“Hiến kế” biện pháp hạn chế bạo lực học đường

(Dân trí) - Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần có sự chung tay trách nhiệm của nhà trường, của gia đình và xã hội. Song song với trách nhiệm lớn từ phía gia đình của các em, thì vai trò của người thầy là rất quan trọng trong việc giáo dục và ngăn chặn hành vi bạo lực của học sinh.

Bác Hồ đã chỉ dạy cho chúng ta “Học trò tốt, hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu” và Người còn căn dặn: “Các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo”.

Bộ GD&ĐT đã ban hành chỉ thị số 2516/CT-BGDĐT ngày 18/5/2007 về việc thực hiện cuộc vận động” Học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành giáo dục. Ngày 20/11/2007 Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Có thể thấy rằng, phẩm chất đạo đức trong sáng của người thầy khi còn học ở trường phổ thông và ở trường sư phạm sẽ là tấm gương để thuyết phục và giáo dục đạo đức cho học sinh. Thế nên để bạo lực học đường không còn là nỗi lo của xã hội, tôi cho rằng:

- Các trường Sư phạm nên tuyển đầu vào là những học sinh có xếp loại hạnh kiểm 3 năm học ở cấp THPT đạt loại Tốt (hiện nay từ loại Khá trở lên).

- Ngành GD&ĐT tổ chức thi tuyển công chức cần xem xét thêm quá trình rèn luyện của sinh viên ở trường Sư phạm.

Nếu thầy cô giáo có hành vi ứng xử không tốt đẹp hoặc có hành vi bạo lực trong mối quan hệ với láng giềng hoặc với thành viên trong gia đình hay có con hư hỏng, thì sẽ để lại “tai tiếng” cho người thầy. Hình ảnh người thầy đâu còn được cao quý trong suy nghĩ của học trò.

Phẩm chất đạo đức trong sáng của người giáo viên, có lối sống mẫu mực ở gia đình sẽ là tấm gương để thuyết phục và giáo dục đạo đức cho học sinh.

Hiện nay một bộ phận giáo viên ngoài chuyên môn giảng dạy hết giờ, hết việc thì ra về, họ không quan tâm để mắt đến những xích mích của học sinh trong lớp dù nhỏ nhặt nhưng có thể dẫn đến gây gổ, đánh nhau. Những giáo viên này cho rằng việc phát hiện, giải quyết hành vi bạo lực của học sinh là trách nhiệm của hiệu trưởng, của giám thị và của Đoàn Thanh niên.

Trong khi đó, có những hiệu trưởng hoàn toàn giao phó trách nhiệm giáo dục phòng chống bạo lực học đường cho bí thư Đoàn trường, cho giám thị và giáo viên chủ nhiệm. Cũng có hiệu trưởng dể dãi coi việc học sinh đánh nhau “ là chuyện bình thường”, thậm chí có hiệu trưởng còn khẳng định “Nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được”. Nhiều hiệu trưởng sợ mất danh hiệu thi đua của đơn vị nên không báo cáo vụ việc với cấp trên.

Thế nên để góp phần giảm thiểu bạo lực học đường, tôi khuyến nghị:

- Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không công nhận danh hiệu thi đua tập thể nhà trường và cá nhân hiệu trưởng; hoặc cách chức và không bổ nhiệm lại hiệu trưởng ở những trường học năm nào cũng có học sinh đánh nhau nghiêm trọng.

- Các trường học tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động của ngành GD&ĐT “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; không xét các danh hiệu thi đua cho bí thư Đoàn, giám thị và giáo viên chủ nhiệm trong năm học có học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường.

Tôi tin rằng nếu như ở một trường học nào đó mà “trường ra trường, thầy ra thầy”, tất cả thầycô giáo đều có chuyên môn vững vàng, mẫu mực trong lối sống, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tâm huyết với nghề, có trách nhiệm trong việc giáo dục, ngăn chặn hành vi bạo lực của học sinh và có thái độ thân thiện với học sinh; còn hiệu trưởng nhà trường luôn vì học sinh thân yêu, thì chắc chắn rằng trường học đó sẽ hạn chế được các hành vi bạo lực ở học sinh.

Trần Vũ

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm