Hoa khôi tuổi Dậu làm "thủ lĩnh" tại ĐH Ngoại thương

(Dân trí) - Bằng sự chăm chỉ, ham học hỏi, Miss Ams 2010 Phương Phương Thảo (SN 1993) đã tự tạo ra những cơ hội trải nghiệm quý giá, từ đó tích lũy nhiều vốn sống, vốn kiến thức cho mình.

Thủ lĩnh toàn diện đầy trách nhiệm


Phương Phương Thảo - nữ thủ lĩnh tuổi Dậu năng động và giàu nhiệt huyết.

Phương Phương Thảo - nữ thủ lĩnh tuổi Dậu năng động và giàu nhiệt huyết.

Thời học phổ thông, Phương Thảo đã là gương mặt khá nổi tiếng của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thảo không chỉ có kết quả học tập tốt (điểm tổng kết trung bình các môn học từ 8,7 - 9, đạt học bổng Danh dự dành cho 5 học sinh xuất sắc của lớp), mà còn là Miss Ams (trong cuộc thi Mr&Ms Ams 2010).

Mặc dù có dự định du học sau cấp 3, nhưng qua nhiều lần cân nhắc, cô bạn đã quyết định chọn ĐH Ngoại thương, mong muốn mình trưởng thành hơn trong môi trường ở Việt Nam để khi ra nước ngoài có thể có đủ hiểu biết về đất nước mình và đủ nhận thức để tiếp nhận những điều tốt đẹp, mới lạ.

“Hơn nữa, em thấy sinh viên Ngoại thương có môi trường để phát triển cả về kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế lẫn các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Thế nên em tin rằng nếu biết cố gắng thì dù ở đâu các cơ hội vẫn luôn rộng mở với mình”, Thảo bày tỏ.

Trở thành sinh viên, Thảo đã tham gia CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học (YRC FTU). Theo Thảo, trong trường đại học có một nghịch lý khá phổ biến là sinh viên có nhiệm vụ chính là học nhưng lại rất sợ việc nghiên cứu.

Bản thân Thảo lúc đầu cũng cảm thấy nghiên cứu khoa học là một khái niệm cao siêu, xa lạ, khô khan và kém hấp dẫn nhưng được truyền cảm hứng về những lợi ích thực tiễn của nghiên cứu, như khả năng tìm kiếm thông tin, xử lý dữ liệu, tư duy phản biện, hay những kĩ năng mềm như quản lý thời gian, thuyết trình và làm việc nhóm, Thảo đã tham gia.


Phương Thảo trong vai trò là chủ tịch CLB YRC tại ĐH Ngoại thương Hà Nội

Phương Thảo trong vai trò là chủ tịch CLB YRC tại ĐH Ngoại thương Hà Nội

Với sự cố gắng trong công việc và tinh thần trách nhiệm cao, Thảo được bầu làm chủ tịch CLB. Thảo cho biết, khi tham gia YRC kể cả với tư cách thành viên hay chủ tịch, cô bạn luôn nghĩ rằng mình cần chủ động nhận việc, tận dụng các cơ hội trải nghiệm học hỏi, và cố gắng hết sức trong mọi công việc.

Thảo chia sẻ: “Các hoạt động sinh viên thì không mang lại nhiều lơi ích hữu hình và cũng không có nhiều ràng buộc nên rất khó để đạt được điều gì đó nếu mình không tự dấn thân và ý thức tốt về trách nhiệm của mình. Bản thân em đã nhận được rất nhiều những bài học, cơ hội quý giá nhờ tham gia YRC”.

Ở YRC, Thảo có thể áp dụng và trau dồi những kiến thức, kĩ năng về tổ chức sự kiện, quản lý dự án, hay kĩ năng lãnh đạo, hỗ trợ và điều phối thành viên... Ngoài ra, các thành viên của CLB cũng đến từ nhiều ngành học với các sở trường khác nhau nên Thảo có thể học hỏi rất nhiều, và cũng có thể tự rút ra cho mình các bài học từ những khó khăn, thất bại và thành công.

Bên cạnh đó, hoạt động CLB cũng cho Thảo cơ hội làm việc với các thầy cô nhiều hơn, gặp gỡ doanh nghiệp, tiếp xúc với báo chí và các tổ chức xã hội, đặc biệt là có thể làm quen với nhiều bạn trẻ tài năng. “Nhờ vậy mà em có thể tăng cường hiểu biết, mở rộng mối quan hệ và được chia sẻ nhiều thông tin bổ ích. Đây là cách để mình biết đến các cơ hội và có thể nắm bắt chúng được tốt hơn”, Thảo bộc bạch.

Bên cạnh YRC, Thảo còn làm cộng tác viên của Phòng hợp tác quốc tế (FTU exchange), giúp đỡ sinh viên nước ngoài trong thời gian học tập tại trường và khuyến khích sinh viên Ngoại thương tham gia các chương trình trao đổi.


