Hàng vạn nông dân ‘có nghề’ nhờ Đề án 1956

Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 85% ở TT Huế, 82% ở Hưng Yên và 70 - 75% ở Lào Cai… là những con số cho thấy phần lớn người nông dân đang sử dụng hiệu quả chiếc “cần câu” từ Đề án Đào tạo nghề cho Lao động Nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956).

Tỉ lệ có việc sau khóa học cao

Tỉ lệ có việc sau khóa học cao

Ngày 21/11/2014 tỉnh Hưng Yên vừa sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956).

Sau 5 năm triển khai Đề án 1956, 82% trên tổng số gần 17 nghìn lao động sau khi học nghề có việc làm. Đồng thời, theo chủ trương của Đề án 1956, Hưng Yên cũng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho hơn 4.000 lượt cán bộ, công chức xã, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động và hiệu quả điều hành hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…

Trước đó, Bến Tre cũng vừa thực hiện sơ kết 5 năm triển khai Đề án 1956. Kết quả cho thấy Bến Tre đã thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 26.000 lao động. Ước tỉnh khoảng 66% lao động đã có việc làm sau khi học nghề. Bến Tre cũng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.600 lượt cán bộ, công chức xã.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 17 trường và trung tâm dạy nghề. Các nghề đào tạo được xác định tương đối phù hợp với nhu cầu lao động cà việc làm địa phương. Một số mô hình nghề mang lại hiệu quả như mô hình trồng kiểng lá ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, mô hình đào tạo nghề đan ghế nhựa trên khung sắt, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học…

Còn ở TT Huế, Đề án 1956 đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi có trên 85% học viên có việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp ở TT Huế chiếm đến 81% trong tổng số 20 nghìn lao động. TT Huế cũng là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả việc xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Lai Châu, Lào Cai cũng cũng vừa thực hiện sơ kết 5 năm triển khai Đề án 1956. Khoảng 80% lao động thôn ở Lai Châu sau khi học nghề vẫn tiếp tục nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng, tiết kiệm 5-10% chi phí sản xuất và thu nhập cũng tăng lên 10-20% so với trước khi học nghề.

Từ kết quả triển khai ở một số địa phương cho thấy khi các mô hình được triển khai sát với thế mạnh địa phương và nhu cầu của người dân, Đề án 1956 sẽ cung cấp những chiếc “cần câu” thiết thực giúp bà con nông dân có kiến thức, mạnh dạn đầu tư giống, vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Lên kế hoạch cho năm 2015

Bên cạnh nhìn lại kết quả sau 5 năm triển khai, các địa phương đồng thời lên kế hoạch triển khai cho năm 2015 và các năm tiếp theo. Theo đó, Hưng Yên dự định triển khai đào tạo nghề cho khoảng 3.600 lao động nông thôn và bồi dưỡng 1,2 nghìn cán bộ, công chức xã vào năm 2015.
Tỉ lệ có việc sau khóa học cao


Trong khi đó, tỉnh Thừa thiên - Huế đặt mục tiêu từ năm 2015 - 2020 sẽ đào tạo nghề cho hơn 18.500 lao động nông thôn, còn tỉnh Lào Cai phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 định hướng thực hiện trong 11 năm (2010-2020) với mục tiêu: dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của Đề án. Đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo TW thực Đề án 1956 cho rằng các địa phương cần bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của DN.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

Để phát huy hiệu quả những hỗ trợ từ Đề án 1956, nhiều địa phương đang nhấn mạnh hướng dạy nghề theo định hướng thị trường, “giảm tải” lý thuyết trong học nghề, tăng thêm thời gian thực hành.

Hiện nhiều đơn vị thực hiện đề án cũng đang tập trung triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề thí điểm đã đạt hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Vietnamnet.vn