ĐH Quốc gia TPHCM:
Hàng năm sinh viên tài năng có gần 60 đề tài nghiên cứu khoa học
(Dân trí) - Theo báo cáo của Ban Đại học, ĐH Quốc gia TPHCM, trình độ và chất lượng đào tạo của sinh viên tài năng luôn cao hơn sinh viên chương trình đại trà. Ngoài kết quả học tập tốt thì sinh viên tài năng tham gia nghiên cứu khoa học ở các cấp với kết quả tốt chiếm 34%.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết đề án Chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2013-2017 của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 7/12, TS Lê Thành Hưng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2013-2017 trường này đã thực hiện 11 chương trình tài năng cho các ngành mũi nhọn với chất lượng sinh viên đầu vào cao.
Theo ông Hưng, đội ngũ sinh viên tài năng là một nguồn nhân lực rất tốt giúp cá thầy cô trong nghiên cứu khoa học. Mặc dù chương trình hàng năm có phân bổ kinh phí hỗ trợ sinh viên, kỹ sư tài năng nghiên cứu khoa học tuy nhiên số kinh phí này rất hạn hẹp với khoảng vài triệu đồng một đề tài nhưng từ nguồn kinh phí từ các đề tài của thầy cô, sinh viên tài năng có cơ hội tiếp xúc sớm với các đề tài nghiên cứu thật sự. Trung bình hàng năm có từ 50-60 đề tài nghiên cứu của sinh viên với hàng trăm sinh viên tài năng tham gia. Đặc biệt, nhiều sinh viên tài năng của khoa Kỹ thuật Hóa học có công trình công bố trên các tạp chí khoa học ISI.
Mặc dù đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo sinh viên tài năng, tuy nhiên TS Hưng nhìn nhận vẫn có sự lúng túng trong đánh giá chương trình tài năng lên sinh viên. “Vẫn sử dụng điểm số để đánh giá sinh viên tài năng nên còn lẫn lộn, chưa ổn. Chất lượng sinh viên ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như thầy cô, sinh viên, chương trình học… Cần tách chương trình này khỏi các tiêu chí đánh giá thông thường, vì sinh viên đã giỏi thì ngồi ở đâu cũng giỏi”, ông nhận định.
Từ đó, ông đề xuất trong tương lai, ĐHQG TP.HCM cần mời chuyên gia thiết kế các tiêu chí đánh giá hiệu quả chương trình tốt hơn để giúp các trường có đủ thông tin cải tiến chương trình.
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Ban Đại học, ĐH Quốc gia TP.HCM nêu rằng đề án chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2013-2017 của ĐH Quốc gia TP.HCM đã triển khai tại 5 trường thành viên với 21 chương trình đào tạo hiện có 1.882 sinh viên. Trong đó ĐHQG TP.HCM hỗ trợ kinh phí cho 10 chương trình với kinh phí 10 triệu đồng/ sinh viên/ năm (khối ngành kinh tế, xã hội); 12 triệu đồng/ năm (ngành khoa học và kỹ thuật). 11 chương trình còn lại sử dụng nguồn kinh phí đối ứng của các đơn vị.
Theo đánh giá, trình độ và chất lượng đào tạo của sinh viên tài năng luôn cao hơn sinh viên chương trình đại trà. Kết quả học tập đa số ở mức khá, giỏi trong đó 46% đạt loại giỏi và xuất sắc, gần 50% đạt loại khá. Đây được xem là nguồn lực tinh hoa của ĐH Quốc gia TP.HCM, sau khi ra trường đáp ứng nhu cầu nguồn lực chất lượng cao của các công ty đa quốc gia và tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt hơn 90%. Đặc biệt, sinh viên tài năng tham gia nghiên cứu khoa học ở các cấp với kết quả tốt chiếm 34%.
Điều kiện tuyển sinh các chương trình này là sau khi kết thúc 2 hoặc 3 học kỳ, sinh viên được vào học có học lực khá, đạt tiêu chuẩn đầu vào do khoa hoặc bộ môn quy định và có qua sơ tuyển (phỏng vấn, làm bài kiểm tra đầu vào), đạt yêu cầu ngoại ngữ đầu vào. Sinh viên chương trình này được đào tạo với quy mô nhỏ từ 25-30 sinh viên/ lớp và mỗi khoa tuyển tối đa 40 sinh viên.
Điểm mới của chương trình tài năng giai đoạn 2018-2022 là các môn tài năng được xây dựng trên cơ sở các môn học trong chương trình đào tạo chính quy và bổ sung thêm nhiều phần mở rộng nên việc tổ chức lớp học riêng dành cho các môn học này tùy vào đơn vị đào tạo. Điều này giúp đề án tiết kiệm được chi phí tổ chức lớp nhưng vẫn xác định được chuẩn đầu ra cho các sinh viên tài năng cao hơn chương trình đại trà thông qua các học phần mở rộng, điều này giúp sinh viên tài năng vẫn sinh hoạt học tập chung với các sinh viên đại trà tạo tính cộng đồng vào tính hòa nhập cao hơn.
Áp dụng các chương trình đã được phép đào tạo ở giai đoạn trước, với các ngành đăng ký mới gồm các ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và ưu tiên cho ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của cơ sở đào tạo.
Lê Phương