Hàng nghìn giáo viên mầm non bị nợ lương, phải mượn tiền để đi dạy
(Dân trí) - Hàng nghìn giáo viên mầm non hợp đồng trên địa bàn Nghệ An rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì đi dạy nhưng bị nợ lương nhiều tháng, thậm chí cả năm.
Giáo viên mượn tiền để đi dạy
Huyện Tân Kỳ, Nghệ An hiện có 105 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP (NĐ06), được hưởng lương từ nguồn ngân sách trung ương. Tuy nhiên, các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo NĐ06 hết hiệu lực từ tháng 12/2021.
"Từ đầu năm 2022 đến tháng 4, huyện đã trích ngân sách trả lương cho giáo viên. Từ tháng 5 đến nay, huyện đang chờ triển khai nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh do đó 105 giáo viên hợp đồng của huyện chưa có lương. Tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo các trường có sự hỗ trợ đối với các giáo viên này", một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Kỳ cho biết.
Không chỉ Tân Kỳ, năm học 2021-2022, huyện Đô Lương có hàng trăm giáo viên bị nợ lương từ 3-9 tháng. Theo thống kê, kinh phí hỗ trợ một lần từ tháng 1-8 là 121 người với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, kinh phí từ tháng 9-12 là hơn 2 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương cho biết, việc giáo viên bị nợ lương đã ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy cũng như đời sống. Đơn vị đã họp giáo viên và các trường để giải thích và động viên.
"Nhiều giáo viên có hoàn cảnh rất đặc biệt, thực sự tôi hiểu và rất thương giáo viên vì đi dạy mà không có lương thì gặp rất nhiều khó khăn", ông Tây cho biết thêm.
Cũng theo ông Tây, phía huyện đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ giáo viên hợp đồng lao động theo quy định.
Trong năm học vừa qua, vì bị nợ lương, nhiều giáo viên phải đi vay mượn tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
"Năm học vừa qua thực sự rất khó khăn với tôi và nhiều giáo viên khác. Đi dạy cả năm trời không biết đến tiền lương, mọi chi phí xăng xe, sinh hoạt… chỉ biết đi vay", cô giáo N.T.X - giáo viên trường Mầm non Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương chua chát nói.
Cùng như cô X., cô N.T.H. tâm sự: "Nhiều hôm tiền đổ xăng, tiền mua sữa cho con cũng không có. Thực sự tôi và nhiều giáo viên đã rơi vào bế tắc nhưng vì yêu nghề nên vẫn tiếp tục cống hiến".
Dài cổ "ngóng" tiền lương
Giáo viên bị nợ lương nhiều tháng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảng dạy. "Tôi đã từng nghe nói là sớm được giải quyết nhưng đi dạy cả năm không có lương mà chỉ nghe nói thực sự là buồn. Hi vọng trong thời gian tới chúng được giải quyết vấn đề này", một giáo viên xin giấu tên cho biết.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng 2.508 giáo viên mầm non theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV của Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ (Thông tư 09).
Việc tuyển dụng này đã giúp Nghệ An giải quyết được bài toán thiếu giáo viên mầm non diễn ra trong thời gian dài. Thời gian qua, các địa phương cũng ưu tiên, từng bước tuyển dụng số giáo viên hợp đồng trên vào biên chế ở vị trí phù hợp khi được giao chỉ tiêu. Đến nay, Nghệ An còn khoảng 1.700 giáo viên thuộc diện hợp đồng theo NĐ06.
Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2021, NĐ06 và Thông tư 09 hết hiệu lực, hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng bị dừng trả lương do ngân sách trung ương đã cắt. Điều này không chỉ ảnh hưởng tâm lý, đời sống giáo viên, mà còn tác động đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non.
Việc tỉnh Nghệ An thông qua dự thảo nghị quyết, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo NĐ06 và Thông tư 09 là tin mừng, giúp giáo viên yên tâm tiếp tục công tác.
Năm học 2021-2022, Nghệ An có 10.870 giáo viên mầm non công lập, gồm: 8.458 viên chức, 1.777 hợp đồng lao động theo NĐ06, 44 giáo viên hợp đồng do UBND huyện ký và 591 giáo viên hợp đồng ngắn hạn do trường ký.
Mặc dù từ năm 2013 đến nay, tỉnh Nghệ An có 2.508 chỉ tiêu hợp đồng lao động giáo viên mầm non được ngân sách Trung ương cấp kinh phí nhưng nhiều huyện không còn chỉ tiêu để tuyển dụng hoặc các giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn, trình độ đào tạo.
Ngày 14/7, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo NĐ06 của Chính phủ và Thông tư 09.
Đối tượng áp dụng là các giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo NĐ06 và Thông tư 09 tính tại thời điểm tháng 1/2022, đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà chưa được tuyển dụng vào viên chức.
Mục đích xây dựng nghị quyết nhằm tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục được bố trí nguồn kinh phí và có cơ sở để thực hiện việc chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non nói trên.