“Ép” trẻ học ngày hè
(Dân trí) - Mới đầu mùa hè nhưng không ít học sinh lại tiếp tục “cày” bài vở khi bố mẹ dẫn đến đủ các lớp chiêu sinh kiến thức ngày hè. Phụ huynh có muôn vàn lý do “ép” trẻ học hè mà quên mất rằng mình đang lấy đi tuổi thơ của con.
Học kỳ… thứ 3
Tính từ ngày tổng kết năm học đúng một tuần, vợ chồng anh Nguyễn Quang Vinh (nhà ở Q.10, TPHCM) lập tức lên chương trình hè cho hai con đang học tiểu học. Một lịch học dày đặc không hề thu kém trong năm mà còn có phần “cộm” hơn: mỗi cháu học hai Ngoại ngữ, học thêm ở nhà cô, học nâng cao toán, tin học. Buổi tối, các con của anh chị lại được học gia sư kèm cặp tại nhà.
Ông bố này lý giả, trong năm con bận học chính khóa không có điều kiện học thêm nâng cao nên dịp anh, gia đình muốn con mình được học sâu, học toàn diện. Đặc biệt, một cháu chuẩn bị lên lớp 5, năm tới anh muốn con thi vào trường chuyên nên thấy cần thiết phải luyện từ bây giờ.
Thời gian nghỉ của hai cháu nhà anh Vinh trong cả ngày hè chỉ là mấy phút hiếm hoi chơi máy tính, xem ti vi vào lúc chiều tối, trong khi chờ… cô gia sư đến.
Với không ít trẻ, kỳ nghỉ hè trở thành học kỳ thứ 3 khi các em vẫn tiếp tục đèn sách, nhồi nhét kiến thức với đủ lý do xuất phát từ bố mẹ. Tâm lý chung, họ lo lắng con chơi hè quên kiến thức nên phải liên tục củng cố. Có phụ huynh (PH) lại đặt ra mục tiêu năm tới con phải giành được kết quả học nhất lớp hay thi vào trường này trường nọ.
Ở nhiều nhà thiếu nhi trong thành phố, nơi trẻ đến chủ yếu để vui chơi trong dịp hè thì một số trẻ được bố mẹ “nhét” vào các lớp học thêm như luyện chữ, học toán thông minh… Có em mặt rầu rĩ bước vào lớp học, nhìn các bạn vui chơi mà không khỏi thòm thèm.
Chị Lê An, nhà ở Q.1 cho biết, mỗi tuần chị đưa con đến nhà Thiếu nhi để cháu… học thêm lớp Toán thông minh. Chưa kể, cháu còn theo học chương trình nâng cao tại một trung tâm ở đường Điện Biên Phủ rồi học thêm tiếng Anh.
“Cháu có năng khiếu nên tôi muốn con được phát triển nhưng khi vào lớp cháu cũng vùng vằng lắm. Trẻ con mà, mấy đứa thích học thêm đâu nên mình cũng phải dỗ ngọt hoặc cứng rắn chúng mới chịu”, chị An nói.
Không vì mục tiêu quá cao xa nhưng vì gia đình không có người trông, lại không biết cho trẻ làm gì trong hè cũng là lý do mà nhiều PH “đẩy” con đến lớp học thêm.
Một PH có con học Trường THCS Châu Văn Liêm (Q. Phú Nhuận) cho hay, đầu tháng 7 trường học của con mới mở lớp học thêm nhưng gia đình không ai ở nhà trông cháu nên đăng ký cho cháu theo học tại một GV giỏi ở Tân Bình, học thêm ở trung tâm ngoại ngữ.
“Biết chữ trong năm con học chưa trôi giờ bắt học tiếp cũng không hay. Nhưng cho đi học thêm còn biết thêm nhiều chứ ở nhà sợ cháu lông bông, nhà mình không có ai trông”, người mẹ bày tỏ.
Mùa hè, vẫn bị "nhồi"
Không ít PH thường than, chương trình học của con quá tải nhưng đôi khi chính họ vì những mục tiêu của mình mà tăng tải cho con. Trong năm, họ hay lo ngại con mình không học thêm sẽ bị GV “đì” thì những ngày hè, áp lực đó không còn, họ vẫn rào rào… tìm lớp cho con học. Các trung tâm bồi dưỡng, trung tâm gia sư, dạy thêm… đều tăng công suất trong ngày hè để đáp ứng cho nhu cầu PH cho con học thêm.
Nhiều chương trình hoạt đồng hè của một số trường học, trung tâm đã tăng cường phần vui chơi thay cho chủ yếu chỉ dung nạp kiến thức như trước đây rất đáng khuyến khích cũng bị một số phụ huynh chê... chơi nhiều quá.
Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở Thủ Đức cho hay, nhiều kỳ nghỉ của trẻ như nghỉ Tết, hè dù nhà trường không giao bài tập cho trẻ và khuyến khích bố mẹ cho trẻ được vui chơi thoải mái, lành mạnh. Nhưng nhiều PH không chịu, nằng nặng gặp GV xin giao bài tập để con mình làm vì sợ con mải chơi.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, việc học thêm ngày hè là không cần thiết vì bộ não con người rất kỳ diệu ở chỗ, khi cần nhớ kiến thức sẽ trở về. Cả năm đã học, hè lại tiếp tục ôm lấy kiến thức thì trẻ không thể nào có được sự sáng tạo nếu thiếu đi các hoạt động vui chơi, khám phá.
Theo ông, thời điểm này PH nên tạo điều kiện cho con hướng đến các hoạt động như đọc sách, tham gia các môn thể thao, năng khiếu bắt nguồn từ sở thích của con.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để tạo cho con những ký ức đẹp của tuổi thơ như cho con về quê để cảm nhận về tình cảm, thiên nhiên, đời sống… Hay trẻ được đến những nơi có điều kiện sống tốt sẽ giúp các em có khát vọng hướng tới.
“Chỉ khi được trải nghiệm, lý tưởng sống của trẻ mới được hình thành, qua đó giúp các em sống có mục tiêu, khát vọng. Kiến thức thì học cả đời nhưng tuổi thơ đi qua không thể nào quay trở lại. Những kỷ niệm đẹp giúp các em hình thành nhân cách sống và sẽ đi theo trẻ trong suốt hành trình sau này”, ông Điệp nói.
Ông Điệp cho rằng PH cho con đi học hè vì tâm lý sợ nghỉ lâu quên kiến thức. Ngoài ra, nhiều người không có thời gian, không tạo điều kiện để con tham gia các hoạt động vui chơi có ích, lo con đàn đúm với bạn bè hay chơi game nên cho con đến lớp học thêm vì sự an toàn.
Trong nhịp sống hiện đại, trẻ em cũng khó thoát khỏi dòng chảy vội vàng cùng với sự lo toan, bận bịu của người lớn. Dù điều kiện sống và học tập ngày càng đầy đủ nhưng một mùa hè đúng nghĩa với học trò ở thành phố dường như ngày càng xa vời.
Hoài Nam