Hoàng Mai, Hà Nội: Trên 80% học sinh đã thụ hưởng thực đơn dinh dưỡng học đường

(Dân trí) - Không chỉ vài ba món ăn đơn giản như thịt băm, đậu phụ, trứng chiên giống trước đây…, khoảng hơn 80% học sinh quận Hoàng Mai, Hà Nội đã được áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ Dự án Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Ajinomoto Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp triển khai, với sự kiết hợp thực phẩm phong phú, giàu dinh dưỡng, giúp học sinh khỏe mạnh hơn.

Nhiều món “cơm trường” ngon hơn “cơm nhà”

Khoảng 11h trưa, từ các lớp ở Trường tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai, Hà Nội, mùi thức ăn thơm tỏa ngào ngạt. Bữa ăn hôm nay gồm cơm trắng; khoai tây, cà rốt xào thịt bò; thịt đậu phụ kho nấm; canh đỗ xanh bí đỏ nấu thịt băm; chuối tráng miệng. Tất cả được để trong những dụng cụ sạch, sáng bóng.

Hoàng Mai, Hà Nội: Trên 80% học sinh đã thụ hưởng thực đơn dinh dưỡng học đường - 1
Thực đơn bữa trưa năm món tại trường được nấu theo phần mềm.

Đây là một trong những thực đơn mà nhà trường áp dụng từ Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, nội dung thứ nhất của Dự án Bữa ăn học đường. Phần mềm với ngân hàng thực đơn sẵn có gồm 120 thực đơn cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, được xây dựng trên cơ sở khoa học đáp ứng cân bằng dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học, đa dạng với hơn 10 loại thực phẩm/thực đơn và phù hợp khẩu vị vùng miền, lứa tuổi.

Trước giờ ăn, các cô giáo dành 3 phút để trao đổi cùng học sinh về công dụng của các loại thực phẩm được chế biến trong bữa ăn hôm đó, nhằm cung cấp thêm kiến thức cho trẻ. Đây là nội dung thứ 2 và rất ý nghĩa của Dự án bữa ăn học đường, mang tên “3 phút thay đổi nhận thức”, giúp giáo dục những kiến thức dinh dưỡng cơ bản cho học sinh tiểu học, thông qua đó học sinh hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Thông qua chương trình giáo dục này, các em học sinh hào hứng và biết ăn các loại thực phẩm mà trước đây các em không thích ăn như rau, cá…

Hoàng Mai, Hà Nội: Trên 80% học sinh đã thụ hưởng thực đơn dinh dưỡng học đường - 2
Các em hăng say nghe cô giáo giới thiệu về các loại thực phẩm có trong bữa trưa.

Em Nguyễn Ngọc Tú Quyên, học sinh lớp 4A5 cho biết, bữa ăn ở trường rất ngon. Thậm chí có nhiều món ngon hơn ở nhà như: Thịt bò kho bắp, trứng rán nấm thịt…

Quyên cho biết, mình học ở đây từ lớp 1 đến lớp 4 nhưng cơm hồi lớp 1 không ngon bằng, các món đơn giản và nhàm chán như thịt băm, trứng, đậu phụ. Bây giờ có nhiều món ngon hơn, phong phú hơn.

“Em và các bạn luôn ăn hết sạch phần của mình. Em cũng bảo mẹ làm theo một số món con ăn ở trường nhưng vẫn không giống”, Quyên chia sẻ.

Hoàng Mai, Hà Nội: Trên 80% học sinh đã thụ hưởng thực đơn dinh dưỡng học đường - 3

Các em học sinh háo hức xếp hàng nhận bữa trưa.

Theo nhà trường giải thích, hồi em Quyên học lớp 1, nhà trường chưa triển khai Dự án Bữa ăn học đường, còn khi Quyên học lớp 4, nhà trường đã triển khai Dự án được hơn 1 năm rồi.

Chị Hoàng Thị Quỳnh Luyến phụ huynh một học sinh lớp 3A8, Trường tiểu học Chu Văn An cho hay, bữa ăn ở trường của các con từ khi chuyển sang thực đơn mới ngon hơn, đảm bảo dinh dưỡng hơn.

“Bé nhà tôi năm lớp 1 mới vào trường cân nặng của cháu không có sự thay đổi nhiều. Nhưng từ năm lớp 2, lớp 3 bé có sự thay đổi rõ rệt về chiều cao và cân nặng”, chị cho hay.

Theo đánh giá của phụ huynh này, bữa ăn trước đây chỉ đơn thuần vài ba món đơn giản thì nay, các thực phẩm phong phú hơn, đa dạng hơn, có cá, có thịt và nhiều loại rau thay đổi.

Bếp trưởng Nguyễn Đăng Quỳnh cho hay, hiện tại đội bếp của trường có 11 người. Các bữa ăn của trường được nhà bếp triển khai theo dây chuyền. Đồ sống sơ chế ở tầng 1, đưa theo thang chuyền lên tầng 4 chỉ việc nấu chín. Điều này giúp vệ sinh an toàn hơn.

“Khi nhà trường bắt đầu triển khai bữa ăn theo thực đơn của dự án bữa ăn học đường, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì phần mềm tính toán đầy đủ khẩu phần ăn, món ăn theo từng ngày vì thế công việc làm bếp trở nên đơn giản hơn.

Tuy nhiên, anh chị em cũng lo vì trước giờ mình quen làm theo kinh nghiệm, bây giờ lại được số hóa, máy móc nên bước đầu tìm hiểu cũng gặp nhiều khó khăn", anh Quỳnh nhớ lại.

Thậm chí ngày đầu tiên triển khai, còn vấn đề chưa hiểu, 6h tối sau khi kết thúc công việc ở trường, anh có mặt tại Công ty Ajinomoto Việt Nam, nhờ chuyên gia chỉ dẫn cách dùng phần mềm, cách làm excel đến tối mịt mới về.

16/18 trường đã áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng

Được biết, năm 2017, Dự án Bữa ăn học đường được triển khai tại Hà Nội, trong đó quận Hoàng Mai được đánh giá là đơn vị đi tiên phong trong triển khai đồng bộ và hiệu quả đến các nhà trường, và một trong những mô hình triển khai tiêu biểu của quận là Trường Tiểu học Chu Văn An.

Bà Lê Thị Thêu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Ban đầu chúng tôi không triển khai ồ ạt tức là tổ chức một lúc 5 bữa ăn trong tuần mà tiến hành theo lộ trình. Đầu tiên chỉ triển khai 1 bữa ăn trong tháng 1 rồi nâng dần lên.

Đến nay trường đã tổ chức 5 bữa ăn trong tuần cho học sinh bán trú với tổng số lượng học sinh lên đến gần 2000 học sinh".

Với những thành công mà dự án "Bữa ăn học đường" mang lại, cô Thêu cũng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều trường trên cả nước học tập và triển khai dự án.

Bà Trương Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục Quận Hoàng Mai cho biết: "Hiện nay tại quận Hoàng Mai, 16/18 trường đã triển khai thành công Dự án Bữa ăn học đường, với trên 80% học sinh được áp dụng thực đơn dinh dưỡng theo quy định.

“Để có sự được sự thành công như ngày hôm nay cần phải có sự chung tay của phụ huynh, học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên trong trường, đội ngũ bếp ăn.

Chúng tôi hướng đến việc học sinh không chỉ ăn ngon miệng, ăn hết suất mà còn phải đảm bảo giá trị dinh dưỡng, giúp các con hiểu được ý nghĩa của bữa ăn dinh dưỡng".

Bà Hà cho hay, dự án được các nhà trường rất ủng hộ và hưởng ứng vì mang lại sự cải thiện rất rõ rệt về tầm vóc và thể chất của các con.

“Chúng tôi đánh giá hiệu quả bởi sau thời gian áp dụng, cân nặng, chiều cao và hoạt động của các con tại nhà trường được đánh giá tốt hơn”.

Cũng theo bà Hà, Dự án Bữa ăn học đường rất nhân văn và hoàn toàn miễn phí. Bà mong muốn có thêm nhiều dự án như vậy đóng góp cho cộng đồng nói chung và học sinh nói riêng.

Lộ trình triển khai thành công Dự án Bữa ăn học đường của trường Tiểu học Chu Văn An

(1) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh học sinh và tổ bếp về Dự án

(2) Lập kế hoạch cụ thể áp dụng thực đơn Dự án từ 1 bữa/tuần đến 5 bữa/tuần

(3) Triển khai đồng bộ nội dung Áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” để giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh

(4) Liên tục lắng nghe và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai

(5) Kiên trì áp dụng.

P.V