Havard và MIT lần đầu chấp nhận mở lớp học trực tuyến

(Dân trí) - Sau nhiều năm phớt lờ hình thức đào tạo qua mạng, hôm qua cả 2 trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ là Harvard University và Massachusetts Institute of Technology (MIT) bất ngờ công bố kế hoạch triển khai các lớp học trực tuyến.

Theo đó 2 trường này đang kết hợp để chuẩn bị cho ra đời một tổ chức mới có tên edX, chuyên thực hiện các khóa học trực tuyến cho học viên trên toàn thế giới. Mỗi trường sẽ đóng góp 30 triệu USD cho dự án này.

Havard và MIT lần đầu chấp nhận mở lớp học trực tuyến
Lãnh đạo MIT và Harvard trong buổi công bố dự án edX

Đây chắc chắn là tin vui cho những ai mơ ước được tham dự các khóa học của 2 trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới nhưng chưa thể theo học vì vấn đề chi phí. Theo số liệu mới nhất của trang US.News, học phí bậc đại học tại Havard trung bình khoảng 39.849 USD/năm trong khi ở MIT là 40.732 USD/năm.

Động thái trên của Havard và MIT được xem là hợp lí trong bối cảnh chi phí học tập đang ngày càng tăng cao trong khi tình hình việc làm cho những người tốt nghiệp ngày một khó khăn. Gần đây không ít chuyên gia tài chính thậm chí còn cho rằng giáo dục đại học và sau đại học đang trong tình trạng “bong bóng” và sẽ nổ tung một khi các công nghệ như học trực tuyến cho phép sinh viên có được bằng cấp với chi phí thấp hơn.

“Loại hình đào tạo trực tuyến không phải kẻ thù của hình thức truyền thống mà sẽ là một đồng minh mật thiết”, Chủ tịch MIT, bà Susan Hockfield phát biểu trong buổi lễ công bố dự án. Từ năm 2001, MIT đã đăng tải toàn bộ các tài liệu giảng dạy của tất cả các lớp lên mạng và cho phép tải về miễn phí. Nay họ muốn cùng với Harvard đem đến cho người học những khóa học có tính tương tác cao hơn, ví dụ như thảo luận nhóm trực tuyến hoặc thí nghiệm trực tuyến.

“Với một mức phí khiêm tốn theo quy định của ban lãnh đạo edX, MIT và Harvard, các sinh viên có thể được nhận các bằng cấp sau khi chứng tỏ được rằng mình nắm chắc các nội dung của môn học”, MIT khẳng định. Đồng thời các trường này cũng cho biết nền tảng công nghệ được họ áp dụng cho phép các trường đại học khác cũng có thể kết nối.

Thanh Tùng
Theo CNBC