Hành trình tránh "bão dịch" của du học sinh Việt từng mắc kẹt tại Mỹ
(Dân trí) - "Khi mua được vé, lòng tôi như không tin được rằng phép màu đã xảy ra, mình đã có thể trở về Việt Nam. Đến tận ngày bay, tôi vô cùng hồi hộp sợ rằng có khi chuyến bay sẽ bị hủy..."
Dịch Covid-19 đã buộc nhiều trường đại học ở Mỹ phải đóng cửa từ tháng 3/2020. Trong khi sinh viên Mỹ có thể trở về nhà, khoảng hơn 1 triệu du học sinh lại rơi vào cảnh chông chênh về tài chính, pháp lý, chỗ ăn ở...
Lắng nghe chia sẻ của Trương Phương Nam - du học sinh ngành Thiết kế nội thất, ĐH Nuovo Accademia di Belle Arti - NABA, Milan, Italia về hành trình tránh "bão dịch" từ Italy qua Mỹ, rồi về Việt Nam của mình.
Mắc kẹt ở Mỹ
"Vào cuối năm 2019, tôi đang sống và học tập ngành Thiết kế nội thất tại Milan, Italy. Tôi đăng ký vào chương trình trao đổi sinh viên, và may mắn lọt vào top 3 sinh viên được qua Mỹ trao đổi vào học kì tiếp theo.
Vào tháng 1/2020, tôi đã biết việc Covid-19 bùng dịch ở Trung Quốc, nhưng không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng tới mình mà chỉ cảm thấy lo cho gia đình ở Việt Nam. Ngày 16/1, tôi bay đến San Francisco, Mỹ để bắt đầu học kì mới, mà không hề lường trước được điều sắp xảy ra.
2 tháng sau, tôi thấy tin tức về việc phát hiện hàng chục nghìn ca nhiễm Covid tại Italy, tập trung chủ yếu ở Milan, vùng Lombardia. Italy trở thành "tâm dịch" châu Âu. Trường mà tôi theo học, Nuovo Accademia di Belle Arti, đã đóng cửa theo chỉ định của chính phủ.
Giữa tháng 3, trường San Francisco State University đã đưa thông báo đóng cửa các lớp học, nhưng vẫn mở các dịch vụ tiện ích trong trường như phòng gym, thư viện đến cuối tháng.
Khi đó, nhận thấy tầm nghiêm trọng của đại dịch này, tôi quyết định về nước, nhưng mọi đường bay về Việt Nam đều đã bị cấm, biên giới đóng cửa vào thời điểm đó và chiếc vé bay cũng bị hủy sau đó vài tuần.
Khi nhận được thông tin Chính phủ Việt Nam đang mở những chuyến bay nhân đạo để đưa công dân đang sinh sống ở nước ngoài về nước, tôi đã lập tức tìm thông tin đăng kí và liên lạc với Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, với mong muốn được về nước vào thời gian sớm nhất. Khi đó, vì số lượng đơn đăng kí quá đông nên việc liên hệ với Lãnh sự quán hầu như không giúp ích gì.
Ở lại Mỹ, việc khó khăn nhất đối với tôi là việc học. Trong ngành thiết kế tạo dáng sản phẩm, việc làm nhóm và sử dụng máy móc là rất quan trọng, đặc biệt là khi tôi vẫn còn đang thích nghi với môi trường và cách học mới.
Tôi nhanh chóng bị tụt hậu so với các bạn trong lớp, và sao lãng trong việc học. Đó là khi tôi nhận ra tôi cần phải thay đổi môi trường sống để học tập hiệu quả hơn.
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ đó khoảng thời gian "mờ mịt" nhất mà tôi từng trải qua. "Đi về nhà cũng không được, đi về trường ở Italy cũng không được, ở lại Mỹ cũng không được vì sắp hết hạn visa".
Thời điểm đó là tháng 4, chưa đến 2 tháng trước thời hạn Visa trao đổi của tôi hết hạn. Tôi quyết định trả nhà trong tháng và bay đến San Diego, phía Nam California để sống cùng một người bạn từ thời học cấp 2.
Trong 2 tháng liền, tôi dành thời gian đọc sách, tìm hiểu kinh tế, cố gắng học online, đi phượt, leo núi, tìm hiểu những địa danh chưa áp dụng luật cách ly tại Mỹ và trò chuyện cùng những người bạn lâu ngày gặp lại của mình.
Suốt khoảng 4 tháng đó, đăng kí chuyến bay nhân đạo, mỗi khi vé máy bay thương mại bị hủy tôi lại liền mua 1 vé với với hi vọng Việt Nam sẽ mở cửa. Tổng cộng là 5 lần, và điều tôi mong muốn cũng không xảy ra. Mọi nỗ lực để về quê hương thất bại, tôi thực sự rất thất vọng, gần như đã từ bỏ hi vọng về nước.
Tôi đã liên tục liên hệ với Lãnh sự quán Việt Nam qua điện thoại và gửi email đăng kí nguyện vọng về nước 4 lần, nhưng không có phản hồi. Tháng 7, khi Italy mở cửa trở lại cho công dân và người có giấy phép cư trú về nước, Tôi cũng liên lạc với Lãnh sự quán Italy yêu cầu được trở lại Milan để tiếp tục việc học nhưng cũng bị từ chối.
Cuối cùng, đến tháng 8, tôi biết được chính phủ Mỹ đang tổ chức chuyến bay đưa sinh viên Việt Nam/ thực tập sinh trao đổi (visa J1) về nước. Tôi gặp khó khăn khi tiếp cận chương trình này, vì tôi là sinh viên trao đổi từ Italy chứ không phải từ Việt Nam, nên không có tổ chức đại diện để liên hệ.
Thông qua các bạn người Việt thuộc chuyến bay đó trên một group facebook, tôi đã liên hệ được với ban tổ chức chuyến bay và đã mua vé thành công chỉ sau vài ngày liên lạc. Chuyến bay khởi hành ngay 3 ngày sau đó.
Khi mua được vé, lòng tôi như không tin được rằng phép màu đã xảy ra, mình đã có thể trở về. Đến tận ngày bay, tôi vô cùng hồi hộp sợ rằng có khi chuyến bay sẽ bị hủy.
Chuyến bay đó bị delay khoảng nửa ngày, nhưng cuối cùng đã cất cánh bay đến Seoul, Hàn Quốc, để quá cảnh đến Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn không thể quên được cảm xúc vừa hồi hộp vừa phấn khởi lúc đặt chân lên máy bay, gặp được nhiều đồng hương và lên đường trở về nhà.
Những ngày cách ly
Khi về đến sân bay Nội Bài, mọi người xuống máy bay đều nộp lại passport khi làm thủ tục check in trong sân bay để làm công tác phân chia cách ly. Sau khi lấy hành lý kí gửi, chúng tôi xếp hàng chờ đọc tên để chia nhóm lên xe về khu cách ly.
Tôi được cách ly ở Trung tâm Đào tạo nghề Thành An ở quận Thanh Trì, cách sân bay Nội Bài khoảng 1 tiếng trên xe bus. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên cho dù đã biết tình hình dịch ở Việt Nam không còn nghiêm trọng.
Mọi người trên xe tôi đều hào hứng, nói cười vui vẻ, chỉ trỏ lung tung và nói về những "đặc sản" giao thông Việt Nam. Niềm vui dường như đã làm quên luôn sự mệt mỏi và cơn đói qua 2 chuyến bay dài.
Khi về đến trại cách ly, tôi và các bạn cùng bay được tiếp đón nhiệt tình và lịch sự. Chúng tôi được tập trung ở sân đậu xe và xịt khử khuẩn cả người và hành lý, sau đó đi vào khu vực sân có để sẵn những chiếc ghế nhựa như một buổi chào cờ ở trường trung học.
Các chiến sĩ bắt đầu bằng một bài diễn văn ngắn chào mừng các công dân đã về nước an toàn, giới thiệu địa điểm và chế độ cách ly. Những người phục vụ trong trại cách ly là chiến sĩ dân quân, bộ đội và cả những người thầy ở ngay tại ngôi trường này.
Tôi được một bạn trẻ trên cùng chuyến xe rủ ở chung phòng với nhóm bạn ấy, nên chúng tôi chờ đủ thành viên khác đến và lập thành nhóm để nhận phòng.
