Học cao đẳng ngành hàng không có thể làm những công việc gì?
(Dân trí) - Nhiều người nhầm tưởng ngành hàng không chỉ đào tạo phi công và tiếp viên hàng không. Thực tế, trường nghề còn đào tạo nhiều vị trí việc làm khác trong khối ngành hàng không.
Nhiều vị trí việc làm không yêu cầu khắt khe về ngoại hình
Tại chương trình định hướng nghề nghiệp cho hơn 500 học sinh THPT tỉnh Ninh Thuận do đơn vị Kết nối giáo dục Miền Nam tổ chức, nhiều học sinh quan tâm đến các nghề thuộc khối ngành hàng không. Đây là nhóm ngành thu hút nhiều học sinh vì hàng không lâu nay vẫn được xem là những nghề "sang chảnh" và thu nhập cao.
Nhiều học sinh rất muốn làm việc trong ngành hàng không nhưng lo lắng mình không đạt chuẩn về ngoại hình để làm phi công hay tiếp viên hàng không. Các em không biết phải học ngành nào khác để có thể được làm việc trong ngành hàng không.
Giải đáp cho các em, cô Đào Thị Như Mai (trường Cao đẳng Nova) cho biết, ngoài các vị trí phi công và tiếp viên hàng không có các điều kiện khắt khe về ngoại hình thì ngành hàng không còn nhiều vị trí công việc khác được đào tạo ở bậc cao đẳng.
Từ năm 2021, Cao đẳng Nova đã được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho phép đào tạo hai ngành mới thuộc nhóm ngành hàng không là Dịch vụ thương mại hàng không và Quản trị kinh doanh vận tải hàng không. Đây là hai ngành rất quan trọng đào tạo nhân sự phục vụ các dịch vụ mặt đất cũng như thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh hàng không.
Theo tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng thường trực Cao đẳng Nova, với sự phát triển mạnh mẽ của hành khách nội địa cũng như quốc tế thì nhu cầu nhân sự ngành này sẽ rất cao trong tương lai.
Tuy hiện tại ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng dịch không thể kéo dài mãi. Đến khi nền kinh tế phục hồi, việc đi lại trở lại bình thường thì nhu cầu nhân sự ngành này sẽ phục hồi như xưa.
Hiện ở khu vực phía Nam đang xây dựng sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng, sân bay Phan Thiết cũng đã xúc tiến đầu tư… Đây sẽ là thị trường việc làm rất lớn cho nhân lực ngành Dịch vụ thương mại hàng không và Quản trị kinh doanh vận tải hàng không.
Điều đặc biệt là hai ngành trên đều thuộc nhóm ngành cao đẳng nghề, chương trình đào tạo chỉ kéo dài 2,5 năm và có đến 69%-70% thời lượng học tập là thực hành nên sinh viên học qua công việc cụ thể, có thể làm được việc ngay khi ra trường.
Phải giỏi tiếng Anh
Theo tiến sĩ Trần Mạnh Thành, ngành Dịch vụ thương mại hàng không chủ yếu đào tạo nhân lực phục vụ cho các dịch vụ mặt đất ở sân bay. Nghiệp vụ chủ yếu mà sinh viên được đào tạo là quy trình phục vụ hành khách và hàng hóa của các hãng hàng không, công ty phục vụ mặt đất liên quan.
Sinh viên sẽ được học các kiến thức cơ bản về ngành hàng không, an ninh và an toàn hàng không, quy định hàng hóa nguy hiểm; Kiến thức tổng quan về kết cấu máy bay; Kiến thức cơ bản về thiết bị chất xếp hàng hóa, bưu gửi trong vận chuyển hàng không; Quy trình vệ sinh, an toàn nơi làm việc và an toàn khi làm việc trên sân đỗ…
Các kỹ năng chính mà sinh viên ngành này phải nắm vững là sử dụng được phần mềm làm thủ tục hành khách và hàng hóa hàng không; Vận hành được máy tính, máy in, thẻ lên tầu, thẻ hành lý; Gửi và nhận điện văn liên quan đến phục vụ hành khách và hàng hóa hàng không; Sử dụng đúng quy định hệ thống phát thanh, kỹ thuật phát thanh…
Còn ngành Quản trị kinh doanh vận tải hàng không chủ yếu đào tạo nhân viên kinh doanh chuyên biệt trong lĩnh vực này.
Sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội và nhiều lý thuyết kinh tế ngành như kiến thức về vận tải hàng không; ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác hàng không; quy trình cơ bản của hoạt động cảng hàng không, hãng hàng không…
Đặc biệt, sinh viên được học cách vận dụng các kiến thức để phân tích vấn đề, đánh giá nguồn lực và tham gia giải quyết những vấn đề trong ngành hàng không một cách hiệu quả tại đơn vị làm việc.
Ngoài các kỹ năng chuyên môn thì sinh viên hai ngành này đều đòi hỏi phải có kỹ năng làm việc theo nhóm và giao tiếp tốt.
Kỹ năng quan trọng nhất là phải giỏi là giao tiếp tiếng Anh. Nhân lực ngành này đòi hỏi phải thành thạo trong các tình huống giao tiếp xã hội và chuyên môn bằng tiếng Anh nên học sinh chọn học ngành này phải lưu ý.