Bạo lực cũng bởi nhớ lâu, thù dai

Bạo lực là bất thường nhưng hiện nay nó xảy ra nhiều đến mức trở nên bình thường. Nó khiến con người có thể dần quen với bạo lực, vô cảm với bạo lực, tập nhiễm bạo lực.

Báo cáo nhanh của Bộ Y tế sau tết 2016 vừa qua khiến nhiều người giật mình: Hơn 5.000 người nhập viện trong tết do đánh nhau, trong đó có 13 ca tử vong. Phải chăng người Việt đang ngày càng hung hãn hơn?

Hung hãn gây hậu quả lớn cho xã hội

. Phóng viên: Bà nghĩ gì xung quanh thông tin cả nước có hơn 5.000 ca nhập viện vì đánh nhau dịp tết vừa qua?

Bạo lực cũng bởi nhớ lâu, thù dai - 1

+ TS xã hội học Phạm Thị Thúy: Tôi cũng như nhiều người Việt Nam rất đau lòng. Tính mạng con người, những nỗi đau về thể xác và tinh thần đối với người bị thương và người thân của họ là không thể đong đếm hết được.

. Dưới góc nhìn xã hội học, bà có phân tích gì về những căn nguyên làm thói hung hãn ngày càng tăng trong xã hội hiện nay?

+ Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân bề mặt là do bia rượu ngày tết. Nguyên nhân sâu xa là những uẩn ức tâm lý xuất phát từ những khó khăn hằng ngày của cuộc sống mưu sinh chất chứa trong tâm trạng con người khiến họ dễ nóng giận, hung hãn. Những mâu thuẫn trong quan hệ giữa người với người tồn tại chưa được giải quyết nên rượu bia đã kích thích họ bùng phát những dồn nén giận dữ lâu nay. Nguyên nhân do bối cảnh xã hội bức bối, sự khó khăn chung về kinh tế, sự suy thoái về đạo đức trong một thời gian dài. Sự ảnh hưởng của tâm lý đám đông, sự lây lan tâm lý tiêu cực cũng dễ khiến bùng phát những hành vi bạo lực giữa nhiều nhóm người khác nhau trong xã hội.

. Sự hung hãn đó, bằng quan sát của bà đã gây ảnh hưởng thế nào đến đời sống xã hội hiện nay?

+ Sự hung hãn lên ngôi vừa có nguyên nhân từ tâm lý đám đông vừa gây ra hậu quả tạo nên tâm lý đám đông. Sự hung hãn kích thích sự hung hãn. Và tâm trạng lo lắng bất an, thất vọng lan tràn sang những người không hung hãn… Đây là hậu quả lớn có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội như nạn tự tử, bệnh trầm cảm, sự chán chường, không còn mục tiêu sống…

Hai thiếu nữ nghi là sinh viên ẩu đả nhau giữa đường phố Cần Thơ đến mức một người ngất xỉu tại chỗ. Rất nhiều thanh niên trẻ đứng xem, quay phim nhưng không ai can ngăn.
Hai thiếu nữ nghi là sinh viên ẩu đả nhau giữa đường phố Cần Thơ đến mức một người ngất xỉu tại chỗ. Rất nhiều thanh niên trẻ đứng xem, quay phim nhưng không ai can ngăn.

Tư duy “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”...

. Theo bà, có phải tâm lý trả thù là chuyện trọng đại, kiểu “ăn miếng trả miếng” hình thành sâu trong tư duy cá nhân của nhiều người Việt?

+ Người xưa có câu “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”. Đúng là trong tư duy cá nhân nhiều người Việt coi trọng sĩ diện bản thân, dễ tự ái, để bụng, nhớ lâu, thù dai… Đây cũng là một trong những nét xấu xí của người Việt mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra.

. Riêng nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đã đúc kết: “Thô bạo đã trở thành một thứ khí hậu trong mối quan hệ bình thường”, bà nghĩ sao?

+ Rất buồn là tôi phải đồng tình với quan điểm đó. Vì bạo lực quá phổ biến, lan tràn khắp nơi, ở đâu cũng có bạo lực: Trong gia đình, trường học, bệnh viện, các nơi công sở, nơi sinh hoạt cộng đồng… Sự bất thường nhiều đến mức nó trở nên bình thường khiến con người trở nên quen với bạo lực, vô cảm với bạo lực, tập nhiễm bạo lực.

Người lớn phải làm gương

. Sự can thiệp, xử lý hành chính hiện nay, theo bà đã đủ sức răn đe họ chưa?

+ Chưa đủ. Thực tế là xử phạt hành chính không giải quyết được các nguyên nhân gây ra bạo lực. Nó không đủ sức răn đe do hình phạt thấp, dư luận xã hội chưa phản ứng mạnh mẽ, còn hiện tượng bao che, chạy án… cho một số trường hợp phạm tội.

. Vậy giải pháp để giảm thiểu thói côn đồ, hung hãn của nhiều người Việt là gì, thưa bà?

+ Rất khó để một giải pháp riêng lẻ nào có tác dụng. Vì nguyên nhân rất đa dạng và phức tạp nên rất cần tiến hành một nghiên cứu sâu rộng về thực trạng bạo lực mới có thể có những đề xuất giải pháp mang tính tổng thể và khả thi. Trước hết, Nhà nước cần giúp người dân giảm bớt những khó khăn của họ: Khó khăn về kinh tế, khó khăn trong công ăn việc làm, xử lý những mâu thuẫn xã hội một cách công bằng, nghiêm minh… Quan trọng hơn là những giải pháp liên quan đến giáo dục và văn hóa. Sự thay đổi cần thiết trước hết là phải tăng cường giáo dục gia đình, nhất là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho con trẻ.

. Còn về tính thiện bao dung “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” của người Việt, làm thế nào để vẫn được giữ gìn và khơi gợi trong con người hôm nay, thưa bà?

+ Đó là vấn đề của giáo dục. Muốn giữ gìn và hiện thực hóa được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt như lòng nhân ái, tính bao dung,… cần bắt đầu từ chính những người chịu trách nhiệm giáo dục, trước hết là cha mẹ, sau là thầy cô, nhà quản lý. Và cần nhất là sự làm gương từ những người có trách nhiệm đó.

. Xin cám ơn bà.

TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn:

Sự hung hãn gia tăng khi vòng tròn yêu thương hẹp lại

Phải thừa nhận rằng sự hung hăng của con người có những biểu hiện gia tăng khi nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm đã xảy ra. Đó là biểu hiện của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người. Nguyên nhân là các cá nhân đánh nhau kể trên đã thiếu sự cân nhắc trên bình diện bản thể dẫn đến sự hung hăng ngay trong phản ứng. Còn xét trên tầm nhìn vĩ mô thì có những nguyên nhân sâu xa như nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục hành vi ứng xử theo giá trị hòa bình, tôn trọng; gia đình chưa thực sự dắt con vào đời với những kỹ năng sống, những chiến lược, những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản…

Xét ở góc độ khác, khi mà vòng tròn yêu thương trong mỗi người ngày càng nhỏ hẹp thì chuyện ẩu đả nhau vì một mâu thuẫn nhỏ cũng là chuyện dễ xảy ra. Bởi khi đó người ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, vì cái lợi của mình, đôi lúc chỉ vì muốn nhanh một chút, hơn một chút, không muốn thua thiệt… người ta trở nên ích kỷ, thích tự khẳng định và trở nên lạnh lùng.

Rõ ràng ai cũng muốn khẳng định mình, giành cho mình phần thắng. Vì vậy, người ta dễ dàng ẩu đả hay đánh nhau và bạo lực hay sự hung hãn trở thành bộ mặt thật của nhiều con người hôm nay.

Theo Tuấn Thịnh

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm