Hệ thống cảnh báo lũ tự động của chàng sinh viên Bách khoa Đà Nẵng
(Dân trí) - Hệ thống cảnh báo lũ tự động của Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (sinh năm 1994, lớp 12DT4, Khoa Điện tử - Viễn thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) sẽ giúp người dân sớm chủ động kịp thời ứng phó với lũ lụt. Với hệ thông này, Nhật Thương vừa giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học" do ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Sở Khoa học Công Nghệ TP Đà Nẵng tổ chức.
Không chỉ học giỏi, Nhật Thương còn là một người đam mê nghiên cứu khoa học, các đề tài em nghiên cứu đều hướng đến cộng đồng, xã hội.
“Bản thân em thích nghiên cứu, tìm tòi từ thời trung học phổ thông. Tuy nhiên, phải lên đại học, tham gia vào công tác đoàn, được các anh, chị trong Ban học tập khóa trên thổi đam mê nên từ năm hai đại học, ngoài thời gian lên lớp, em dành thời gian để nghiên cứu những đề tài khoa học có ý nghĩa, dễ ứng dụng thực tế cuộc sống”, Thương chia sẻ.
Nhật Thương cho biết, ý tưởng thực hiện hệ thống cảnh báo lũ tự động bắt đầu từ việc trong một lần em nghe thông tin một gia đình thiệt mạng bởi lũ. Tìm hiểu thêm, Thương nhận thấy, những năm gầy đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh và phức tạp. Nhiều vùng đất và người dân đã bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Từ đó em suy nghĩ cần phải làm một điều gì đó giúp người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai và bắt tay triển khai mô hình này.
Hệ thống cảnh báo lũ tự động của Thương được lắp đặt trực tiếp đo đạc lưu lượng mưa tại khu vực sườn đồi và truyền về server (trung tâm dữ liệu). Mô hình có ưu điểm là đo được lượng mưa sớm từ trên sườn đồi và cảnh báo tình trạng lũ nhanh hơn phương pháp cảnh báo đang dùng hiện nay là đo trực tiếp mực nước trên các con sông.
Bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời (tận dụng ánh sáng khi đặt ở khu vực miền núi, trung du, những nơi có địa hình cao, khó có nguồn điện năng) và dùng mạng lưới truyền tin bằng RF giúp các trạm đo mưa có thể được đặt trên khu vực đồi núi cao, những nơi không có sóng 2G/3G/4G. Hệ thống rất tiện ích vì có thể điều khiển trực tiếp bằng điện thoại thông minh hay trên website.
Khi trạm đo mưa vượt ngưỡng hoặc tổng hợp thông tin lượng mưa của các trạm vượt ngưỡng có nguy cơ xảy ra lũ thì hệ thống sẽ hiển thị thông báo trên website, đồng thời sẽ có tin nhắn văn bản (SMS) đến người quản lý để thông báo tình hình, hỗ trợ ra quyết định cảnh báo thiên tai và sẵn sàng ứng phó. Ngay lúc đó, hệ thống sẽ phát loa phát thanh để phát tin cảnh báo đến người dân sinh sống trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ.
Với hệ thống này, các nhà quản lý thiên tai có thể giám sát các đợt lũ lụt, cung cấp cảnh báo kịp thời đến địa phương và chia sẻ với các cơ quan ứng phó liên quan về các kết quả nắm bắt tình hình và đánh giá thiệt hại.
Theo Nhật Thương, để hoàn thành đề tài này, em phải mất một năm trời. Trong thời gian làm, mỗi ngày em chỉ dám ngủ 4 giờ/ ngày để mong sớm hoàn thành xong công việc.
“Hiện đã có một số đơn vị có ý định hợp tác triển khai đề tài nhưng em chưa đồng ý vì không muốn ứng dụng này được sử dụng vào mục đích khác, thay vì triển khai để cộng đồng người dân chịu ảnh hưởng thiên tai được hưởng lợi”, Nhật Thương cho hay.
Ngoài đề tài hệ thống cảnh báo lũ sớm, Nhật Thương còn tham gia nghiên cứu nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích như: Kính thông minh cho người khuyết tật; Hệ thống thông báo cho người thân khi người già gặp sự cố té ngã; xây dựng hệ thống giám sát sinh học tự động cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt...
Hiện nay Nhật Thương cũng đang bắt tay vào thực hiện một đề tài cấp nhà nước là xác định độ an toàn của nước dựa vào chỉ số đo đạc được từ đường bơi của cá.
Ngoài giải Nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016", Nhật Thương còn đạt các giải thưởng như: huy chương Bạc cuộc thi về khởi nghiệp Mekong Business Challenge 2015 các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; giải Nhì cuộc thi “Texas Instruments Innovation Challenge: Vietnam MCU Design Contest 2016”.
Bên cạnh đó, Nhật Thương còn là một đoàn viên năng động, giàu nhiệt huyết, em cũng vừa vinh dự nhận được Giải thưởng “Sao tháng giêng” năm 2017 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.
Khánh Hồng