Sống khỏe với nghề "khó nhất trong các loại nghề"
(Dân trí) - Nghề gốm sứ cần người có lòng đam mê, không kiên trì thì không thể làm được. Vì thế, nghề này được xem là khó nhất trong các loại nghề, theo được thì nghề không phụ người.
Nghề chọn người
Xưa kia, vùng đất Ninh Bình nổi tiếng với làng nghề gốm Bồ Bát. Những ông tổ của làng đã theo chân vua Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long (năm 1010) lập nên làng gốm Bát Tràng ngày nay. Từ đó, làng gốm Bồ Bát nức tiếng dần mai một.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang (SN 1981) là người đã khôi phục lại nghề truyền thống gốm sứ Bồ Bát thất truyền được mười năm nay. Anh không chỉ là người gây dựng lại nghề truyền thống mà còn là người "truyền lửa" để thế hệ trẻ nối tiếp cha ông giữ lửa nghề vang danh một thời ở vùng đất cố đô Hoa Lư.
Chủ xưởng gốm Bồ Bát tâm sự, thời gian đầu khi mới khôi phục lại xưởng, chỉ có hai vợ chồng anh và một vài người thân trong gia đình làm nghề. Lúc đó, ai cũng nghĩ nghề đã thất truyền cả nghìn năm, giờ gây dựng lại khó vô cùng. Sản phẩm làm ra sao có thể cạnh tranh với các dòng gốm nổi tiếng trên thị trường để tiêu thụ được.
Hai vợ chồng anh Vang cứ kiên trì, vừa làm vừa "mời" mọi người cùng tham gia vào các công đoạn sản xuất gốm sứ. Ai biết gì làm nấy, ai chưa biết thì vợ chồng anh "cầm tay chỉ việc".
"Những ngày đầu, để có người làm cùng, theo nghề, tôi mời mọi người đến học nhưng cũng trả lương bằng với mức thu nhập của công việc khác mà họ đang làm. Nhiều người đến làm, nhưng chẳng mấy người trụ được. Nghề này nó chọn người, không phải ai muốn cũng làm được", anh Vang chia sẻ.
Chị Lê Thị Thúy (SN 1989) có thâm niên 7 năm làm việc tại xưởng gốm Bồ Bát chia sẻ: "Những ngày đầu đến xin việc làm, tôi không hề biết đến một công đoạn nào trong sản xuất gốm. Từ sự chỉ bảo tận tình, hướng dẫn bằng cả lòng nhiệt huyết của vợ chồng anh Vang mà tôi "bén duyên" với nghề. Đến nay, đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là niềm đam mê của tôi".
Cả xưởng gốm Bồ Bát có gần 20 người làm nghề gốm nhưng mới chỉ có 3 người được công nhận là nghệ nhân. Nghệ nhân gốm Phạm Văn Thanh chia sẻ: "Nghề gốm sứ cần người có lòng đam mê, không kiên trì thì không thể làm được. Vì thế, nghề gốm được xem là khó nhất trong các loại nghề".
Theo nghề, nghề không phụ người
Anh Vang cho biết, tại hợp tác xã gốm Bồ Bát hiện có 17 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, có thêm khoảng 10 lao động được thuê làm thời vụ tại xưởng sản xuất.
Ông chủ xưởng gốm cho hay, những người đang gắn bó đều là những người có thâm niên học và làm từ những ngày đầu. Năm nào xưởng cũng kiếm thêm nhân lực để mở rộng quy mô sản xuất nhưng không dễ tìm ra người có duyên với nghề.
Chị Thúy cho biết thêm, làm việc ở xưởng gốm với công đoạn vẽ, mỗi tháng, chị có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng. Mỗi ngày chị làm 8 tiếng, các chế độ theo luật lao động đều được công ty đóng đầy đủ, ngày lễ, tết đều được thưởng. Với khoản thu nhập này, so với các công việc khác ở quê, gia đình chị "sống khỏe".
Chồng chị Thúy cũng làm nghề gốm. Mỗi tháng mức thu nhập của anh cũng gần chục triệu đồng. Vì thế, mức lương hai vợ chồng cộng lại giúp gia đình ổn định được cuộc sống lâu dài, nuôi các con ăn học. Cả hai vợ chồng chị Thúy đều phải mất từ 2 - 3 năm học việc, sau đó mới được giao những công đoạn khó của nghề sản xuất gốm sứ. Khi làm được rồi thì mức thu nhập cũng cao hơn nhiều so với các công việc khác.
Chị Vũ Thị Khuyên (47 tuổi) tham gia sản xuất ở khâu tạo hình cho sản phẩm chia sẻ: "Mỗi ngày làm việc đủ 8 tiếng, tôi được trả 300 nghìn đồng. Công việc không mấy nặng nhọc, ít mất sức nhưng tôi có số tiền công cao hơn nhiều so với đi phụ hồ, bốc vác, làm công nhân. Vì thế, đời sống được đảm bảo, có thu nhập nuôi 4 con học hành".
Em Hoàng Văn Dương là thợ gốm trẻ tại xưởng gốm Bồ Bát tâm sự, học xong cấp 3 xin vào xưởng gốm để học nghề luôn. Chỉ sau 2 năm học việc giờ em đã làm thành thạo được công đoạn tạo hình cho sản phẩm. "Hiện mỗi ngày em được trả mức tiền công là 350 nghìn đồng. Ngoài ra, các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp em cũng được công ty đảm bảo" - Dương nói.
Chị Hoàng Thị Huyền Trang - Giám đốc Hợp tác xã gốm Bồ Bát cho hay, tại xưởng gốm có nhiều lao động cùng tham gia sản xuất, mỗi người một công đoạn như: kỹ thuật tạo hình, sửa và làm mịn, làm men, trang trí hoa văn, nung gốm… Công đoạn nào cũng đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ, như vậy sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng.
Cũng theo chị Trang, những lao động làm việc tại xưởng gốm chủ yếu là người địa phương. Trước kia chỉ quen với ruộng đồng nhưng khi chị cùng chồng khôi phục lại nghề truyền thống, mọi người đã đến học nghề, ai có niềm đam mê thì trụ lại, giờ đều đã có thu nhập khá. Nghề không phụ người.
"Làm nghề gốm ngoài có thêm thu nhập thì công việc cũng góp phần bảo tồn truyền thống, văn hóa cha ông xưa. Các sản phẩm do mình làm ra cũng quảng bá vẻ đẹp quê hương cho các vùng khác trong nước và các nước trên thế giới" - chị Trang nói.
Anh Vang chia sẻ, hiện nay, gốm Bồ Bát đã có chỗ đứng trên thị trường, vì thế sản xuất được duy trì thường xuyên, qua đại dịch Covid-19, nghề còn phát triển hơn. "Tôi mong sao vẫn duy trì được những lao động đang gắn bó với nghề và sắp tới sẽ có thêm nhiều người yêu quý đến với nghề, cơ sở có thêm nhân lực, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương" - anh Vang nói.