Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái

Duy Phương

(Dân trí) - Gia đình có 4 chị em, Lò Văn Tân may mắn được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng và trao cơ hội học tập đầy đủ.

Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - 1

Lò Văn Tân (20 tuổi), chàng trai người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn La, một tỉnh thuộc vùng núi cao Tây Bắc (Ảnh: NVCC).

Tân hiện là sinh viên năm 2 ngành Y học dự phòng, Khoa Y tế cộng đồng, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

"Khu vực em sinh sống chủ yếu là người dân tộc Thái, đa số mọi người quan niệm chỉ cần học hết cấp 1 hoặc cấp 2 để biết tiếng phổ thông là có thể đi làm kiếm tiền. Vì vậy, em cảm thấy mình rất may mắn khi được theo đuổi con đường học vấn lên đến tận đại học như hiện tại", Lò Văn Tân chia sẻ.

Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - 2

Lò Văn Tân trong bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Thái (Ảnh: NVCC).

Quyết không nản chí, thi đại học 2 lần

Người dân sinh sống tại xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, quê nhà của Lò Văn Tân hầu hết là người dân tộc Thái và mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống kinh tế nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, gia đình Tân cũng không ngoại lệ.

Hai chị gái trong nhà chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học đi làm để phụ giúp gia đình. Chị cả của Tân cũng có cơ hội tiếp cận với môi trường cao đẳng, nhưng vì khó khăn kinh tế và chẳng thể bén duyên với nghề nên cũng đành trở lại quê nhà để làm kinh tế.

"Các chị em nghỉ học không phải vì bố mẹ ép buộc mà do các chị đã sớm nhận thức được những khó khăn, vất vả mà bố mẹ em phải gánh. Các chị quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình và trao lại cơ hội được học hành đầy đủ cho em út là em", chàng sinh viên người Thái ngập ngừng nói.

Để đến được với giảng đường đại học, Lò Văn Tân phải trải qua không ít khó khăn, trắc trở. Thời cấp 1, mỗi ngày Tân đều phải đi bộ khoảng 3-4 km để đến được với điểm trường. Bước sang cấp 2, quãng đường di chuyển tới trường tăng lên thành 5 km. Khi đó, cậu con trai út đã được gia đình dành dụm mua cho một chiếc xe đạp để thuận tiện cho việc học hành.

Khi bước vào cấp 3, khoảng cách từ nhà Tân đến trường lên đến 13 km. Thấy việc di chuyển xa bằng xe đạp rất nguy hiểm, bố mẹ Tân đã quyết định đăng ký cho con trai đi học cùng xe đưa đón học sinh trong bản, dù kinh tế gia đình còn thiếu thốn.

Đáp lại sự kỳ vọng, mong mỏi của bố mẹ, 12 năm học phổ thông, Lò Văn Tân luôn đạt được danh hiệu học sinh Giỏi. Tân là một trong 3 học sinh giỏi toàn trường cấp 3 và xuất sắc đạt được giải Khuyến Khích trong cuộc thi sáng tạo tác phẩm tiêu biểu do Bộ Tư Pháp tổ chức.

Từ những ngày đầu quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, Lò Văn Tân đã ấp ủ cho mình ước mơ trở thành thầy giáo. Được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo cùng bạn bè trong trường cấp 3, nam sinh dân tộc Thái đã đạt tổng điểm 29,5 ở khối C trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và trúng tuyển ngành Sư phạm tại trường Đại học Tây Bắc - tỉnh Sơn La.

Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - 3
Vượt lên mọi khó khăn về khoảng cách địa lý và kinh tế, Lò Văn Tân vẫn theo đuổi con đường học tập đến cùng (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu đi học xa nhà là chuỗi ngày khó khăn và đáng nhớ với Tân. Chàng trai dân tộc Thái nhanh chóng kiếm cho mình một công việc làm thêm sau giờ học trên lớp để phần nào giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình, đồng thời giúp bản thân rèn kỹ năng giao tiếp.

Đặc biệt, sau thời gian ngắn theo học ngành sư phạm và tiếp xúc với nhiều ngành nghề công việc khác trong xã hội hiện đại, chàng trai dân tộc Thái chợt nhận ra niềm đam mê thực sự của bản thân là ngành Y với chiếc áo blouse trắng.

"Ông nội là người đầu tiên nói cho em biết về ngành Y và công việc cao cả thầm lặng của những bác sĩ áo trắng. Nhớ lại những câu chuyện của ông nội kể khi giúp đỡ các y tá trong thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ, niềm yêu thích với ngành Y của em lại lớn dần theo từng ngày", Tân kể.

Thời điểm đó, Lò Văn Tân vừa theo học ngành sư phạm, vừa đi làm thêm, vừa quyết tâm ôn thi lại để chạm tới ước mơ mãnh liệt hơn là trở thành bác sĩ. Áp lực học hành và công việc làm thêm khiến Tân đôi lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đồng hành cùng chàng trai luôn là sự ủng hộ, động viên hết mình từ gia đình.

"Bố mẹ em cũng luôn hỏi thăm và động viên em bất cứ khi nào em cần. Bố mẹ nói, bố mẹ chẳng có điều kiện để được ăn học đầy đủ, nên đành chấp nhận công việc chân tay nặng nhọc để mưu sinh. Con phải cố gắng học tập thành tài, khó khăn đến mấy bố mẹ cũng xoay sở được. Nhớ đến câu nói của bố, em lại càng có thêm động lực để theo đuổi ước mơ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng", Lò Văn Tân xúc động chia sẻ.

Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - 4
Tân bồi hồi xúc động mỗi khi nghĩ về bố mẹ, nguồn động lực cũng như chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của mình (Ảnh: NVCC).

Sau một năm cố gắng nỗ lực, Lò Văn Tân chính thức viết tiếp giấc mơ trở thành bác sĩ. Chàng trai dân tộc Thái đạt 24 điểm khối B trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và trúng tuyển vào ngành Y học dự phòng thuộc trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Chàng sinh viên đa-di-năng

Trải qua một năm học tập tại Thành phố Sơn La, Tân cũng tích lũy được những kỹ năng kinh nghiệm để không gặp phải bỡ ngỡ của một tân sinh viên đi học xa nhà. Tuy vậy, cuộc sống mới tại một tỉnh thành phố cách nhà hơn 300 km và ngành học đặc thù mới mẻ ít nhiều cũng gây khó khăn cho chàng sinh viên dân tộc Thái.

Tuần học đầu tiên, Lò Văn Tân nhận ngay một cú sốc tâm lý khi điểm kiểm tra đánh giá của nam sinh rất thấp, điều trước đó chưa từng xảy ra. Môi trường mới, cuộc sống mới khiến việc làm quen bạn bè lại từ đầu cũng là một thử thách lớn đối với chàng sinh viên dân tộc Thái.

Khi gặp áp lực trong học tập và cuộc sống, Tân chọn cách chia sẻ cùng gia đình và bạn bè thân thiết để tìm lại sự tự tin. Chàng sinh viên dân tộc Thái mau chóng lấy lại bình tĩnh và tập trung tìm tòi, học hỏi các phương pháp học phù hợp và cách giao tiếp cởi mở hơn với bạn bè.

Kết thúc năm học thứ nhất, Lò Văn Tân xuất sắc đạt được học bổng khuyến khích học tập từ trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Bên cạnh đó, chàng sinh viên dân tộc Thái còn năng nổ tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm tại trường.

"Em may mắn khi đã đậu phỏng vấn làm Chi hội Trưởng chi hội sinh viên của lớp. Từ đó, em đã lấy lại được sự tự tin và chủ động giao tiếp, cởi mở với mọi người. Chính nhờ sự cởi mở đó, em đã được các anh chị khóa trên chỉ bảo rất nhiều về cách phân bổ thời gian hợp lý để học tập hiệu quả và may mắn đạt được học bổng ở 2 kỳ học đầu tiên", Tân kể.

Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - 5
Tân tích cực tham gia các phong trào tình nguyện do Đoàn - Hội tại trường phát động (Ảnh: NVCC).

Chàng trai dân tộc Thái lấy lại được sự tự tin, năng nổ tham gia rất nhiều câu lạc bộ chuyên môn tại trường như: CLB Văn nghệ TMC, CLB sinh viên 5 tốt, CLB Tình nguyện tiếp sức người bệnh và Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Học sinh Sinh viên Đại học Y Dược Thái Nguyên.

"Tham gia nhiều các hoạt động bề nổi giúp em trở nên tự tin hơn và học được rất nhiều điều bổ ích", Tân chia sẻ.

Bên cạnh các hoạt động Đoàn - Hội tại trường, Lò Văn Tân còn tích cực tham gia phong trào hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Tháng 3/2021, Tân tham gia công tác hỗ trợ chốt kiểm dịch tại TP Thái Nguyên theo sự huy động của Đoàn trường.

Với tinh thần nhiệt huyết của sinh viên ngành Y trước việc tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, Lò Văn Tân xung phong đăng ký hưởng ứng lời kêu gọi chi viện từ thành phố mang tên Bác. Được đóng góp một phần công sức nhỏ giúp đẩy lùi đại dịch trong tình hình căng thẳng luôn là niềm tự hào của Lò Văn Tân mỗi khi nhắc lại.

Hành trình chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - 6
Tân khi tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC).

"Ban đầu bố mẹ em không đồng ý cho em đi vì lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của em. Nhưng sau khi nghe em giải thích và thấu hiểu được ý nghĩa của việc em làm, bố mẹ lại là người động viên và là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất mỗi khi em mệt mỏi sau những ngày dài đi hỗ trợ lấy mẫu", Tân cho biết.

"Những ngày nắng nóng phải mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít cả ngày, rồi di chuyển nhiều địa điểm lấy mẫu với thể trạng mệt mỏi và say xe, trong đầu em cũng xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tuy vậy, khi đến các điểm lấy mẫu, được gặp người già, trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay được người dân địa phương tặng hoa quả, chứng kiến nhiều y bác sĩ kiệt sức ngất lịm đi, những suy nghĩ vẩn vơ lại tan biến hết. Về đến nhà chỉ cần gọi điện cho bố mẹ và nhận được những câu an ủi động viên, em như sạc thêm nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục nhiệm vụ", Tân xúc động kể.

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, cùng chiếc áo blouse trắng để cống hiến sức trẻ giúp đỡ mọi người trong thời điểm dịch bệnh, ngọn lửa đam mê trở thành Bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái - Lò Văn Tân ngày càng rực cháy.

Hiện tại, Tân tiếp tục tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại Trạm Y tế lưu động - Phường Chùa Hang - TP Thái Nguyên. Những hoạt động hỗ trợ tình nguyện cùng các phong trào Đoàn - Hội dần xóa đi hình ảnh chàng trai dân tộc Thái rụt rè, bỡ ngỡ ngày nào. Thay vào đó là một Lò Văn Tân trưởng thành, trách nhiệm, tình cảm và cởi mở hơn từng ngày.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm