Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011:
Hồ sơ “ảo” giảm, tính cạnh tranh không giảm
(Dân trí) - Thống kê ban đầu về thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011 giảm nhưng việc giảm hồ sơ này không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, điểm chuẩn vào các trường đại học, đặc biệt là các trường “tốp đầu”.
Hồ sơ “ảo” giảm
Nhiều địa phương khu vực phía Bắc như Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương hàng năm có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ nhiều nhất nước, năm nay đã giảm mạnh.
Cụ thể, tại Hà Nội, phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai năm nay nhận hồ sơ của thí sinh tự do khoảng 500 bộ hồ sơ, giảm 300 bộ so với năm 2010; Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm nhận được khoảng 300 bộ, giảm 100 bộ; Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức nhận được 700 bộ, giảm 200 bộ; Phòng GD-ĐT quận Ba Đình nhận 500 bộ, giảm 100 bộ; Phòng GD-ĐT quận Đống Đa nhận được khoảng 700 bộ, giảm 1 nửa so với năm 2010…
Tại nhiều địa điểm thu hồ sơ của trường THPT như THPT Việt Đức, Trần Phú, Yên Hòa, Nguyễn Gia Thiều, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Quang Trung..., số lượng hồ sơ năm nay đều giảm đáng kể so với năm trước.
Theo cán bộ nhận hồ sơ phòng giáo dục quận Đống Đa cho biết: “Trung bình mỗi thí sinh nộp từ 1-2 bộ/người, rất ít trường hợp nộp 3 - 4 bộ hồ sơ ĐKDT. Đặc biệt, chưa có thí sinh nào đến 5 bộ hồ sơ”.
Tại Thanh Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa thống kê thu được khoảng 90.000 hồ sơ ĐKDT, giảm khoảng 2.000 hồ sơ so với năm 2010.
Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết số lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh giảm rất nhiều so với năm trước. Các điểm nhận được lượng hồ sơ của thí sinh tự do chỉ bằng 30-50% so với năm trước.
Theo PGS.TS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội, số lượng hồ sơ ĐKDT hàng năm đều giảm cũng hợp lý vì một phần do từ trước khi nộp hồ sơ, các trường THPT đã tư vấn kỹ cho các em việc chọn trường, lưu ý các em không nên nộp quá nhiều hồ sơ tốn tiền, mất công. Do vây, các em đã ý thức được chọn phương án nào là tối ưu nhất cho bản thân trong việc chọn trường, chọn ngành trong tương lai.
Theo số liệu từ nhiều điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT trong cả nước năm nay thống kê giảm hơn nhiều so với năm trước. Nhưng đó chỉ là giảm “ảo”, chưa thể hiện sự biến động về số lượng thí sinh dự thi thực tế. Việc giảm hồ sơ này không ảnh hưởng nhiều đến tính cạnh tranh vào từng trường.
Tuyển sinh năm 2010, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường “tốp đầu” có giảm hơn so với năm 2009, kéo theo tỷ lệ “chọi” cũng giảm nhưng điểm chuẩn lại không giảm chút nào. Cụ thể, ĐH Ngoại thương, tỷ lệ “chọi” năm 2010 là 1/2,8 nhưng điểm chuẩn vào trường vẫn không giảm, điểm sàn trúng tuyển chung vào trường, áp dụng cho cả hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TPHCM: khối A: 24, khối D: 22. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ “chọi” năm 2010, vào trường 1/4, điểm sàn chung trúng tuyển vào trường đối với khối A là 21, khối D1 là 20. ĐH Bách khoa, năm 2010, tỷ lệ “chọi” 1/2 điểm chuẩn từ 16 - 21, Học viện Bưu chính viễn thông tỷ lệ “chọi” khu vực phía Bắc 1/2 nhưng điểm chuẩn cũng từ 20 - 23.
Thí sinh lưu ý, tỉ lệ “chọi” hàng năm vào các trường chỉ là một yếu tố mang tính tham khảo thêm. Cơ hội trúng tuyển của thí sinh phụ thuộc nhiều vào số lượng chỉ tiêu cần tuyển, chất lượng thí sinh dự thi đầu vào của từng trường, ngành và năng lực của bản thân thí sinh. Đặc biệt, thí sinh cần căn cứ vào mức điểm trúng tuyển của trường, ngành đó trong ba năm gần đây và đánh giá năng lực của bản thân có đạt đến mức đó hay không.
Thí sinh tiếp tục chọn trường nhà Tuyển sinh 2011, nhiều thí sinh cũng đã biết lượng sức mình chọn trường gần nhà như tại Hải phòng, trong số 900 hồ sơ ĐKDT của Trường THPT An Dương (Hà Nội), chỉ có trên 50 hồ sơ học sinh ĐKDT vào các trường ở Hà Nội, còn lại hầu hết là trường đóng trên địa bàn như ĐH Hải Phòng, ĐH Hàng hải, ĐH Y Hải Phòng và ĐH Dân lập Hải Phòng. Tại Thái Nguyên, theo Sở GD-ĐT Thái Nguyên, tuy chưa thống kê số lượng hồ sơ nhưng so với năm trước số lượng học sinh ĐKDT năm nay giảm hơn nhiều. Hồ sơ ĐKDT của thí sinh tập trung vào ĐH Thái Nguyên, số lượng ĐKDT vào các trường ĐH tại Hà Nội năm nay không nhiều. |