Gia Lai:

Hàng trăm phòng học bị bỏ hoang

(Dân trí) - Ông Bùi Quang Tạo - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai) cho biết, địa bàn tỉnh Gia Lai có 245 phòng học bị bỏ hoang. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi hơn, nên phụ huynh đưa con đến các điểm trường chính học khiến các điểm trường làng bị bỏ hoang.

Những năm vừa qua, với mục đích phổ cập giáo dục, nâng cao công tác duy trì sĩ số, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa nên điểm trường làng đã được đầu tư xây dựng. Thế nhưng khi xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được nâng cấp nên việc đến trường của các em cũng được thuận tiện. Do vậy, các phụ huynh học sinh đã đưa con mình đến các trường chính ở trung tâm xã, huyện để học. Điều này khiến có hàng trăm phòng học thuộc các điểm trường làng bị bỏ hoang.

Có mặt tại Phân hiệu Linh Nham của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang), PV ghi nhận một khung cảnh rách nát, cỏ dại mọc đầy. Theo quan sát của chúng tôi, phân hiệu này có 4 phòng học, trong đó 2 phòng khóa cửa, 2 phòng còn lại cửa mở, trong phòng chứa đầy rác. Một người dân địa phương cho biết, phân hiệu này xây dựng cách đây nhiều năm rồi. Nhưng đã bị bỏ hoang khoảng 3 năm nay. Các trẻ em đến tuổi đi học đều được phụ huynh chở ra trường chính học cho đảm bảo chất lượng… nên điểm trường này không ai học”. Tại một phân hiệu Nhơn Bông (Trường Tiểu học Ayun) 2 gồm 3 dãy nhà cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay khiến phòng học xuống cấp, cỏ mọc đầy.

điểm trường tiểu học lê quý đôn, phân hiệu linh nham (xã đắk djrăng, huyện mang yang) bị bỏ hoang

Điểm trường tiểu học Lê Quý Đôn, phân hiệu Linh Nham (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang) bị bỏ hoang

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến điểm trường thôn 3, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah). Nhìn từ xa, điểm trường gần như bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm. Trong trường, 3 phòng học khóa trái, một số ô cửa bị vỡ. Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, năm học 2016-2017, trường chỉ huy động được 9 học sinh lớp 1, không đủ mở lớp nên các em chuyển về trường chính, trường được dùng để mở 1 lớp mầm non. Năm học 2017-2018, trên địa bàn thôn 3 chỉ có 3 học sinh ra lớp 1, không đủ để mở lớp nên trường mầm non phải đóng cửa. Trường có nhờ người dân trông coi giúp, khi nào cỏ lên cao, cành cây gãy đổ thì tới cắt cỏ, dọn cây..”. Ngoài những điểm trường trên, còn hàng trăm điểm trường khác đang bị bỏ hoang, không có học sinh, cũng không được quan tâm dọn dẹp nên rơi vào tình trạng tương tự.

điểm trường tiểu học xã uar bị bỏ hoang nhưng không nêu trong báo cáo

Điểm trường tiểu học xã Uar bị bỏ hoang nhưng không nêu trong báo cáo

Trao đổi với chúng tôi, Bùi Quang Tạo - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai) cho biết: “Các phòng GD&ĐT cấp huyện đã xin thanh lý 44 phòng học hết niên hạn sử dụng. Sau đó, đã bàn giao cho chính quyền 117 phòng để cho chính quyền tổ chức các hoạt động phù với địa phương. Ngoài ra, có 84 phòng được tu sử lại để sử dụng làm phòng học mầm non. Với các điểm trường vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như điểm trường Pyầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) thì đang được quan tâm, hỗ trợ kinh phí để hoạt động tốt hơn. Bởi những vùng này có địa hình hiểm trở, học sinh đến trường rất khó khăn, cần có giáo viên đến tận nơi giảng dạy. Việc ghép 2 lớp vào một phòng học tại những điểm trường vùng sâu vùng xa khiến chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần có hướng loại bỏ những điểm trường gần trung tâm thị trấn, thị xã bởi việc giao thông nay đã thuận lợi…”.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Gia Lai thì trên địa bàn các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Kông Chro, Đăk Đoa không có phòng học nào bị bỏ hoang. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì tại địa bàn huyện Krông Pa cho thấy có 2 điểm trường bị bỏ hoang là: Điểm trường tiểu học thôn 9 (xã Uar) và thôn Mê Linh (xã Chư Drăng).

Về nội dụng này, ông Tạo nói: “Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 2.010 điểm trường, nên không thể đi cụ thể mà chỉ căn cứ vào báo từ Phòng GD&ĐT báo cáo. Nội dung báo chí nêu chúng tôi sẽ cho người tiến hành xác minh lại. Việc duy trì hoạt động của những điểm trường hàng năm phải tốn nhiều kinh phí chứ không phải ít nên Sở đang có hướng giảm bớt các điểm trường làng không hoạt động”.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm