Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường?

(Dân trí) - Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các clip về học sinh đánh nhau, đánh hội đồng, đánh nhau bên ngoài và đặc biệt đánh ngay tại lớp, tại trường với thời gian rất dài vậy mà thầy cô không hề hay biết. Ngoài việc đánh nhau, một loại hình bạo lực học đường khác không kém phần nguy hiểm là bắt nạt, tống tiền trong thời gian dài…

Từ đây, tôi có nhiều điều chia sẻ:

Một là, môi trường giáo dục mà con em mình theo học rất quan trọng, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương cho các em, thầy cô giáo phải gương mẫu, không cư xử thô lỗ với học sinh, phải chuẩn mực từng lời nói của mình trước học sinh, tận tâm, sao sát học sinh của mình. Nhất là giáo viên chủ nhiệm cần phát huy vai trò của mình nhằm phát hiện sớm bất thường ở những học sinh cá biệt để cùng phụ huynh uốn nắn kịp thời.

Hai là, mỗi trường đều có Ban giám thị, vậy trong thời gian học sinh ra chơi, Ban giám thị làm gì? Sao không đi lòng vòng trong trường để quan sát các hoạt động của học sinh? Điều này rất cần thiết, tôi nghĩ các trường nên tăng cường nhân lực cho Ban này và phải có quy định trách nhiệm, quyền hạn… cho họ rõ ràng, giờ học họ có thể nghỉ ngơi, làm những việc khác nhưng giờ học sinh ra chơi trong khi giáo viên nghỉ ngơi thì họ phải là người theo dõi, sao sát học sinh trong từng ngõ ngách, thậm chí là các nhà vệ sinh…

Ba là, nhà trường phải thường xuyên có những buổi sinh hoạt ngoài giờ để đưa ra cho các em những tình huống có thể xảy ra và hậu quả của nó cũng như cách đối phó với những tình huống như vậy.

Bốn là, phụ huynh cũng phải thường xuyên đặt ra những tình huống có thể xảy ra và xem con mình có biết cách để xử lý hay không, cần chỉ ra cho các em cách đối phó.

Năm là, phụ huynh phải dành nhiều thời gian hỏi han, tâm sự, theo dõi những thay đổi về tâm sinh lý để phát hiện kịp thời khó khăn, khúc mắc mà con em mình đang gặp, đặc biệt là phải hết sức tế nhị, giữ “bí mật” nếu con yêu cầu, thật bình tĩnh nghĩ cách tốt nhất giải quyết vấn đề một cách khéo léo tránh làm tổ thương con và phải lường trước những tình huống có thể xảy ra sau đó để bảo vệ con mình.

Khi một đứa trẻ bị bắt nạt - chứng tỏ nó đang ở thế yếu hơn nên thường bất an, lo sợ và nó nghĩ khi nói ra sự thật đối phương sẽ trả thù, nó càng “khó ở” hơn. Chính vì vậy mà thường trẻ phải chịu đựng trong một thời gian dài. Nếu bố mẹ tinh ý, quan sát, gần gũi con chắc chắn sẽ nhận ra điều này ở các biểu hiện: lo sợ, không vui vẻ, không hồ hởi, mệt mỏi, không muốn tiếp xúc với mọi người, tự ti, bất cần, học hành sa sút... khi được hỏi đến các mối quan hệ bạn bè sẽ thoái thác sang chuyện khác hoặc trả lời một cách chống chế, đối phó cho qua chuyện…

Vì thế hơn ai hết cha mẹ phải là người hiểu con mình nhiều nhất, là niềm tin tuyệt đối để con tâm sự, sẻ chia và là chỗ dựa vững chắc để con nghĩ đến mỗi khi con gặp khó khăn trong cuộc sống. Và cũng là bác sĩ tâm lý giỏi nhất để điều trị lành vết thương mỗi khi con bị “va vấp”.

Trịnh Thị Mỹ Dung

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm