Hành trình quay lại giảng đường
(Dân trí) - Nhiều người vẫn hỏi vì sao ngày trước tôi quyết định đi du học. Tôi thường cười cười, trả lời nửa đùa nửa thật rằng “muốn đi thì đi thôi”.
Sự thực tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao khi đó mình quyết định như vậy. Hai mươi tuổi, đi du học là sự phiêu lưu. Tôi lên máy bay bằng niềm hứng khởi ngây thơ, không hề lường những khó khăn phía trước.
Vốn gia đình không dư giả, tôi vấp phải khó khăn đầu tiên là dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người nhà ở Mỹ. Tôi đã biết thế nào là sống ở một nơi không phải nhà mình, luôn nhìn trước ngó sau. Quen kiểu tự do như ở nhà, thời gian đầu tôi va vấp nhiều chuyện và đã rất nhiều lần trùm mền khóc không thành tiếng. Vậy nhưng mọi thứ cũng xong, hai năm qua nhanh như một cái chớp mắt.
Tôi tốt nghiệp cao đẳng cộng đồng với điểm số gần như tuyệt đối. Háo hức với cơ hôi mới nhưng tôi lại vấp phải trở ngại thứ hai. Gia đình tôi không đủ điều kiện để tôi tiếp tục học liên thông lên đại học. Suy nghĩ đắn đo, tôi quyết định dừng một năm và xin giấy phép đi làm. May mắn thay, tôi đã được nhận vào làm ở một công ty công nghệ sinh học với vị trí ngang với những cử nhân vừa ra trường. Nhưng tôi luôn canh cánh mặc cảm mình chưa có bằng đại học.
Một năm đi làm, có rất nhiều thứ tôi phải tự học hỏi, mày mò, tôi nhận ra những gì mình đã học hoàn toàn không đủ. Thỉnh thoảng gặp lại những bạn học chung cao đẳng khi trước giờ đã liên thông lên đại học, tôi thấy chạnh lòng. Sau khi đi làm vài tháng, tôi bắt đầu dùng thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc mò mẫm tìm học bổng liên thông. Đối với du học sinh, chuyện tìm học bổng, nhất là học bổng liên thông không hề dễ dàng. Không biết bao nhiêu lần tôi rà tới rà lui, háo hức thấy mình có đủ điều kiện, cho tới dòng thông tin cuối cùng: “Học bổng chỉ dành cho công dân Mỹ”.
Suốt mấy tháng trời tìm kiếm tôi bắt đầu thấy nản chí, mà thời hạn 1 năm đã cận kề càng làm tôi rối trí hơn: “Quay về nửa chừng khi học chưa xong tôi biết làm gì, còn ở lại thì vẫn chưa tìm ra cách!!!”. Tôi nhớ tới những người cùng làm ở nhà hàng nơi tôi làm bán thời gian ngày trước. Họ là những người di cư vì hòan cảnh mà không hề có sự lựa chọn sẽ làm gì, và ở đâu. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn ở nhà hàng, mỗi ngày làm việc gần 12 tiếng đồng hồ, hết giờ làm việc họ chỉ ngủ vùi cho lại sức để ngày hôm sau lại tiếp tục vòng quay cũ. Nhìn họ, tôi đã luôn tự nhủ với bản thân, phải nỗ lực hết sức mình cũng phải học cho xong.
Tôi không muốn sống một cuộc sống buồn chán và bế tắc như vậy. Tôi không chấp nhận thất bại khi chưa làm tới cùng. May mắn là sau rất nhiều thời gian và công sức tôi đã tìm thấy cái mình muốn. Hết hạn một năm làm việc, tôi đã có thể trở lại giảng đường. Trải qua nhiều khó khăn để quay lại giảng đường, tôi luôn biết trân trọng cơ hội mà mình có được. Tôi biết cái giá cho việc học của mình nên tôi càng phải bỏ sức ra nhiều hơn. Tôi cảm nhận niềm vui được tới lớp, được nghe giảng, ngay cả học ngày học đêm cho kì thi đối với tôi cũng là một đặc ân.
Tôi nhận ra, đi “chậm hơn một năm” không phải là thua kém người khác. “Chậm hơn một năm” nhưng bù lại tôi đã có kinh nghiệm làm việc thực tiễn. “Chậm hơn một năm” nhưng tôi học được sự nhẫn nại và quyết tâm. Nó dạy tôi không chấp nhận bỏ cuộc khi chưa đi đến cùng. Nó dạy tôi nhìn thẳng để tiếp tục bước tới. Nó dạy tôi giá trị của giảng đường đại học ở Mỹ để tôi không được kêu ca than vãn về bài tập hay thi cử. Và khi mở mắt mỗi buổi sáng mai tôi thấy mình đã may mắn hơn người khác rất nhiều.
Tôi chỉ vừa mới bắt đầu cuộc hành trình mới của mình, đích đến hãy còn đằng đẵng lắm, nhưng tôi biết bằng sự nỗ lực tôi sẽ chạm tới vạch đến vì tôi biết rằng đi chậm hay đi nhanh không quan trọng bằng việc tôi đã đi như thế nào.
Nguyễn Thy
UMASS LOWELL - Từ Hoa Kỳ