Thanh Hóa:
Hiệu trưởng bị “tố” cắt xén tiền thưởng HS, hưởng phụ cấp sai quy định
(Dân trí) - Bức xúc trước việc Hiệu trưởng “cắt xén” tiền thưởng của học sinh và hưởng phụ cấp sai quy đinh, một số giáo viên ở trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đã làm đơn tố cáo đến báo điện tử Dân trí.
“Cắt xén” tiền thưởng HS, hưởng phụ cấp sai quy định
Theo đơn phản ánh của giáo viên này, mặc dù Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính “Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) và các trường dự bị Đại học dân tộc”, quy định mức khen thưởng cho HS đạt các danh hiệu cuối năm học, HS giỏi được thưởng 600.000 đồng/HS, HS tiên tiến được thưởng 400.000 đồng/HS. Tuy nhiên từ năm học 2009 đến nay, hiệu trưởng trường phổ thông DTNT tỉnh Thanh Hóa đã không thực hiện theo đúng tinh thần của thông tư này.
Cụ thể, năm học 2009-2010, nhà trường chỉ thưởng cho HS giỏi là 100.000 đồng/HS, không thưởng cho HS tiên tiến. Năm học 2010-2011 và năm học 2011-2012, thưởng HS giỏi 150.000 đồng/HS, HS tiên tiến là 50.000 đồng/HS. Năm học 2012-2013, thưởng HS giỏi 200.000 đồng/HS; HS tiên tiến thưởng 100.000 đồng/HS. Năm học 2013-2014, thưởng HS giỏi 250.000 đồng/HS; HS tiên tiến thưởng 150.000 đồng/HS.
Cũng theo phản ánh của các giáo viên, thông tư liên tịch 109 cũng quy định: Mỗi HS tại trường THPT dân tộc nội trú sẽ được hưởng mỗi năm 40 quyển vở, 1 chiếc cặp, 24 chiếc bút bi, 3 bút chì, 1 bút tẩy, 1 compa, 1 thước kẻ, 1 kéo, 2 hồ dán, 15 bìa bọc vở học sinh, 1 áo đi mưa. Tổng số học phẩm quy ra tiền có giá trị khoảng trên 200.000đ. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay HS trường phổ thông DTNT tỉnh Thanh Hóa không được nhận hiện vật hay số tiền được quy đổi ra.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định hiệu trưởng trường THPT phải giảng dạy 2 tiết/tuần nhưng hiệu trưởng đã không đứng lớp dạy một tiết học nào nhưng vẫn hưởng 70% tiền đứng lớp.
Hiệu trưởng nhà trường nói gì?
Để làm rõ vấn đề giáo viên tố cáo, phóng viên Dân trí đã trao đổi trực tiếp với bà Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.
Thẳng thắn trao đổi, bà Hà thừa nhận đúng là có tình trạng “cắt xét” tiền thưởng của HS như giáo viên phản ánh.
“Không phải cắt bớt tiền khen thưởng của HS dùng vào mục đích khác mà là nhà trường dùng số tiền đó khen thưởng cho các tập thể xuất sắc, tập thể lớp tiên tiến, cho học sinh đi tham quan, du lịch, thưởng cho học sinh tiêu biểu, phòng ở kiểu mẫu tại ký túc xá, các tập thể văn nghệ văn hóa đạt giải. Mỗi năm trường dùng số tiền khen thưởng tổ chức trên chục chuyến du lịch. Có năm tổ chức đến 15-20 chuyến” – Hiệu trưởng Phạm Thị Hà phân trần
Khi được hỏi việc cắt xén tiền thưởng của HS để chuyển đổi sang mục đích khác liệu có đúng với tinh thần của Thông tư 109 hay không? Trả lời câu hỏi này bà Hà nhấn mạnh: Việc “Cắt xén” từ số tiền khen thưởng của HS giỏi và HS tiên tiến theo thông tư là chưa đúng nguyên tắc, chưa phù hợp với quy định nhưng nhà trường vận dụng để tất cả các học sinh đều được tham gia.
Liên quan đến việc HS không được nhận học phẩm theo quy định, bà Hà cho hay, số học phẩm HS được nhận bà đã quy đổi ra tiền và tùy theo mức giá mỗi năm mà mỗi HS có thể được nhận khoản tiền khoảng gần 150-170.000đ.
