Quảng Trị:

Hàng trăm học sinh nuôi con chữ ở ngôi trường xuống cấp

(Dân trí) - Những bức tường đã bị bong tróc vôi vữa, nền phòng ẩm thấp, cửa sổ xộc xệch, trống không, bàn ghế xuống cấp, trần nhà hư hỏng... Đó là thực trạng đáng buồn nhưng đang diễn ra tại một số điểm trường ở xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Thêm một năm học nữa, hàng trăm em học sinh tiểu học tại điểm trường Măng Song, Xa Rô, xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải học tập ở ngôi trường mục ruỗng, xuống cấp nghiêm trọng. Dù rất thương học sinh, lo sợ đồ vật trên cao rơi xuống, ảnh hưởng đến tính mạng của cả thầy và trò, nhưng các thầy, cô ở đây đành bất lực vì chưa có cách nào khắc phục.


Để được tận mắt chứng kiến điều kiện giảng dạy, học tập của thầy, cô và các em học sinh Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng, chúng tôi đã vượt hàng chục cây số đường đèo dốc đến với một số điểm trường vùng sâu của xã này. Sau hơn 2 giờ vượt dốc, chúng tôi đã tiếp cận điểm trường Măng Song, cách trung tâm xã Ba Tầng khoảng gần 20km.

Nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh được học tập thuận lợi, các thầy, cô giáo phải vào tận nơi “cắm bản” để “nuôi” con chữ cho các em. Trong điều kiện như thế, các điểm trường cũng hết sức tạm bợ, có nơi bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhưng, vì không muốn việc học tập của các em bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng nên các thầy, cô cũng đành “cắn răng” chịu đựng.

Thật khó tin, trước mắt chúng tôi là một ngôi trường cấp bốn đã được xây dựng từ rất lâu, cơ sở vật chất đã bị xuống cấp trầm trọng.
 
Tường nhà đã bị bong tróc vôi vữa, của sổ bị hư hỏng.
Tường nhà đã bị bong tróc vôi vữa, của sổ bị hư hỏng.

Ngôi trường này gồm có 4 phòng học, chia làm 2 dãy, cũng là nơi học tập của gần 120 em. Theo quan sát, dãy 2 phòng phía bên trái đã bị mục ruỗng không thể phục vụ việc dạy học. Trên tường vôi vữa đã bị bong tróc, cửa sổ bị hư hỏng, có nơi trống không, nền phòng ẩm thấp, bàn ghế xộc xệch…

Khung cửa cạnh bàn giáo viên trống không.
Khung cửa cạnh bàn giáo viên trống không.

Vì lo sợ tính mạng của học sinh, các thầy cô giáo đã chuyển các em sang dãy nhà 2 phòng bên cạnh. Tuy nhiên, dãy nhà này cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, trần phòng bị hư hại, trưng ra các thanh gỗ, tấm lợp và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Trong điều kiện chỉ có 2 phòng học, gần 120 em học sinh phải chen chúc học tập và được phân thành 2 ca trong ngày. Và, việc học tập của các em dưới mái trường này cũng tồn tại rất nhiều nguy hiểm.

Anh Nguyễn Hữu Trực, giáo viên lớp 5 cho hay: "Biết rằng cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng như vậy, đe dọa tính mạng của cả trò lẫn thầy, cô nhưng chúng tôi cũng chưa tìm được biện pháp gì hơn. Sau nhiều lần đề đạt lên trường, vẫn chưa nhận được ý kiến và phương án xử lý".

Được biết, điểm trường này được xây dựng khoảng từ năm 1998, sau đó vài năm được xây thêm 2 phòng để đáp ứng nhu cầu dạy học. Nhưng do bị xuống cấp nên về mùa nắng các học sinh phải chen chúc nhau trong điều kiện rất nóng nực, còn về mùa mưa thì bị nước dột từ trên xuống, gây ẩm thấp.

Khung cửa cạnh bàn giáo viên trống không.
 
Do không thể duy trì việc dạy học nên đầu năm nay, các thầy cô phải chuyển học sinh sang dãy nhà bên cạnh.

Anh Lưu Ngọc Bắc, giáo viên lớp 4 tại điểm trường này kể lại lần thầy và trò đang học tập trong lớp thì bỗng nhiên những tấm phông ở ngoài hiên rơi xuống. Các em học sinh đều sợ hãi nhưng phải tự trấn an. Sợ nhất là những khi các em chơi đùa bên ngoài mà không có thầy, cô ở bên cạnh để “canh chừng”. 

Rời điểm trường Măng Song, chúng tôi tiếp tục vượt đèo đến với bản Hun Dốc, cách đó hơn 10km. Nơi đây cũng có một điểm trường tạm do phụ huynh dựng lên để làm nơi học tập cho gần 20 em học sinh. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hồ Văn Hải, giáo viên điểm trường này cho biết, vì khoảng cách quá xa so với trung tâm nên phải mở điểm trường tại đây để dạy chữ cho các cháu học sinh.

“Các em ở đây “khát chữ” lắm, nhưng không có điều kiện đến trung tâm học tập. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng các em đi học chậm, chênh lệch nhau đến 1 hoặc 2 tuổi. Thế nhưng, cơ bản các em cũng tiếp thu được bài. Dù khó khăn đến mấy mình cũng quyết tâm “bám bản” dạy chữ cho các em. Sau buổi học chính, mình dành thời gian dạy phụ đạo nữa là các em theo kịp với các bạn khác thôi” - anh Hải nói.

Thầy cô giáo cũng hết sức lo sợ khi dạy học trong môi trường như vậy vì sợ ảnh hưởng đến các em.
Thầy cô giáo cũng hết sức lo sợ khi dạy học trong môi trường như vậy vì sợ ảnh hưởng đến các em.

Thầy Nguyễn Hữu Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Ba Tầng cho biết, những năm gần đây, nhờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục nên đã giúp cho các em học sinh có điều kiện đến trường. Học sinh cũng có ý thức hơn đối với việc học tập nên cơ bản bài toán về số lượng đã được giải quyết.  

Tuy nhiên, do đóng trên địa bàn khó khăn, điều kiện đi lại cách trở nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em. Trường phải phân công giáo viên vào các điểm trường lẻ để dạy chữ cho các em. Nhưng tại các điểm trường này cũng đã xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, tại điểm trường Măng Song có 4 phòng nhưng 2 phòng không thể duy trì giảng dạy được, 2 phòng còn lại cũng đã xuống cấp. Tại điểm trường Xa Rô cũng có 2 phòng nhưng do xây dựng từ lâu nên cũng không đảm bảo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các điểm trường này vô cùng thiếu thốn. Trong điều kiện như thế, các giáo viên và hàng trăm học sinh phải học tập dưới môi trường xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.  Trường cũng đã có văn bản đề xuất lên cấp trên về hướng xử lý nhưng chưa có kết quả.

Đăng Đức