵn sàng trao đổi, giúp đỡ nếu học sinh có nhu cầu học hỏi. Việc học hỏi, kết hợp giữa thầy và trò sẽ giúp kết quả học tập tốt lên.
"Quan trọng nhất, với những học sinh lớp 12, ngoài những giờ học trên lớp, các em cần trau dồi thêm kiến thức bằng cách tự học trên mạng, hay in những bộ đề từ các trang web về làm thử. Sai hay đúng không quan trọng, mỗi lần sai sẽ là một lần để rút kinh nghiệm và ghi nhớ.
Hiện nay, nhiều trường đại học cũng tổ chức tư vấn tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Tùy vào mong muốn bản thân, các em lớp 12 hãy theo dõi để nắm bắt thông tin, tránh trường hợp "nước đến chân mới nhảy".