Cả chuyến bay của tôi được cách ly cùng trên tầng 3, từ cầu thang đi lên khu của nữ ở bên trái và phòng nam ở bên phải. Sau khi các nhóm đã lên phòng, chúng tôi được phát một bịch nhu yếu phẩm, trong đó có xà bông cục, một dây dầu gội đầu bịch, 1 chiếc khăn mặt, một bộ bàn chải, kem đánh răng và một chai nước súc miệng nhỏ.
Sau đó, những chiến sĩ sẽ đến từng phòng để đo thân nhiệt từng người, rồi điền vào tờ theo dõi. Nội quy chung của khu cách ly là phải luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng, nhưng chúng tôi được phép sang những phòng các cùng lầu và xuống sân tập thể thao, sử dụng phòng thư viện để đọc sách và làm việc.
Trong suốt khoảng thời gian cách ly, ngày nào tôi và các bạn cùng phòng, đôi khi có cả các bạn từ những phòng khác, đều chơi thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục.
Buổi trưa và đầu giờ chiều tôi thường dành thời gian trong thư viện để kiểm tra email, đọc sách, và dành buổi chiều cho những trò chơi tập thể như ma sói, đánh bài uno.
Cứ đến giờ cơm, các chiến sĩ sẽ ra nhắc các bạn trở về phòng để các chiến sĩ tập trung chuẩn bị cơm, tránh tiếp xúc nhiều với người cách li. Những khay đồ ăn được đưa lên bằng ròng rọc ở ngoài khu vực cầu thang thoát hiểm để hạn chế tối đa sự tiếp xúc gần. Tôi chưa bao giờ cảm kích một bữa cơm phần như vậy.
Chỉ sau vài ngày đầu, chúng tôi đã kết thân với những bạn khác cùng trong chuyến bay đó, hình thành một nhóm lớn hơn 10 người. Các anh chiến sĩ trong khu cách ly mỗi khi đến giờ kiểm tra nhiệt độ lại phải "lùa" các bạn trở về phòng của mình. Nghĩ cũng khổ cho các anh, nhưng vì chúng tôi đều trẻ, từ 17-24 tuổi, nên ai cũng ham vui và thời gian dài cách ly xã hội ở Mỹ đã khiến mọi người quá bức bối.
Tôi may mắn được ở chung với các bạn trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết. Trong phòng tôi còn có một anh làm báo, có bạn rap rất hay, có bạn biết nhảy, có bạn sáng tác thơ và nhạc.
Tôi đề xuất cả phòng cùng nhau chọn beat để viết ra một bài rap. Bản nhạc ấy được chúng tôi giữ cho riêng nhóm làm kỉ niệm, dù rằng chất lượng thu âm không được tốt. Thời gian cách ly 14 ngày, nhờ những người bạn đó, và tất cả những bạn khác ở cùng chuyến bay, đã khiến nó trở nên cực kì tuyệt vời và là một dấu ấn sâu đậm của năm 2020.
Ngày chúng tôi hoàn thành cách ly, chúng tôi đã cùng nhau lên hát bài "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid" trước trường để thay lời cảm ơn cho tất cả những chiến sĩ, những người anh cực kì tận tâm, đáng quý và dễ thương đã chăm sóc đàn em, và tất cả những người từ nước ngoài về.
Tôi vừa vui vì đã hoàn thành cách ly, gần được về nhà, vừa buồn vì nó đã kết thúc. Dù vậy, chuyến cách ly bắt buộc này đã trở thành một câu chuyện thú vị, chuyện tình, chuyện hài để tôi kể lại với bạn bè.
Tôi dự định sẽ quay trở lại Milan, Italy để hoàn thành nốt việc học. Dù rằng tình hình dịch bệnh ở châu Âu vẫn rất căng thẳng nhưng tôi vẫn muốn tập trung tốt nghiệp, và quay trở lại Việt Nam để theo đuổi ước mơ của mình.
Có lẽ tôi lạc quan khi tin vào việc sẽ sớm tiêm vắc-xin, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, nhưng suy nghĩ tích cực là cách duy nhất để vượt qua.
Tôi tin là vậy".