Hoạt động KH&CN sinh viên là tiêu chí đánh giá năng lực giảng viên ĐH Lâm nghiệp

(Dân trí) - Trường ĐH Lâm Nghiệp xác định hoạt động Khoa học & Công nghệ (KH&CN)  sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, của giảng viên (đặc biệt với đội ngũ giảng viên trẻ), là chỉ tiêu đánh giá năng lực, đánh giá thi đua đối với từng đơn vị và cá nhân.

Chào mừng ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5, trường ĐH Lâm Nghiệp đã tổ chức tuần lễ KH&CN sinh viên năm học 2018 - 2019 (từ 13/5/2019 đến 19/5/2019) với các chủ đề: Tổ chức tọa đàm tuổi trẻ Đại học Lâm nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Nghiệm thu đề tài NCKH sinh viên; Tổ chức xét chọn đề tài đạt giải cấp Trường và dự thi cấp quốc gia;  Hội nghị KH&CN tuổi trẻ Đại học Lâm nghiệp năm học 2018 - 2019.

Các hoạt động đã diễn ra sôi nổi ở khắp các Khoa/Viện và giảng đường tạo nên không khí hứng khởi, trang trọng và ý nghĩa cho các sinh viên tham gia NCKH.

Hoạt động KHCN sinh viên là tiêu chí đánh giá năng lực giảng viên ĐH Lâm nghiệp - 1

Sinh viên trình bày báo cáo công trình nghiên cứu khoa học

Các hoạt động KH&CN sinh viên được hoàn thành dựa trên kết quả tham gia dự thi các cấp và kết quả nghiệm thu đề tài NCKH từ hội đồng KH&ĐT các Khoa/Viện. Thông qua đó, Hội đồng Khoa học trường tiến hành họp xét lựa chọn ra các công trình đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích cấp Trường cũng như lựa chọn công trình dự thi cấp quốc gia và quốc tế.

GS.TS. Phạm Văn Chương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hoạt động KH&CN sinh viên là một nhiệm vụ được trường Đại học Lâm nghiệp đặc biệt chú trọng.  Đối với sinh viên, nghiên cứu khoa học (NCKH) là quá trình trải nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn, giúp sinh viên bước đầu rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, tự khám phá, tự bồi dưỡng kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hoạt động KHCN sinh viên là tiêu chí đánh giá năng lực giảng viên ĐH Lâm nghiệp - 2

GS.TS. Phạm Văn Chương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Theo GS Chương, học tập là công việc cả đời, NCKH sẽ giúp sinh viên có kiến thức về phương pháp học và tự học, hình thành và hoàn thiện nhân cách, có tư duy tích cực trong nhận thức và hành vi.

Đối với công tác đào tạo, NCKH giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giúp sinh viên từng bước hoàn thiện kiến thức, tiếp cận các vấn đề khoa học một cách thuận lợi hơn.

PGS.TS. Vũ Huy Đại - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm học 2018-2019, tổng số 85/141 đề tài NCKH sinh viên đã được hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu đề tài nhà trường đã đánh giá cao về tính khoa học, thực hiện công phu, nghiêm túc, có tính thực tiễn.

Hoạt động NCKH của sinh viên đã đạt được nhiều thành tích với nhiều giải thưởng các cấp: Olympic cơ học toàn quốc, Vô địch Tin học văn phòng (MOS), cuộc thi Lái xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu honda năm 2018-2019,...

Hoạt động KHCN sinh viên là tiêu chí đánh giá năng lực giảng viên ĐH Lâm nghiệp - 3

Kết quả NCKH của sinh viên nhà trường

Về nội dung, loại hình nghiên cứu rất đa dạng và được triển khai ở tất cả các lĩnh vực đào tạo của nhà trường, nhiều đề tài đã được xét dự thi cấp trường, cấp quốc gia và quốc tế.

Với những kết quả trên, Trường Đại học Lâm nghiệp được Bộ Giáo và Đào tạo đánh giá là 1 trong 20 trường đại học của cả nước có hoạt động khoa học sinh viên tiêu biểu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Vũ Huy Đại, thực tế vẫn còn nhiều công trình khả năng ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế chỉ mang tính định tính, mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu cơ bản.

Hoạt động KHCN sinh viên là tiêu chí đánh giá năng lực giảng viên ĐH Lâm nghiệp - 4

Lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, giảng viên hướng dẫn và các nhóm sinh viên thực hiện đề tài

Để nâng cao chất lượng của hoạt động khoa học – công nghệ trong sinh viên, trường ĐH Lâm nghiệp xác định hoạt động KH&CN sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên (đặc biệt với đội ngũ giảng viên trẻ), là chỉ tiêu đánh giá năng lực, đánh giá thi đua đối với từng đơn vị và cá nhân.

GS.TS. Phạm Văn Chương cho rằng, việc hướng dẫn sinh viên NCKH không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn thông thường mà giảng viên hướng dẫn còn phải thường xuyên quan tâm theo dõi, khích lệ để sinh viên thực hiện đề tài tránh việc bỏ dở.

Tạo cho sinh viên tính chủ động trong NCKH bằng cách tạo nhiều sân chơi cho các hoạt động KH&CN sinh viên trong và ngoài trường.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm