Học bổng học thuật và hỗ trợ tài chính từ các trường ĐH Mỹ có gì khác nhau?

(Dân trí) - Bản chất của Merit Scholarship (Học bổng học thuật) và học bổng Financial Aid (Hỗ trợ tài chính) tại các trường đại học Mỹ là khác nhau. Do vậy, mức độ chuẩn bị hồ sơ để chinh phục hai học bổng du học Mỹ này cũng khác nhau.

Du học Mỹ là mục tiêu của nhiều bạn học sinh Việt Nam đang hướng tới. Do vậy, để có thể chen chân vào cánh cửa đại học ở nước này là cuộc cạnh tranh mà ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường THPT, các bạn học sinh cần phải xây dựng lộ trình học tập để đạt được mục tiêu đó.

Buổi hội thảo “"Xây dựng hồ sơ du học từ năm lớp 9" diễn ra tại Hà Nội ngày 8/4 vừa qua đã mang đến những thông tin kinh nghiệm hữu ích về tổng quan về kinh nghiệm du học và chuẩn bị hồ sơ từ sớm.

Trong buổi hội thảo, nội dung về các dạng học bổng du học Mỹ được đặc biệt lưu ý. Bởi lẽ hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh ấp ủ ước mơ du học vẫn chưa phân biệt chính xác các loại học bổng chính tại Mỹ cũng như các chính sách học bổng tuyển sinh các đại học Mỹ áp dụng.

Bạn Lê Minh Thủy đạt thành tích SAT 2270/2400 điểm, SAT II với Lịch sử 800/800 điểm, Toán 2: 800/800 điểm, IELTS: 8,5 điểm và vừa xuất sắc nhận học bổng 5,2 tỷ từ trường Đại học Vassar College (Hoa Kỳ) trình bày những điều mà các bạn học sinh cần nắm rõ về học bổng Mỹ như sau:

Các loại học bổng và hồ sơ cho các loại học bổng đó

Lê Minh Thủy cho biết, có hai loại học bổng ở Mỹ, đó là: Merit Scholarship (Học bổng học thuật), học bổng trong 1 năm với số lượng giới hạn và học bổng Financial Aid (Hỗ trợ tài chính), mức hỗ trợ được cấp dựa vào khả năng tài chính của gia đình sinh viên cho 4 năm, số lượng loại học bổng này của mỗi năm cũng nhiều hơn.

Các bạn học sinh và phụ huynh chăm chú lắng nghe thông tin.
Các bạn học sinh và phụ huynh chăm chú lắng nghe thông tin.

Bản chất của hai loại học bổng này khác nhau, do vậy mức độ quan trọng loại hồ sơ chuẩn bị của nó cũng khác nhau.

Với học bổng Merit Scholarship cần yêu cầu chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm các thành phần cơ bản: Điểm số (điểm GPA trên lớp, các chứng chỉ thi chuẩn hóa, điểm năng lực Tiếng Anh Ielts, TOEFL,..); thành phần yếu tố cá nhân (bài luận, thư giới thiệu, thành tích hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn nhà trường) để xem xét, đánh giá năng lực học thuật của bạn có phù hợp với học bổng hay không.

Còn đối với học bổng Financial Aid (Hỗ trợ tài chính), ngoài hai thành phần trên còn đặc biệt lưu ý đến thành phần khả năng tài chính của gia đình bạn, bạn phải có những giấy tờ chứng minh được thu nhập của bố mẹ, chứng minh khoản tiết kiệm trong ngân hàng và điền các mẫu riêng của mỗi nhà trường đưa ra.

Một số trường đại học đưa ra hạn nộp hồ sơ ưu tiên, nghĩa là bạn cần nộp hồ sơ trong khoảng thời gian trước hạn cuối cấp học bổng của nhà trường được thông báo trên web của nhà trường. Để tránh bỏ lỡ cơ hội, các bạn cần thường xuyên cập nhật thông tin trên web nhà trường.

Ngoài hai loại học bổng chính, ở một số trường đại học Mỹ còn có loại học bổng Talent Based Scholarship (Học bổng tài năng). Học bổng này dành cho những ứng viên có khả năng nổi trội vượt bậc được thể hiện trong bộ hồ sơ như khả năng viết lách, hội họa,…

Các chính sách tuyển sinh cấp học bổng ở Mỹ áp dụng

Ở Mỹ có có 3 chính sách tuyển sinh cấp học bổng: Need-blind, Need-awarness và Meet full (demonstrated) need.

Need-blind là tên gọi của chính sách tuyển sinh dựa trên sự cân nhắc hồ sơ mà không xét đến điều kiện tài chính của ứng viên. Đa số các trường hợp sinh viên thuộc diện này vẫn được nhận các gói hỗ trợ tài chính của trường nếu họ chứng minh được tình trạng không đủ điều kiện để chi trả cho việc học.

Một số trường sẽ có thêm chính sách “full need” để trợ cấp các khoản mà sinh viên không thể tự chi trả bằng cách trao học bổng, các khoản trợ cấp, việc làm thêm hoặc làm trợ giảng.

Khác với “Need-blind”, chính sách “Need-awareness” cho phép nhà trường xem xét đồng thời chất lượng hồ sơ và điều kiện tài chính của ứng viên để ra quyết định nhập học. Điều này cũng có nghĩa là ứng viên sẽ có được nhiều ưu thế hơn nếu sở hữu hồ sơ xin nhập học ấn tượng đi kèm với khả năng tài chính ổn định.

Với "Meet Full Need", chính sách này cho phép nhà trường đáp ứng đủ nguyện vọng, hỗ trợ tài chính theo mức bạn nộp hồ sơ.

Trong 3 chính sách này, các trường đại học tại Mỹ áp dụng chính sách “Need-awareness” là phổ biến để xét hồ sơ. Chính sách "Meet full need" thông thường là học bổng của các trường công, trường top đầu ở Mỹ nên số lượng học bổng cho chính sách này là tương đối ít.

Chi phí một năm ở phí được ước lượng trong khoảng 40.000-70.000 USD bao gồm học phí, tiền sách vở,chi phí ăn ở, đi lại, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt cá nhân…

“Để xin thêm hỗ trợ học bổng, các bạn có thể nhờ thầy cô viết thư trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn và nguyện vọng xin thêm học bổng của bạn”, Minh Thủy gợi ý thêm.

Huyền Trang (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm