Học bổng DAAD: Mở ra cánh cửa thành đạt!

(Dân trí) - So với các nước Đông Nam Á thì học bổng nghiên cứu sinh Việt Nam theo chương trình của DAAD (Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức) là nổi bật. Các trường đại học Đức luôn mở rộng cửa đón các bạn, vì Đức công nhận Bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam...

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Christa Klaus - Trưởng đại diện văn phòng DAAD tại Hà Nội đã cho biết như vậy.

 

Thưa bà, quan hệ hợp tác giáo dục, khoa học lâu dài giữa Đức và Việt Nam chính là lý do chính khiến ngày càng có nhiều du học sinh VN lựa chọn Đức?

 

Quan hệ hữu nghị giữa hai nước có truyền thống từ lâu đời, đã có nhiều người Việt Nam sang Đức học từ năm 1955. Riêng ngành khoa học đã có 5.000 người Việt Nam đào tạo ở Đức.

 

Số cán bộ Việt Nam được DAAD tài trợ sang Đức học tập, nghiên cứu ngày càng tăng nhanh (năm 1999 là 175 người so với năm 2003 là 288 người).

 

Ngày 24/9 đến 12/10 tới, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến đi lịch sử của những sinh viên Việt Nam lần đầu tiên sang Đức học tập, một cuộc hành trình tới nước Đức sẽ khởi hành từ Hà Nội đưa các cựu học sinh Moritzburg thăm lại những mái trường xưa.

 

Theo nhìn nhận của DAAD, các cựu học sinh Moritzburg là một thí dụ độc nhất vô nhị trên thế giới về thành công bền vững của một sự đầu tư có chủ đích vào giáo dục của một xã hội đang phát triển. Cho đến nay, các thế hệ kế tiếp kể cả phía Đức lẫn phía Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ những mối quan hệ được hình thành từ thuở ấy.

 

Vể tổ chức DAAD, bà có thể cho biết cụ thể về hoạt động và chương trình học bổng của tổ chức này?

 

Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DAAD là một Cơ quan chung của các trường đại học Đức, hỗ trợ quan hệ hợp tác quốc tế của Đức với các nước thông qua việc trao đổi sinh viên và các khoa học gia.

 

Năm 2003, Văn phòng đại diện thứ 14 của DAAD chính thức được khai trương tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu tư vấn học tập và nghiên cứu tại các trường đại học Đức, để điều hành các Chương trình học bổng khác nhau của DAAD và thúc đẩy mối quan hệ hàn lâm vốn đã rất tốt giữa Việt Nam và Đức.

 

Xin bà cho biết điều kiện để được sang  Đức học tập theo chương trình học bổng toàn phần của DAAD?

 

So với các nước Đông Nam Á thì học bổng nghiên cứu sinh Việt Nam theo chương trình của DAAD là nổi bật. Các trường đại học Đức luôn mở rộng cửa đón các bạn vì Đức công nhận Bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam, nên đây là con đường này là đơn giản và ngắn nhất giúp các bạn tiếp thu được những thành tựu tiên tiến tại một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

 

Chúng tôi có nhiều chương trình học bổng: trong đó có chương trình dành cho nghiên cứu sinh và cán bộ khoa học kế cận. Điều kiện xin học bổng: là những giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu của Nhà nước, đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại xuất sắc, có đề tài nghiên cứu chuyên sâu muốn thực hiện tại một trường đại học hoặc một viện nghiên cứu tại Đức, tiếng Anh đạt yêu cầu...

 

Trong quá trình học tập bên Đức, thường xuyên có người liên lạc trao đổi kết quả học tập nghiên cứu nhằm tạo mọi điều kiện học tập thuận lợi nhất, và kết quả học tập đó được kiểm định thường xuyên 6 tháng/lần. Đặc biệt, những cán bộ này còn được hưởng nhiều quyền lợi nữa, sau khi học xong trở về VN công tác 3 năm, họ có thể nộp đơn cho Chương trình học bổng mời lại để tiến hành nghiên cứu hay làm việc tại một trường đại học, một viện nghiên cứu tại Đức. Họ được hỗ trợ mua tài liệu, trang thiết bị (trị giá 2000 EUR/năm 1 lần). Họ còn được DAAD giúp đỡ tạo điều kiện mở hội thảo, mời giáo sư nước ngoài sang Việt Nam, với toàn bộ chi phí lên tới 5.000 EUR. Các bạn có thể thấy rằng ai đã được nhận học bổng DAAD thì con đường sự nghiệp sẽ rất thuận lợi.

 

Là người công tác tại Việt Nam đã 2 năm, bà có cảm nhận gì về sự đổi mới của Việt Nam?

 

Tôi nhận thấy người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng rất hiếu khách, cởi mở, thân thiện. Đất nước các bạn đang thay đổi từng ngày. Việc trao đổi mua bán rất thuận lợi, dễ dàng, dễ sống. Mức sống của người dân được nâng cao hơn từ khi mở cửa, tiện nghi vật chất đầy đủ, điện nước tốt.

 

Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng có hai mặt, bên cạnh những mặt tích cực cũng có một số mặt chưa tích cực. Điều mà tôi lo lắng nhất là những thành phần trong xã hội không bắt kịp sự thay đổi đến chóng mặt ở Việt Nam, và tôi mong rằng những người đó sẽ không bị bỏ rơi. Việt Nam có truyền thống gắn bó với nhau rất tốt đẹp, một gia đình hai, ba thế hệ sống yên ấm cùng nhà, người Châu Âu chúng tôi coi đó là một ưu điểm hay.

 

Người Đức có câu: "Ai có của cải thì người đó có trách nhiệm với xã hội". Những người giàu ở Đức luôn tích cực tham gia quỹ hỗ trợ người nghèo, quỹ khuyến học, tôn trọng truyền thống giúp đỡ người khác không thuộc gia đình mình. Việt Nam làm từ thiện so với những nước khác còn ở mức khiêm tốn. Các công ty lớn ở Đức bao giờ cũng có quỹ giáo dục cấp học bổng, chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học để giúp ích cho thế hệ mai sau.

 

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 

Mai Minh