Hồ sơ thi tốt nghiệp THPT bao gồm những gì?

Chủ tịch Hội đồng thi có quyền xóa tên những thí sinh không đủ điều kiện dự thi trong danh sách thi. Vì thế, việc chuẩn bị hồ sơ liên quan thiết yếu tới quyền lợi của các HS trước khi thi.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm trước tháng 6/2005, việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT ở các cấp (từ địa phương đến Trung ương) về cơ bản phải hoàn thành.

 

Tại Hà Nội, bắt đầu từ ngày 2/6, các đơn vị (trường học) được nhận quyết định điều động về thi. Trước đó, Hiệu trưởng các trường có học sinh (HS) dự thi phải hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, điều kiện dự thi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hồ sơ, điều kiện dự thi của HS đăng ký dự thi tại trường mình. Mọi trường hợp sai sót đều phải thông báo đúng quy định, kịp thời cho HS, cha mẹ HS để cùng nhà trường xử lý.

 

Theo quy định, Hội đồng coi thi có thể xóa tên những HS không đủ điều kiện dự thi, Hiệu trưởng các trường có HS bị xóa tên phải chịu trách nhiệm về việc này. Vì vậy, có thể nói, trong công tác chuẩn bị thi, khâu kiểm tra hồ sơ thi cho HS có vị trí đặc biệt quan trọng và liên quan trực tiếp tới quyền lợi của HS tham dự kỳ thi.

 

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thi cho HS, các trường cần lưu ý các yêu cầu sau:

 

Đối với Sổ gọi tên và ghi điểm: Ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định (được in trong trang bìa 2 của Sổ), hiệu trưởng các trường cần chú ý: Hoàn thành đủ số đầu điểm của từng môn học theo quy định đối với tất cả HS, điểm trung bình kiểm tra, điểm trung bình môn, xếp loại. Kiểm tra tính chính xác của điểm trung bình kiểm tra, điểm trung bình môn, xếp loại của từng HS.

 

Đối với Học bạ của HS: Kiểm tra xem có đủ điểm trung bình môn và xếp loại đúng quy định không. Việc xếp loại Học lực và Hạnh kiểm có đúng không. Ghi đủ kết quả thi lại, rèn luyện trong hè và xét lên lớp (nếu có).

 

Với Sổ gọi tên và ghi điểm cũng như với Học bạ của HS, trường hợp cần sửa chữa phải theo đúng quy định: dùng bút mực khác màu gạch chéo (vẫn còn đọc được) chỗ cần sửa và ghi lại vào bên cạnh. Cuối trang ghi rõ tổng số chỗ chữa của trang, giáo viên chủ nhiệm ghi rõ họ tên và ký, hiệu trưởng ký và đóng dấu xác nhận.

 

Yêu cầu với các loại giấy tờ cá nhân khác của HS như sau: Bản sao Giấy khai sinh không được tẩy xóa, có xác nhận sao hợp lệ (của phòng công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn). Bản chính Bằng tốt nghiệp THCS không được tẩy xóa, có ảnh và dấu giáp lai trên ảnh, nếu sửa chữa phải có xác nhận của Sở GD&ĐT.

 

Thẻ học sinh không được tẩy xóa, có ảnh và giấu giáp lai trên ảnh. Các loại chứng nhận ưu tiên khuyến khích: Giấy chứng nhận con liệt sỹ, thương binh do Phòng Thương binh và xã hội quận/ huyện cấp (nếu là thương binh phải có ghi tỉ lệ % thương tật). HS là người dân tộc thiểu số thì trong giấy khai sinh phải ghi rõ dân tộc của bố, mẹ.

 

Nếu không ghi trong giấy khai sinh phải có chứng nhận của UB dân tộc hoặc Sở Tư pháp. Giấy chứng nhận đạt giải văn hoá, thể thao, văn nghệ, thi nghề... phải là bản chính do Sở GD&ĐT cấp. Tất cả giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên, khuyến khích đều phải nộp trước ngày thi mới có giá trị.

 

Đối với thí sinh tự do, ngoài các loại giấy tờ trên cần phải có: Đơn xin dự thi (HS tự viết); Xác nhận của UBND phường/ xã về việc chấp hành luật pháp tại địa phương và không trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc mất quyền công dân; Xác nhận của nhà trường là không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi và xác nhận vào Học bạ chính về học lực sau khi kiểm tra lại đủ điều kiện dự thi (nếu là HS có học lực năm lớp 12 xếp loại kém). Chú ý: HS học lại lớp 12, sử dụng kết quả học tập của năm học 2003 –2004 tham gia dự thi không coi là diện thí sinh tự do.

 

Một số vấn đề khác mà các Hiệu trưởng có trách nhiệm phải rà soát khi chuẩn bị hồ sơ thi cho HS: Kiểm tra trúng tuyển vào lớp 10 THPT (nếu HS trúng tuyển ở địa phương mình thì phải có tên trong Danh sách trúng tuyển vào lớp 10 THPT, nếu HS đó trúng tuyển ở địa phương khác thì phải có Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 THPT); HS chuyển trường phải có đủ thủ tục hợp lệ; HS thiếu tuổi phải được Sở GD&ĐT duyệt cho phép học sớm trước tuổi.

 

Ngoài ra, tất cả các loại Sổ gọi tên và ghi điểm, Học bạ, các giấy tờ khác đều phải trùng khớp nhau về họ tên, ngày sinh, nơi sinh, điểm số... Nếu có sự không khớp giữa các loại giấy tờ thì hồ sơ không hợp lệ.

 

Theo Quý Hiên

Tiền Phong

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT