Hậu quả khôn lường về "văn hóa bề trên" của giáo viên

(Dân trí) - "Văn hóa bề trên" của giáo viên và niềm tin mình có quyền trên hết trong việc giáo dục học sinh mới dẫn đến việc khi nổi nóng vì những trò nghịch ngợm của học trò thì lời lẽ nào cũng có thể buông ra.

Giáo viên cần biết giới hạn của việc thể hiện thái độ

Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ việc giảng viên đuổi học nam sinh ra khỏi lớp trực tuyến vì đề nghị được giảng lại.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh: Câu chuyện của một thầy giáo "bất ngờ nổi tiếng" mới đây, tôi nghĩ đó là những giây phút thầy muốn quên đi nhất trong cuộc đời. Nó là bài học cho tất cả giáo viên về kiểm soát bản thân trong các tình huống dạy học.

Ai làm giáo viên chắc hiểu có những tình huống bị học trò chọc điên, các em xúm nhau mè nheo, nghịch tập thể, chống đối tập thể, cũng không phải vì trò ghét thầy cô, chỉ là tuổi trẻ có ngày "bad mood" (cảm xúc tồi, "nổi cơn lười" chẳng hạn).

Lúc đó, giáo viên bực lắm, có khi không kiềm chế được mà nói lớn, la rầy học trò dù trong tâm ý chúng ta không hề ghét bỏ học trò. Dù vậy, giáo viên vẫn cần biết giới hạn của việc thể hiện thái độ của mình trong giáo dục.

Hậu quả khôn lường về văn hóa bề trên của giáo viên  - 1
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền (Ảnh: NVCC).

Dưới đây là quan điểm Tiến sĩ Thu Huyền gửi đến Báo Dân trí:

Clip thầy giáo "mời" sinh viên ra khỏi lớp sau khi sinh viên đề nghị giảng viên giảng lại vì tiếng mưa quá ồn được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Sau hành động "mời ra khỏi lớp" em sinh viên thì giảng viên yêu cầu sinh viên cả lớp bật camera lên và từng người phải nói câu "Tôi tên là…, tôi có đủ có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường".

Dù có thể hiểu thiện ý của thầy giáo muốn học trò nghiêm túc, chú tâm khi học; dù hiểu rằng giáo viên cũng là người nên khó tránh khỏi lúc nóng giận tới mức "mất khôn" nhưng tôi khó đồng tình với những hành động của thầy. Hành vi đó sai thì vẫn là sai, không thể dùng ý tốt ẩn sâu hay lời tặc lưỡi "ai cũng có khi vậy" để biến đó thành hành vi chấp nhận được.

Tôi đọc bình luận một số bài báo đưa tin về sự việc, bên cạnh những phản ứng không đồng tình với ứng xử của thầy, một số không ít người vẫn xuê xoa cho rằng những biện pháp đó của thầy là "bình thường", thậm chí "tốt" vì phải vậy mới uốn nắn được học trò.

Phản ứng này của mọi người làm tôi lo ngại hơn vì chính lối tư duy này khiến nhiều giáo viên không chịu nhìn lại những thiếu sót của bản thân trong cách ứng xử, răn dạy học trò mà vẫn tin rằng "đòn đau nhớ đời".

"Văn hóa bề trên" của giáo viên và niềm tin mình có quyền trên hết trong việc giáo dục học sinh mới dẫn đến việc giáo viên khi nổi nóng vì những trò nghịch ngợm của học trò thì lời lẽ nào cũng có thể buông ra.

Không có lý do gì giáo viên từ chối thực hành, rèn luyện sự kiên nhẫn

Vụ việc mới nhất của một cô giáo ở Quảng Trị là một minh chứng khác. Nếu như giáo viên thực sự xem giá trị tôn trọng và bao dung là quan trọng trong ứng xử với học sinh thì dù ở tình huống rất thách thức của học sinh, giáo viên vẫn đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để xử lý một cách khéo léo, khôn ngoan và đạt hiệu quả giáo dục.

Học sinh thách thức sự kiên nhẫn của giáo viên nói riêng và người lớn nói chung là rất phổ biến, không phải điển hình chỉ ở Việt Nam. Nếu khoa học sư phạm đã đề cao những giá trị này như điều phổ quát cho giáo viên toàn thế giới thì không có lý do gì giáo viên Việt Nam từ chối thực hành, rèn luyện bản thân.

Tôi nhớ một lần giáo viên cũ của tôi (tôi từng làm phó hiệu trưởng) vì tức giận mà mời học sinh ra khỏi lớp. Học sinh khóc nức nở, giáo viên phòng bên cạnh nghe thấy nên kịp thời trấn an học sinh, đưa em xuống phòng gặp cô chuyên viên hỗ trợ học tập, mặt khác thông báo cho Ban giám hiệu. Tôi và hiệu trưởng nhanh chóng mời giáo viên lên phòng để hỏi chuyện.

Chúng tôi hiểu rằng giáo viên phải đối diện với những hành vi "thử thách sự kiên nhẫn" của học sinh mỗi ngày thì khó lòng kiềm chế, như trường hợp của thầy là học sinh rề rà trong lấy tập vở, đùa giỡn, thường xuyên không làm bài tập được giao và đỉnh điểm là nói thầm thì với nhau, nhìn giáo viên với ánh mắt bí hiểm và nhắc tên giáo viên để giáo viên nghe thấy.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác nhận với giáo viên rằng việc giáo viên quát to, thiếu kiểm soát cảm xúc của mình và mời học sinh ra khỏi lớp mà không có cảnh báo trước là sai về nguyên tắc sư phạm.

Chúng tôi yêu cầu giáo viên tìm thời gian thích hợp hôm sau để xin lỗi học sinh. Mặt khác, cả tôi và hiệu trưởng cũng lên lớp gặp học sinh ngay chiều hôm ấy. Chúng tôi thông báo với học sinh rằng chúng tôi đã nắm sự việc và việc một người quát to đầy tức giận vào mặt người khác là hành vi không được chấp nhận trong trường học. Hành vi này không nên được tiếp diễn dù là học sinh hay giáo viên.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn các em nghiêm túc xem xét lại hành vi của mình đã khiến giáo viên phản ứng như vậy và các em phải cải thiện thói quen học tập, cách ứng xử, đùa giỡn… Tôi và giáo viên chủ nhiệm cũng soạn thư gửi phụ huynh, thông báo sự việc đáng tiếc và cho biết nhà trường đã nỗ lực giải quyết.

Hành vi sai của ai thì người đó vẫn phải nhận. Chúng ta không thể cho học sinh thấy hình mẫu hành vi xúc phạm người khác là được phép.

Nhắc nhở, cảnh cáo trước khi đưa ra hình phạt

Về việc giáo viên "mời học sinh" ra khỏi lớp mỗi khi giáo viên nổi nóng cũng cần phải cẩn trọng. Trong dạy học trực tiếp, việc mời học sinh khi ra khỏi lớp thường áp dụng khi học trò ồn ào, làm phiền giáo viên, bạn học. Khi đó, giáo viên cho học sinh gây rối ra ngoài để em bình tĩnh, thoải mái và suy ngẫm lại hành vi của mình. Sau một khoảng thời gian (thường không quá 10 phút) thì giáo viên có thể nói chuyện rồi cho học sinh vào lớp trở lại.

Trong dạy học trực tuyến, học sinh nghịch phá, chát chít, không làm bài, không lắng nghe hướng dẫn của giáo viên, thì giáo viên cũng có thể mời học sinh ra.

Hậu quả khôn lường về văn hóa bề trên của giáo viên  - 2

Lớp học trực tuyến xảy ra vụ việc (Ảnh từ clip).

Trước khi mời, ít nhất giáo viên phải nhắc nhở hai lần và cảnh cáo một lần, khi cảnh cáo cần báo trước hậu quả học sinh phải nhận nếu không dừng hành vi không phù hợp.

Giáo viên không nên "nhảy cóc" trong xử lý bằng cách cho học sinh nhận luôn hậu quả (hình phạt) trừ khi đó là hành vi nguy hiểm đến an toàn của học sinh và giáo viên. Khi mời học sinh ra ngoài, thái độ của giáo viên phải rất bình tĩnh và kèm theo lời giải thích cho quyết định của mình.

Có những nguyên tắc trong ứng xử sư phạm mà người đã chọn làm giáo viên phải cố gắng rèn mình, răn mình để không phạm sai lầm mà đưa mình vào tình huống đáng tiếc.

Có những thầy cô giáo mấy chục năm trong nghề rất tâm huyết với học trò nhưng việc thiếu nghiêm khắc trong lời lẽ, kiểm soát cảm xúc của bản thân một phút giây cũng có thể để lại hình ảnh xấu mãi mãi, nhất là với "sức mạnh khủng khiếp" của mạng xã hội như hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền có 13 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Sư phạm TPHCM trước khi chuyển sang vị trí phó hiệu trưởng của một trường phổ thông liên cấp quốc tế.

Cô hoàn thành thạc sĩ và tiến sĩ giáo dục tại Anh, hiện đang làm quản lý chuyên môn cho một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ chương trình giáo dục cho các đối tượng học sinh ở khu vực bất lợi.