Tổng kết năm học giáo dục đại học:
Hiện tượng "lọt lưới" luận án tiến sĩ , đại học chưa nâng cao chất lượng
(Dân trí) - Năm học vừa qua, trong đào tạo tiến sĩ đã để xảy ra hiện tượng “lọt lưới” những luận án chưa đảm bảo chất lượng làm giảm độ tin cậy của xã hội và người sử dụng lao động đối với trình độ đào tạo này. Bên cạnh đó, một số trường đại học chưa tập trung nâng cao chất lượng, dựa vào lợi thế ngành, nghề để tăng học phí.
Dựa vào lợi thế ngành, nghề để tăng học phí
Đánh giá chung về năm học 2016-2017 của giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, toàn hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) đã có nhiều nỗ lực và cố gắng cơ bản hoàn thành việc thực hiện 9 nhiệm vụ và triển khai 5 giải pháp trọng tâm. Trong đó nổi bật lên những kết quả như quản lý nhà nước trong việc rà soát, xây dựng, ban hành loạt các chính sách mới; hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2017 đã được Chính phủ, xã hội, thí sinh và các trường đánh giá tốt.
Tuy nhiên, trong tổng kết năm học vừa qua của giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế do tự chủ đại học mới được thực hiện thí điểm trên cơ sở hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất.
Việc triển khai ngay trong những trường được giao thí điểm vẫn hạn chế do cơ chế quản trị chưa hoàn thiện (nhiều trường chưa thành lập Hội đồng trường) và cách hiểu về tự chủ còn nhiều quan điểm khác nhau (chủ yếu thiên về về tài chính).
Thậm chí, nhiều trường còn dựa vào lợi thế ngành, nghề để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo - mục đích chính của tự chủ đại học.
"Có thể nói đây là bất cập lớn nhất ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học, làm cho việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và chất lượng GDĐH chưa được nâng cao" - lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận định.
Bên cạnh đó, việc chuyển biến về chất trong GDĐH còn cục bộ, chưa mang tính hệ thống, ở một số cơ sở đào tạo, đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng không tương xứng với quy mô đào tạo.
Bộ GD&ĐT cho hay, nhiều cơ sở chưa nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành mà xã hội cần, chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của cơ sở đào tạo dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu.
Việc minh bạch các thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức, chưa được xem là cam kết của trường đối với người học.
Đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ đã để xảy ra hiện tượng “lọt lưới” những luận án chưa đảm bảo chất lượng làm giảm độ tin cậy của xã hội và người sử dụng lao động đối với trình độ đào tạo này.
Thói quen bao cấp vẫn còn nặng nề
Phân tích nguyên nhân của những hạn chế trên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp và không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển GDĐH trong nước và hội nhập quốc tế làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực hoạt động của GDĐH như về quy hoạch mạng lưới, về tự chủ đại học, về chính sách chế độ đãi ngộ giảng viên...
Tự chủ đại học mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính trong khi các khía cạnh khác như năng lực tự chủ về học thuật, tổ chức và nhân sự chưa được chú trọng đầy đủ. Tư duy quản lý chưa theo kịp thực tiễn đổi mới; thiếu sự phối hợp đồng bộ trong công tác chỉ đạo điều hành; quản lý nhà nước còn chưa rành mạch về chức năng, nhiệm vụ.
Bộ GD&ĐT cho rằng, trong điều kiện ngân sách công giảm nhưng đầu tư vẫn còn dàn trải. Nhiều trường đại học nhận thức việc huy động nguồn lực còn chưa đầy đủ, xem huy động sự đóng góp của xã hội chỉ là biện pháp trong điều kiện NSNN hạn hẹp; công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục chưa được chú trọng. Đặc biệt, tư tưởng và thói quen bao cấp vẫn còn khá nặng nề.
Năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý còn hạn chế, một số thiếu kỹ năng thực tế, chưa đủ trình độ ngoại ngữ và CNTT để đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy, trao đổi chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cán bộ quản lý chưa được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, quản trị đại học nên chưa đủ sáng tạo để đổi mới.
Đối với công tác truyền thông, Bộ GD&ĐT cho hay, một số trường trong quá trình triển khai các chủ trương, nhiệm vụ của ngành chưa được nhận thức đầy đủ; còn tâm lý né tránh trả lời các vấn đề về giáo dục mà xã hội đang quan tâm. Thiếu sự chủ động, phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc định hướng dư luận và cung cấp thông tin cho xã hội.
Công khai những trường đại học kém chất lượng
Trong năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đối với GDĐH là rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như: chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở GDĐH; công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục và quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Tổ chức quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên.
Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành việc xây dựng chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý; Tăng cường công tác dự báo làm căn cứ cảnh báo xã hội về nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, rà soát sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tiến hành sáp nhập giải thể theo nhu cầu của thị trường và năng lực của cơ sở.
Đặc biệt, Bộ đã chấn chỉnh công tác đào tạo tiến sĩ và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong hệ thống.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, những hạn chế của giáo dục đại học được nêu ra đều là những vấn đề có thật, đó không phải là những hạn chế hiện giờ mới có mà đã có từ rất lâu nhưng chính sự minh bạch thông tin thời gian qua đã làm cho những hạn chế này trở nên rõ ràng hơn và trách nhiệm của chúng ta là phải nỗ lực để khắc phục những hạn chế này.
Theo Bộ trưởng Nhạ, tới đây sẽ quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm một cách căn cơ có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển đại học trên thế giới, tránh cứng nhắc và tùy tiện.
Về tự chủ đại học, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.
“Tới đây chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ quản trị đại học, các trường muốn phát triển thì phải đổi mới tư duy quản trị chứ không thể quản lý như thông thường. Bộ đang tiến hành xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn chủ tịch hội đồng trường, từ đó sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn gọn để hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường có thể tự học đáp ứng yêu cầu quản trị”.
Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm.
Hồng Hạnh