Hàng nghìn học sinh tiểu học Thọ Sơn múa hát xoan, nhảy dân vũ giữa giờ
(Dân trí) - Giữa giờ học, gần 1. 800 học sinh và giáo viên Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) múa, hát xoan nhịp nhàng.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thọ Sơn cho biết, đây là một trong những hoạt động giáo dục ngoại khóa của nhà trường.
Theo đó mỗi tuần, trường có hai buổi hoạt động giữa giờ và thay đổi tuần tự bằng hát xoan, múa hát, nhảy dân vũ…
"Chúng tôi chọn hát xoan vì đó là di sản của quê hương Phú Thọ. Đồng thời, qua các bài hát, làn điệu hát xoan, chúng tôi muốn học sinh thay đổi trạng thái, vui hơn, khỏe hơn để học tập.
Đặc biệt, lời ca tiếng hát phần nào gắn kết tình yêu thương của học trò và thầy cô, cao hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước.
Chẳng hạn bài "bông hồng tặng cô", chúng tôi muốn học sinh thêm yêu thầy cô giáo.
Bài "Việt Nam đánh bay Covid-19", giáo dục các con ý thức bảo vệ cộng đồng"…, cô Nguyệt cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng Trần Thị Ánh Nguyệt, Trường Tiểu học Thọ Sơn đã đưa bộ môn hát xoan vào chương trình giáo dục ngoại khóa cho các em học sinh.
Nhiều Câu lạc bộ hát xoan đã được thành lập ở các khối lớp, thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh.
Chương trình ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo - tìm hiểu địa phương tại miếu Lãi Lèn vừa qua, là một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích, giúp các em được hiểu thêm về vùng đất phát tích của bộ môn hát xoan - một Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Qua đó, giáo dục cho các em truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thêm tự hào về quê hương giàu truyền thống văn hóa Phú Thọ.
"Việc học tập lịch sử qua các đợt trải nghiệm thực tế, gặp trực tiếp các nghệ nhân tại làng, giúp học sinh nắm bài học tốt hơn.
Không chỉ hát xoan, chúng tôi cho học sinh trải nghiệm ở làng nghề, ở trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật để giáo dục lòng nhân ái.
Năm vừa qua, trường chúng tôi cũng là đơn vị duy nhất trong khối trường học ủng hộ Covid-19 được 84 triệu đồng, cùng khối trường học ủng hộ đồng bào lũ lụt hàng trăm triệu đồng", cô Nguyệt cho biết.
Được biết, hát xoan đã được triển khai đến hầu hết các trường học, các huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, ở mỗi cấp học nhà trường đều có phương pháp riêng để đưa hát xoan vào trường học một cách hiệu quả nhất.
Nhiều trường trên địa bàn tỉnh tích cực dạy hát xoan trong tiết học âm nhạc, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể...
Những tiết học này giúp các em không chỉ biết hát mà còn có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giữ gìn và bảo tồn di sản hát xoan của địa phương.