Đồng Tháp:
Hàng trăm lượt học sinh nhặt được tiền, vàng đã mang trả lại
(Dân trí) - Tính đến nay tại trường tiểu học Giồng Găng (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) có trên 170 lượt học sinh nhặt được tiền, vàng… mang trả lại cho người bị mất. Điều đáng trân trọng là các em này đều là những học sinh khó khăn nhưng không tham của rơi.
Nhặt được tiền là mang trả lại
Khi đến trưởng tiểu học Giồng Găng (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) tìm hiểu về câu chuyện cả trăm lượt học sinh nhặt được của rơi đều mang đến cho giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường để nhờ tìm người đánh rơi trả lại, PV được thầy Huỳnh Văn Quang, Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Giồng Găng, cho xem cuốn sổ đặc biệt “Sổ nhặt của rơi”.
Mở cuốn sổ ra xem, chúng tôi thấy chi chít những dòng chữ họ tên và thời gian học sinh (HS) nhặt tài sản mang đến nhờ trường trả lại. Như: ngày 11/9/2017, có 5 HS các lớp 2, 3, 4 nhặt được 25.000 đồng; ngày 29/9/2017 có 5 HS mang đến nhờ trường trả lại 123.000 đồng...
Qua 2 năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 có trên 170 lượt HS nhặt được 3 điện thoại, hơn 4 lượng vàng 24K, trên 500.000 đồng tiền mặt và trả lại cho người đánh rơi. Đáng nói trong số hàng chục em nhặt của rơi đó, có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em không có tiền ăn quà bánh nhưng không tham của rơi.
Thầy Huỳnh Văn Quang, Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Giồng Găng, cho biết: “Các em tuổi còn nhỏ nhưng khi nhặt được của rơi là mang đến thầy cô, nhờ tìm người trả lại. Điều này làm các giáo viên, phụ huynh chúng tôi cảm phục. Nhưng đều làm chúng tôi cảm phục hơn, khi có nhiều em HS nhặt của rơi có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều em đi học không có tiền ăn quà bánh nhưng khi nhặt được tiền hay tài sản đều giao cho thầy cô, tìm người trả lại”.
Em Nguyễn Trân Phương Phương - lớp 3B vui mừng khi vừa giao nộp số tiền mà em vừa nhặt được cho nhà rường
Như trường hợp hai em Huỳnh Thị Như Ý, Nguyễn Thị Ngọc Ý (cùng học lớp 3A) đã nhặt được 4 lượng vàng 24k của chị Lê Thị Hồng (ngụ xã An Phước, H.Tân Hồng) đánh rơi vào chiều 28/12/2018 tại sân trường. Dù hai em có hoàn cảnh khó khăn nhưng khi nhặt được số vàng trên, hai em báo phụ huynh đến nhờ trường tìm người đánh rơi trả lại.
Em Huỳnh Thị Như Ý chia sẻ: “Trước khi em và bạn Ngọc Ý nhặt được vàng và nhờ ba mẹ mang đến trường trả lại cho người bị đánh rơi, em đã chứng kiến nhiều bạn được thầy cô tuyên dương dưới cờ về hành động không tham của rơi. Hơn nữa ở lớp và ở nhà em cũng được cha mẹ dạy không được tham của rơi, khi nhặt được phải mang trả lại”.
Tủ đựng tiền mà các học sinh nhặt được. Đối với số tiền không ai đến nhận, nhà trường trích ra mua quần áo, dụng cụ học tập cho các em học sinh khó khăn
Thầy Nguyễn Khắc Đảm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Giồng Găng, kể lại: Ban đầu từ việc HS trong trường nhặt được của rơi là đưa cho giáo viên để tìm người trả lại, tôi và thầy cô trong trường nảy ra ý định thực hiện phong trào “nhặt được của rơi hãy mang trả lại”. Sau đó phát động đến toàn thể giáo viên, HS trong nhà trường, như một cuộc học tập noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó, phong trào lan tỏa và thực hiện cho đến nay”
Từ “sổ nhặt của rơi” đến luống rau xanh gây quỹ lớp
Do có nhiều lượt HS nhặt được của rơi mang đến thầy cô, nhờ tìm người trả lại nên nhà trường lập hẳn “sổ nhặt của rơi” ghi ghép đầy đủ các thông tin, như: tên HS nhặt của rơi, tài sản nhặt được, số lượng…
Sau khi của rơi được ghi vào sổ theo dõi, thầy Tổng phụ trách Đội sẽ thông tin về tài sản tiếp nhận của HS mang đến trên loa phát thanh nội bộ trong nhà trường để thông qua giáo viên, HS, người đánh rơi tài sản đến liên hệ nhận lại. Còn đối với những tài sản không có người đến nhận, nhà trường sẽ lưu giữ, sau đó trích ra mua quần áo tặng HS nghèo đang học tại trường.
Thầy Nguyễn Khắc Đảm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Giồng Găng cho biết, thầy cũng làm một cái hộp nhỏ để đựng tiền học sinh nhặt được (khi các em không gặp thầy Tổng phụ trách).
Thầy Nguyễn Khắc Đảm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Giồng Găng, cho biết: “Để khuyến khích ý thức không tham của rơi trong HS, nhà trường luôn tuyên dương bằng các em bằng nhiều hình thức như: tuyên dương trong chương trình phát thanh Măng non, trong buổi chào cờ đầu tuần, nêu gương trong giờ sinh hoạt lớp. Còn đối với HS trả lại tài sản nhặt được có giá trị lớn, ngoài việc tặng giấy khen, khen thưởng đột xuất, trường còn đề nghị Hội đồng Đội huyện khen khích lệ và làm báo cáo đề xuất Phòng GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT khen thưởng”.
Ở một góc nhỏ sân trường, thầy trò trường tiểu học Giồng Găng làm bản đồ Việt Nam bằng hoa kiểng và rau xanh.
Thầy Đảm còn cho biết, ngoài việc giáo dục thường xuyên cho các em về ý thức không tham của rơi, nhà trường còn dành một khoảng đất nhỏ trong khuôn viên trường để các lớp trồng rau. Số rau thu hoạch được (3-4 lượt/năm học) sẽ do lớp đó bán cho phụ huynh và số tiền thu được sẽ dành hỗ trợ cho các em HS khó khăn hoặc để tổ chức sinh nhật cho bạn bè trong lớp.
Theo thầy Đảm, việc trồng rau không chỉ góp thêm niềm vui trong mỗi tiết học bên ngoài lớp mà còn là cách khuyến khích các em hình thành tính cách san sẻ công việc với gia đình, kỹ năng làm việc nhóm và nhất là biết yêu thương bạn bè.
Ông Đặng Thành Nam, Phó phòng GD-ĐT huyện Tân Hồng cho biết, những năm gần đây trường tiểu học Giồng Găng đã giáo dục rất tốt cho các em về ý thức không tham của rơi. Từ báo cáo của trường tiểu học Giồng Răng về cách giáo dục hay này, trong năm học tới, phòng GD -ĐT sẽ kiến nghị nhân rộng việc làm tốt của các em HS trường Giồng Găng đến các trường học trong huyện Tân Hồng.
Nguyễn Hành