Hàng nghìn tiến sĩ nhưng nghiên cứu khoa học được thương mại hóa quá ít
(Dân trí) - Đó là một thực trạng được nêu lên tại Hội thảo khoa học Xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ phối hợp với Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức cuối tuần qua.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Khánh, Phó Cục trưởng, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) cho biết số liệu thống kê từ sàn giao dịch chuyển giao công nghệ cho thấy sự tham gia chủ yếu là doanh nghiệp (chiếm 80%), trường ĐH và viện nghiên cứu chỉ chiếm chưa tới 10%.
Theo ông Khánh, cả nước có trên 400 trường ĐH, CĐ với hơn 84.000 giảng viên nhưng số lượng sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao công nghệ và thương mại hoá rất ít.
Thống kê trong 5 năm qua, các trường ĐH và Viện nghiên cứu thực hiện khoảng 67 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước; trên 30 đề tài độc lập; hơn 500 đề tài nghiên cứu cơ bản; 53 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với nước ngoài và 300 đề tài trọng điểm cấp Bộ khác.
Riêng TPHCM, theo ông Khánh, hiện tại việc sáng chế được thương mại hoá tương đối khả quan nhưng chỉ mới tập trung một số trường như: ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM… và sức lan toả thương mại hoá cũng chưa đạt kết quả cao.
Theo thống kê của Cục sở hữu trí tuệ, trên địa bàn TP.HCM từ năm 2014 đến quý 2 năm 2017 có tổng cộng 491 sáng chế đăng ký bảo hộ nhưng kết quả chỉ được 52 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ, chiếm tỉ lệ rất ít là 10%. Còn 256 giải pháp hữu ích có đơn đăng ký thì chỉ 35% được cấp văn bằng bảo hộ. Có thể khẳng định hoạt động nghiên cứu của các trường đại học chưa cao, cũng như các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hoá từ trường đại học vào doanh nghiệp ở nước ta còn yếu kém.
TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển Khoa học Công nghệ, trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhìn nhận: “Theo cảm tính thì ý kiến ông Khánh có phần đúng. Nhiều khi các nhà khoa học ở Việt Nam chúng ta quen nghiên cứu để công bố mà chưa lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, nghe nhu cầu của thị trường. Tại trường, chúng tôi buộc các nhà khoa học phải chú ý đến điều đó. Trong quá trình xét duyệt các đề tài, chúng tôi đặt vấn đề nhà khoa học nghiên cứu ra kết quả hay, mới như vậy nhưng kết quả này mang lại giá trị như thế nào trong việc thúc đẩy hướng dẫn các luận văn, luận án hoặc chuyển giao ra bên ngoài như thế nào?”
Cũng theo ông Út, thừa nhận khó khăn chung của Việt Nam là giữa nghiên cứu ra sản phẩm đến thị trường cần một khoảng cách rất lớn, cần sự hỗ trợ rất lớn về mặt chính sách, kinh phí. “Bởi vì, khi nghiên cứu ra một sản phẩm, việc chuyển giao lại tốn kém rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp họ cho biết nếu họ nhập một sản phẩm tương đương thì lại tiết kiệm thời gian, chi phí. Nhưng vấn đề là phải làm sao phát triển công nghệ của Việt Nam lên. Để làm điều đó, các trường như chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách về quy định, kinh phí chuyển giao. Theo tôi nên giảm các loại thuế cho vấn đề nghiên cứu khoa học”, TS Út chia sẻ.
Ông Lê Minh Khánh cũng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến khó khăn của việc này chính do mối quan hệ giữa viện trường - doanh nghiệp - nhà nước chưa được hình thành một cách rõ ràng. Cấp trường, công nghệ dừng lại ở phòng thí nghiệm nên rủi ro cao khi triển khai ứng dụng hoặc các trường ĐH còn xem nhẹ việc nghiên cứu những đề tài, giải pháp có giá trị đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội. Trong khi đó, các doanh nghiệp mua công nghệ của nước ngoài vì tâm lý sính ngoại và không có niềm tin vào kết quả nghiên cứu của các trường. Ông Khánh cho rằng rất cần vai trò của Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ, làm cầu nối.
Lê Phương