Hè nhọc nhằn trong xưởng cá bò

(Dân trí) -Mới 14 tuổi, Nguyễn Thị Trinh đã có thâm niên 5 năm trong nghề dán cá bò. Mùa hè của Trinh là “điệp khúc” 6h sáng có mặt ở xưởng cá, 16h chiều mới “xuống ca”. 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày hè, trời nắng nóng hầm hập, Trinh quần quật bán sức trong xưởng cá.

Năm học vừa kết thúc, không có kế hoạch nghỉ xả hơi, cũng không lên thời gian biểu học các môn ngoại khóa, hàng trăm học trò ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) lại thêm một mùa hè nhọc nhằn trong các xưởng sản xuất cá bò.
 
Hè nhọc nhằn trong xưởng cá
Vừa nghỉ hè, hàng trăm em học trò nghèo ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã đi làm thêm ở các xưởng sản xuất cá bò.
 
Theo thống kê mới nhất của Phòng lao động - thương binh - xã hội huyện Điện Bàn, có gần 300 trẻ em (dưới 16 tuổi) trên địa bàn huyện lao động nặng nhọc. Theo bà Phạm Thị Nhi, chuyên viên của Phòng thì con số thực tế có thể còn nhiều hơn. Trong đó, ngoài một số em đi làm phụ hồ, đa phần là các em đi dán cá bò ở các xưởng cá tập trung ở 2 xã Điện Phước và Điện An.

Chúng tôi gặp em Nguyễn Thị Trinh trong một cơ sở chế biến cá bò ở xã Điện Phước (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mới 14 tuổi, Trinh đã có thâm niên 5 năm trong nghề dán cá bò. Tay vẫn thoăn thoắt xếp từng lát cá tươi lên vỉ để mang ra phơi nắng, Trinh cho biết: “Em mới học xong lớp 7. Từ hồi học lớp 2 là em đã đi dán cá bò rồi. Trong năm học thì em tranh thủ những ngày nghỉ. Còn như vô hè rồi là em làm cả ngày ở đây luôn”.

Mới 14 tuổi, Trinh đã có 5 mùa hè làm thêm trong xưởng cá.
Mới 14 tuổi, Trinh đã có 5 mùa hè làm thêm trong xưởng cá.

Mùa hè của Trinh là "điệp khúc" 6h sáng có mặt ở xưởng cá, 16h chiều mới “xuống ca”. 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày hè, trời nắng nóng hầm hập, Trinh quần quật làm việc: hết sơ chế cá tươi, sắp cá lên vỉ mang ra ngoài trời phơi nắng, lại gỡ cá đã phơi khô ra rồi xếp lại thành một lát cá bò khô thành phẩm.

Công việc tưởng chừng như cũng khá đơn giản đó, nhưng được xếp vào hàng “lao động nặng nhọc”. Phải đến tận những xưởng cá bò ở xã Điện Phước mới hiểu nguyên nhân như bà Nhi, chuyên viên Phòng Lao động - thương binh - xã hội huyện Điện Bàn lý giải: “Các em phải ngồi khom lưng dán cá bò trong một tư thế hàng mấy giờ liền, trong môi trường ô nhiễm đặc trưng do mùi hải sản ở các xưởng chế biến, sản xuất cá bò”. Chỉ chưa đầy một giờ thực tế ở xưởng cá, chúng tôi đã bắt đầu thấy chóng mặt, không chỉ do trời nắng nóng quá gay gắt mà còn vì mùi cá tanh cứ xộc thẳng vào mũi. Vậy mà suốt một mùa hè, ngày này qua ngày khác, những học trò nghèo như Trinh cả ngày trời trong xưởng cá.

Một em khác cũng làm cùng trong xưởng cá với Trinh, em Nguyễn Thị Phượng, vừa học xong lớp 9, cũng có 5 mùa hè mưu sinh trong xưởng cá bò, tâm sự: “Ở đây cả ngày làm răng tránh được không bị sổ mũi, nhức đầu vì nắng nóng với mùi cá. 

Nhưng không làm thì tụi em biết cách nào khác để kiếm thêm tiền phụ ba má nuôi tụi em ăn học. Tranh thủ thời gian nghỉ hè đi làm thêm, tụi em mới có tiền sửa soạn trong năm học mới. May mà có việc làm kiếm ra tiền chứ không thì tụi em cũng phải bỏ học thôi”.

Ngồi làm trong nhà những nhiều em phải đeo khẩu trang vì không chịu được mùi cá.
Ngồi làm trong nhà những nhiều em phải đeo khẩu trang vì không chịu được mùi cá.

Bà Nguyễn Thị Tư, chủ xưởng sản xuất cá bò mà chúng tôi ghé đến cho biết: Xưởng trả công theo thành phẩm, làm được bao nhiêu trả bấy nhiêu. Ở xưởng có cũng trên dưới mười em đang còn đi học tranh thủ nghỉ hè xin vô làm thêm. Mấy em còn nhỏ vậy chứ làm nhanh nhẹn lắm, có khi hơn cả người lớn. Mỗi ngày làm như vậy mỗi em kiếm được trung bình 50 - 70 ngàn đồng; có khi được cả trăm nghìn đồng.

Chúng tôi nhẩm tính theo giá tiền công của chủ xưởng: xếp 1 kg cá tươi lên vỉ được 2 nghìn đồng, dán một ký cá bò đã phơi khô thành lát cá thành phẩm được 4.800 đồng. Vậy là, để kiếm được 50 -70 nghìn đồng/ngày, mấy em phải “gánh” cả hàng mấy chục kg cá mỗi ngày.

Những học trò nghèo như Trinh, như Phượng, như hàng trăm em khác nữa, phải "bán" cả mùa hè trong xưởng cá. Các em đổi một mùa hè nghỉ ngơi sau một năm học dài miệt mài, lấy một mùa hè ướt đẫm mồ hôi với công việc lao động nhọc nhằn, để phụ ba mẹ mưu sinh, để “sang năm có tiền đi học tiếp".

Khánh Hiền