Hậu Giang cấm tổ chức dạy ôn thi học tủ
(Dân trí) - Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang yêu cầu các đơn vị trường THPT trên địa bàn tỉnh cần chủ động trong việc hệ thống lại kiến thức và ôn tập cho học sinh nhưng cấm dạy và học tủ.
Nằm trong công tác trọng tâm hè năm 2014, với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang yêu cầu các trường THPT, Trung tâm GDTX cần chủ động xây dựng kế hoạch để chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Các đơn vị trường học chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên các bộ môn thi để hệ thống lại kiến thức và ôn tập cho học sinh (HS); xây dựng các dạng đề, câu hỏi mẫu theo chuẩn kiến thức của sách giáo khoa có kết hợp với vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Trong đó, việc tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng cho HS trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh HS và các văn bản quy định. “Sở nghiêm cấm việc cắt xén chương trình dạy và học tủ”, công văn nhấn mạnh. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục tiếp tục khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và thi cử.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 toàn tỉnh có hơn 5.120 thí sinh dự thi. Sở đã bố trí 17 Hội đồng coi thi để phục vụ kỳ thi. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày từ ngày 2- 4/6/2014.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cần phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đảm bảo chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn, chất lượng và đúng quy chế.
Về một số công tác trọng tâm khác trong hè 2014, Sở GD-ĐT Hậu Giang yêu cầu các đơn vị giáo dục thống kê cụ thể các trường hợp HS bỏ học, tìm hiểu rõ nguyên nhân và tập trung cho công tác huy động các em trở lại lớp.
Tùy vào tình hình thực tế của đơn vi có thể tổ chức ôn tập bồi dưỡng kiến thức theo chương trình sách giáo khoa cho các đối tượng HS trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và thu, chi theo đúng quy định về dạy thêm, học thêm.
Sở cũng yêu cầu trong công tác tuyển sinh đầu cấp cần quan tâm đến địa bàn tuyển sinh, cân đối tỷ lệ tuyển sinh ở từng trường, từng địa bàn nhưng phải đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để HS được đến trường. Thống kê và lập danh sách số trẻ em, HS có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ các em đến trường, không để xảy ra tình trạng HS vì nghèo mà bỏ học.
Các cấp quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục tích cực tham mưu tốt với các cấp có thẩm quyền để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường học xuống cấp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng cơ sở vật chất, trường lớp xuống cấp mà không khai giảng năm học mới được.
Các đơn vị cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho HSSV phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và đơn vị mình. Tiếp tục chỉ đạo và thưc hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng các hoạt động cụ thể và thiết thực. Như tăng cường giáo dục HS có ý thức sử dụng Internet đảm bảo lành mạnh, bổ ích; Tuyên truyền và giáo dục HS-SV nâng cao nhận thức về páp luật, đặc biệt là Luật An toàn giao thông…
Huỳnh Hải