Hậu kiểm - chỉ để doạ thí sinh?
(Dân trí) - Trong mấy năm gần đây, sau các kỳ thi ĐH, năm nào qua công việc hậu kiểm cũng phát hiện được khá nhiều TS trúng tuyển nhờ gian lận, nhưng hiện việc thực thi hậu kiểm tại các trường vẫn rất hời hợt, nhất là ở những trường khan hiếm nguồn tuyển.
Kỳ thi năm 2004, Bộ và các trường đã phát hiện và buộc thôi học 82 sinh viên trúng tuyển vào ĐH, CĐ, dự bị ĐH bằng hành vi gian lận. Ông Trần Bá Giao, phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng, đây không phải là năm đầu tiên, mấy năm gần đây, mỗi năm cũng phát hiện và buộc thôi học 60-70 sinh viên qua hậu kiểm.
Tại điều 36 của Quy chế tuyển sinh đã quy định trách nhiệm của các trường phải tiến hành kiểm tra kết quả tuyển sinh sau khi thí sinh đã trúng tuyển đến nhập học (thường gọi là hậu kiểm). Công tác hậu kiểm nhằm rà soát toàn bộ các khâu của quá trình tuyển sinh để có biện pháp khắc phục mọi sai sót, bảo đảm kết quả thi chính xác. Khi hậu kiểm phải kiểm tra hồ sơ của thí sinh (học bạ, bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, các giấy tờ xác nhận được hưởng quy định chế độ ưu tiên, khuyến khích) và đối chiếu chữ viết trên các bài thi với chữ viết của sinh viên để phát hiện các trường hợp thi hộ. Quy chế cũng quy định các trường phải hoàn thành việc kiểm tra và báo cáo kết quả tuyển sinh với Bộ trước ngày 31/12 hàng năm.
Thế nhưng, trên thực tế thì mặc dù đã có thêm rất nhiều văn bản khác của Bộ đi kèm giục giã cho việc này nhưng ngay cả đến cả thời điểm bắt đầu kỳ tuyển sinh của năm sau, vẫn có tới hơn 1/3 số trường chưa thực hiện hậu kiểm cho kỳ tuyển sinh năm trước.
Ngay cả cách nhìn nhận, các trường cũng chẳng mấy coi trọng khâu này. Nếu điều 22 của Quy chế tuyển sinh quy định các trường phải công bố kết quả thi của thí sinh trên mạng Giáo dục để các trường có điều kiện rà soát điểm của tất cả thí sinh, tránh hiện tượng giấy báo điểm giả thì các trường hết sức thờ ơ với việc rà soát này, vì như theo lời của một cán bộ tuyển sinh trường ĐH Mỏ- Địa chất: “mạng Giáo dục lúc nào cũng tắc, rà soát làm sao mà rà soát!”
Thế nên, trường nào cẩn thận thì làm công văn dài dài hỏi trường bạn và đợi hồi âm dài dài…Có trường thì chống phiếu báo điểm giả bằng cách ký “sống” ngay trên phiếu báo điểm như trường ĐH Nông lâm TPHCM và mấy ngày này, lãnh đạo nhà trường phải làm việc quá tải vì mỗi ngày phải ký tới hàng nghìn phiếu báo điểm!
Không khí “hậu kiểm” ở các trường ĐH DL còn buồn tẻ hơn. Tại các trường ĐH dân lập như Ngoại ngữ - tin học, Hồng Bàng, Văn Hiến…toàn bộ “đầu não” năm nào cũng như năm nào đều hết sức căng thẳng vì phải chầu chực “đầu vào”, công sức đâu mà nghĩ đến việc hậu kiểm! Hơn nữa, cũng hậu kiểm làm gì cho mất công khi “năm nào trường cũng có khoảng 20-30% sinh viên năm thứ nhất rơi rụng đi vì năm trước vào trường chỉ theo kiểu trú chân, năm sau đỗ chỗ khác thì đi ngay hoặc đi du học”- như nhận xét của ông Phạm Khắc Di, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH DL Phương Đông.
Vậy là, mặc dù có nhiều hình phạt khá nặng cho hành vi gian lận như cấm thi, buộc thôi học, truy tố trách nhiệm hình sự, nhưng gian lận trong tuyển sinh vẫn ngày càng phát triển và biến tấu tinh vi hơn. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng mấy làm các trường phải mảy may. Ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng trường ĐH DL Phương Đông còn cho rằng: “Rất tiếc là gian lận trong thi cử vẫn còn xảy ra và có cảm giác là càng ngày càng tăng và càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhưng bùng nổ thì không hẳn là như vậy vì trước đây, hiện tượng này cũng có xảy ra nhưng chúng ta có được thông tin nhanh chóng và đầy đủ như hiện nay đâu mà đánh giá!”
Và, theo ý kiến của nhiều trường đại học thì thôi hậu kiểm làm gì cho vất vả, cứ mở rộng cửa vào đại học là xong! Chẳng hạn để tỷ lệ đỗ đại học lên đên 60-70%, học sinh chỉ cần học đầy đủ chương trình phổ thông là có thể đạt được ước mơ trở thành sinh viên thì làm gì có gian lận! Rút cục, Bộ cứ việc đề ra Quy chế còn đến tận giờ phút này, hậu kiểm rõ ràng đang là chuyện tồn tại trên …văn bản chỉ để doạ thí sinh mà thôi.
Mai Minh