Trước vấn đề đặt ra: Mặc dù đã chuẩn bị hết học kỳ I nhưng HS trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa nhận được học phẩm? “Theo nguyên tắc phải phân bổ đầu năm học thế nhưng năm nay do anh em trong trường chưa báo cáo” – Hiệu trưởng trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa thanh minh.
Tuy nhiên khi phóng viên bày tỏ mong muốn được nhìn thấy văn bản, sổ sách minh chứng cho việc dùng số tiền khen thưởng “cắt xén” từ HS giỏi, HS tiên tiến để thưởng cho các tập thể, cá nhân… hay danh sách ký nhận của học sinh tiền quy ra từ học phẩm thì Hiệu trưởng Phạm Thị Hà từ chối với lý do lý do kế toán không có mặt ở trường vì đã hết giờ làm việc?!
Một cựu học sinh của trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong 3 năm em học tại trường chỉ duy nhất năm lớp 10 lớp em được đi tham quan 2 lần. Những năm sau thì lớp đạt tập thể xuất sắc hay tiên tiến nhưng cũng không được phần thưởng gì cả. Những lần đi tham quan, ngoài số tiền nhà trường hỗ trợ, chúng em vẫn phải đóng thêm tiền chứ không được hưởng 100%”
Cựu học sinh này cũng khẳng định chưa từng nhận bất kỳ một học phẩm hoặc số tiền mặt nào được quy đổi từ học phẩm trong suốt thời gian học ở đây.
Liên quan đến việc không đứng lớp dạy tiết học nào nhưng vẫn hưởng 70% tiền đứng lớp, Hiệu trưởng trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa phân trần :“Tôi được Ban giám hiệu phân công chủ trì tiết chào cờ, giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì thế mà các tiết chào cờ đầu tuần cũng tính vào giờ dạỵ”
Song khi đối chiếu với chương III của Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy thì không có một điểm nào đề cập đến vấn đề chuyển đổi “lạ đời” mà Hiệu trưởng Phạm Thị Hà đề cập ở trên.
Trao đổi vơi PV Dân trí về vấn đề trên, ông Lê Văn Nguồn, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi cũng mới nhận được đơn tố cáo bà Hà, chúng tôi đang cho thành lập đoàn thanh tra và sẽ cho thanh tra ngay những vấn đề mà trong đơn nêu. Việc bà Hà giải thích “cắt xén” tiền thưởng của học sinh để dùng vào việc cho học sinh đi du lịch hay thưởng các tập thể tiên tiến, xuất sắc, tập thể đạt giải văn nghệ… là sai quy định, quy định một đường lại làm một nẻo là không đúng”
“Việc đơn tố cáo bà Hà “ỉm” tiền học phẩm của học sinh, việc này chúng tôi thanh tra thì mới có kết luận được. Tuy nhiên, năm học 2014-2015 mà học sinh trường THPT Dân tộc nội trú chưa được nhận học phẩm hoặc tiền quy ra từ học phẩm thì cũng chưa đúng, nguyên tắc là phải phát từ đầu năm cho học sinh. Nếu nguyên nhân do Sở tài chính thì không nói làm gì nhưng nếu do trường thì bà Hà phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai được” – ông Nguồn khẳng định.
Chánh thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng cho hay, việc bà Hà không dạy tiết nào vẫn được nhận 70% tiền đứng lớp là sai nguyên tắc, cách bà Hà giải trình với PV là đứng tiết chào cờ cũng được tính vào việc đứng lớp là không đúng. Bà Hà làm lãnh đạo,việc có mặt trong buổi chào cờ với tư cách giáo dục đạo đức cho học sinh trách nhiệm của bà phải làm.
“Nếu trường THPT Dân tộc nội trú thừa giáo viên, bà Hà không phải đứng lớp nhưng trong trường hợp có thể dạy thay cho những giáo viên trong trường nghỉ ốm đau, công việc và vẫn được nhận tiền đứng lớp thì phải được sự đồng ý của tập thể nhà trường thể hiện bằng văn bản. Nếu không có văn bản đồng ý của giáo viên trong trường thì bà Hà làm sai rồi” – ông Nguồn cho biết thêm.