Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ giảm mạnh
(Dân trí) - Theo thống kê sơ bộ của cán bộ nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ 2012 trên địa bàn Hà Nội, lượng hồ sơ năm nay giảm nhiều so với năm trước. Trung bình mỗi thí sinh chỉ nộp từ 1 - 2 bộ hồ sơ.
Hiện nay, các trường THPT Hà Nội đang thống kê và chuyển hồ sơ ĐKDT của học sinh về Sở GD-ĐT nên chưa có số liệu thống kê cụ thể. Tuy nhiên, tại các điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT của các Phòng GD-ĐT chiều ngày 16/4, trong ngày cuối nhận hồ sơ có khá đông thí sinh đến nộp. Tuy nhiên, nhiều cán bộ thu nhận hồ sơ cho biết, số lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do năm nay giảm mạnh.
Cụ thể, tính đến gần 17h ngày 16/4, phòng GD-ĐT huyện Đông Anh nhận được hơn 600 bộ hồ sơ, bằng 1/2 số lượng hồ sơ đã nhận năm 2011. Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất nhận được khoảng 500 bộ, nhưng cũng chỉ bằng 1/3 số lượng hồ sơ của năm trước. Phòng GD-ĐT quận Long Biên nhận khoảng 500 bộ, giảm 30% so với số hồ sơ năm trước; phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm nhận 300 bộ; phòng GD-ĐT quận Đống Đa nhận được hơn 600 bộ, trong khi số lượng hồ sơ năm trước là hơn 1.000 bộ; phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì nhận 400 bộ. Còn tại Phòng GD-ĐT TP Hà Đông, số lượng hồ sơ nhận được tới chiều ngày 16/4 vẻn vẹn hơn 100 bộ, ít hơn nhiều so với năm trước...
Bà Phạm Thị Hạnh, cán bộ nhận hồ sơ Phòng GD-ĐT Đống Đa cho biết: “Đa số thí sinh chỉ nộp từ 1 đến 2 hồ sơ, tuy nhiên vẫn có thí sinh nộp nhiều nhất với 4 hồ sơ cùng dự thi vào một đợt. Đến 16h30 ngày 16/4, đơn vị này nhận được hơn 100 hồ sơ trên tổng số hơn 600 bộ kể từ đầu đến nay”.
Số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm có thể do những quy định mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều trường và không bị hạn chế đợt xét tuyển như mọi năm. Điều này đã khiến cho các thí sinh khá an tâm và chỉ tập trung ĐKDT vào một trường theo đúng khả năng và sở thích thay vì đăng ký vài ba trường đề phòng như các năm trước.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GD-ĐT Hà Nội phải kiểm duyệt từng bộ hồ sơ, so với danh sách những trường không tổ chức thi. “Với những trường hợp phát hiện ra nhầm lẫn, chúng tôi đề nghị nhà trường liên lạc ngay với thí sinh để sửa lại hồ sơ đăng ký thi nhờ và trường khác. Chúng tôi tạo điều kiện tối đa để thí sinh vẫn được đăng ký theo đúng nguyện vọng của các em” - bà Hà khẳng định.
Theo thống kê sơ bộ tại các trường THPT, lượng hồ sơ tập trung vào nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế. Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) thu nhận hơn 1.000 hồ sơ dự thi, có đến 45% dự thi vào các ngành kinh tế ở các trường như: ĐH Sài Gòn, ĐH Ngân hàng, ĐH Tài chính - Martketing. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) cũng có tỷ lệ dự thi vào khối ngành Kinh tế chiếm 40%.
Tương tự, ở trường Marie Curie (Q.3) học sinh vẫn chuộng khối A với nhóm ngành Kinh tế. Trong số hơn 2.000 hồ sơ ĐKDT thì nhiều nhất là ngành Quản trị kinh doanh, kế đến là Tài chính ngân hàng, Kế toán.
Còn tại điểm thu nhận hồ sơ của cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh cho hay đã nhận được hơn 14.000 hồ sơ. Thống kê ban đầu cho thấy đông nhất là khối A, kế đến là khối D, trong đó các nhóm ngành Kinh tế vẫn chiếm ưu thế.
Trái ngược, các ngành khối C lại trong tình cảnh “thất thu”. Điển hình như THPT Marie Curie có đến 2.427 hồ sơ ĐKDT thi ĐH, CĐ. Nếu như khối D chiếm ưu thế với gần 600 hồ sơ, khối A 337 hồ sơ, thậm chí khối thi mới A1 cũng có đến 265 hồ sơ thì khối C chịu lép khi chỉ có 23 hồ sơ đăng ký.
Còn ở trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) với gần 1.000 học sinh lớp 12 ĐKDT thì chỉ có 5 hồ sơ thi vào khối C. Một giáo viên phụ trách tuyển sinh của trường này cũng chia sẻ thêm rằng có học sinh đạt giải quốc gia môn Sử hẳn hoi cũng từ chối dự thi khối C mà chọn dự thi bằng khối D để có nhiều cơ hội chọn lựa hơn.
Tương tự, các trường như THPT Quang Trung (Củ Chi), có 304 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 21 em ĐKDT khối C; trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) chưa được 20 hồ sơ thi khối C trong tổng số gần 2000 hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ. Thống kê tại trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) cho thấy khối A dẫn đầu với khoảng 45% trong tổng số hồ sơ, khối D khoảng 33% trong khi khối C chỉ có khoảng 10 hồ sơ. Toàn trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng chỉ có 10 hồ sơ đăng ký thi khối C.
Lý giải vì sao học sinh không đăng ký vào khối C, thầy Trần Hữu Hòa, phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho rằng tình hình khối C ngày càng “thất thế” gắn liền với số lượng trường đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Thực tế là số trường ĐH, CĐ tuyển khối C lại không nhiều. Mặc dù nếu giỏi thì học khối C vẫn có việc làm lương rất cao, ví dụ các ngành như Luật, Báo chí... nhưng đầu vào các ngành này lại khá cao.
Hồng Hạnh - Thụy An