Cựu nữ sinh trường Ams tại hội thảo Lãnh đạo nữ trẻ ASEAN 2015 (Malaysia)

Cựu nữ sinh trường Ams tại hội thảo Lãnh đạo nữ trẻ ASEAN 2015 (Malaysia)

Khám phá và phát triển bản thân với các chương trình giao lưu quốc tế

Làm việc ở FTU exchange, Thảo tìm thấy niềm đam mê của mình với các chương trình giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế, nên đã chọn tham gia nhiều sự kiện ý nghĩa: Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản – ASEAN Jenesys 2.0 (tại Nhật), Hội thảo Lãnh đạo nữ trẻ ASEAN (tại Malaysia), Học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI, tại Mỹ)…

Thảo nhớ nhất là khoảng thời gian đi học trao đổi tại trường ĐH nữ sinh Sookmyung – Hàn Quốc, đặc biệt là khóa học về Women and Leadership, bao gồm các cuộc thảo luận về bình đẳng giới, các rào cản mà phụ nữ phải đối mặt và cách thức để vượt qua.

Thảo cho biết, vì sinh viên trong lớp đến từ rất nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau trên thế giới nên những ý kiến được đưa ra rất đa dạng và đáng suy ngẫm. Thảo chia sẻ: “Ví dụ trong một cuộc thảo luận về tình thế khó xử của người phụ nữ khi phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, khi cuộc thảo luận đang đi theo hướng phê phán các cơ chế trong xã hội o ép người phụ nữ buộc họ phải gắn chặt với các nghĩa vụ với gia đình, thì trong em có một suy nghĩ rất mạnh là tại sao chỉ nói về các yếu tố bên ngoài trong khi chính bản thân người phụ nữ có mong muốn và cảm thấy tự hào khi được chăm lo và hi sinh cho gia đình mình. Nó giống như bản năng không thể phủ nhận được.

Vậy thay vì trông chờ vào những thay đổi lớn của xã hội, có lẽ điều quan trọng hơn là giúp người phụ nữ phá vỡ được những giới hạn tự đặt ra cho bản thân, nhận thức được giá trị của mình và nỗ lực vươn lên trong công việc, để có thể tìm ra những cách tốt cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp”.

Điều khiến Thảo ngạc nhiên là suy nghĩ có phần rất phổ biến đối với phụ nữ Việt Nam này lại khiến cho giáo sư người Mỹ và các bạn học khác khá bất ngờ và sau đó trở thành một góc nhìn được đề cập đến trong hầu hết các cuộc thảo luận sau.


Phương Thảo (thứ 2 từ phải sang) cùng bạn bè quốc tế tại chương trình Học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI, tại Mỹ)

Phương Thảo (thứ 2 từ phải sang) cùng bạn bè quốc tế tại chương trình Học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI, tại Mỹ)

Qua những trải nghiệm của mình, Thảo rút ra 3 yếu tố quan trọng để mỗi bạn trẻ có thể hội nhập quốc tế: thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, hiểu biết và có cái nhìn khách quan về Việt Nam cũng như về thế giới, và ý thức về vai trò của bản thân.

“Nghĩa là cần có một sự tự tin nhất định về khả năng của mình và có một tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Điều này có lẽ đặc biệt quan trọng với nữ giới bởi dưới sức ép của những định kiến trong xã hội, phụ nữ thường tự bó hẹp bản thân trong các giới hạn và không tận dụng được hết khả năng của mình, Thảo bày tỏ.

Tốt nghiệp đại học, Thảo nhận học bổng Thạc sỹ toàn phần của Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) và học tại Đại học Mannheim, Đức. Đi học với học bổng của viện KAS nên Thảo có thêm các cơ hội tham gia các hội thảo chuyên môn cũng như các hoạt động xã hội. Tất cả những trải nghiệm này đều đã giúp Thảo trưởng thành hơn và có một cái nhìn rộng mở hơn về thế giới.

Trong năm 2017, Thảo sẽ tập trung hoàn thành chương trình học Thạc sỹ và bắt đầu tìm kiếm những cơ hội việc làm, tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội tại Đức.

Nói về “năm tuổi”, Thảo chia sẻ: “Em tin rằng cơ hội đôi khi chỉ đến một lần trong đời, nên phương châm của em là luôn luôn phải cố gắng hết sức và tận dụng mọi cánh cửa.

Em không giải thích được tại sao ông bà ta lại nói nhiều đến những cái hạn trong năm tuổi, em không hoàn toàn tin và cũng không hoàn toàn phủ nhận nó mà coi đây là một lời nhắc nhở bản thân nên cẩn trọng hơn và suy nghĩ kỹ lưỡng về mọi việc. Với một thái độ như vậy, không chừng điều đó sẽ giúp em đạt được nhiều thành công hơn trong năm 2017”.


Cơ hội đôi khi chỉ đến một lần trong đời, nên phương châm của em là luôn luôn phải cố gắng hết sức và tận dụng mọi cánh cửa..., Thảo chia sẻ.

"Cơ hội đôi khi chỉ đến một lần trong đời, nên phương châm của em là luôn luôn phải cố gắng hết sức và tận dụng mọi cánh cửa...", Thảo chia sẻ.

Hoàng Dung

(ảnh NVCC)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm