Hàng loạt trường học bị dự án “nuốt chửng”: Thầy trò mỏi cổ chờ giải pháp

(Dân trí) - Phụ huynh đau đáu khi nhìn thấy hàng loạt trường học giao cho dự án, trong khi đó trường mới chưa được xây dựng gây nên cảnh quá tải cho nhiều trường học ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ngoài việc thiếu trường lớp, ngành giáo dục ở đảo ngọc này còn đang thiếu giáo viên trầm trọng...

Thiếu 109 biên chế giáo viên, phân bổ được 5

Năm học 2017-2018, ngành giáo dục huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) quản lý 32 đơn vị trường trực thuộc, tổng số lớp là 620 với 20.481 học sinh (so với năm học 2016-2017 tăng 6 lớp với 1.400 học sinh). Căn cứ vào số lớp thực tế, năm học 2017-2018, ngành giáo dục Phú Quốc cần 1.242 biên chế, nhưng hiện chỉ có 1.133 biên chế, còn thiếu 109 biên chế nhưng chỉ được giao thêm 5 biên chế. Đáng nói, 3 trường mầm non vừa được thành lập nhưng chưa được giao 52,8 biên chế.

Hiện nay, ở bậc mầm non, ngành giáo dục huyện Phú Quốc chỉ huy động được 1.792/2.911 trẻ vào mẫu giáo, tỷ lệ đạt 61,56%. Còn 1.249 trẻ trong độ tuổi từ 3-4 tuổi chưa ra lớp do không đủ biên chế và cơ sở vật chất, tương đương 35 lớp với 77 biên chế.


Nhiều lớp học của các trường trên địa bàn thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đều đang trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp.

Nhiều lớp học của các trường trên địa bàn thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đều đang trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp.

Ở bậc tiểu học có 363 lớp với 10.547 học sinh nhưng tổ chức dạy 2 buổi/ngày chỉ đạt 47,66%, số còn lại, dạy 1 buổi/ngày là 190 lớp. Nếu 190 lớp này tăng cường lên 2 buổi/ngày thì ngành giáo dục Phú Quốc cần bổ sung thêm 57 biên chế. Như vậy, tổng số biên chế ngành giáo dục cần lên đến 243 biên chế.

Ông Đống Thành Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc, cho biết: “Để giải bài toán thiếu biên chế giáo viên trầm trọng như hiện nay, các trường cho giáo viên dạy tăng cường. Ngoài ra, mỗi trường tự tìm giáo viên hợp đồng và dùng nguồn tiền chi thường xuyên để trả cho giáo viên. Tổng số tiền các trường chi trả cho giáo viên hợp đồng hiện nay trên 4 tỷ đồng. Điều này rất khó cho các trường và cũng sai qui định”.

Ngoài ra, theo ông Đạt, một vấn đề đau đầu trong ngành giáo dục huyện Phú Quốc hiện nay là tình trạng tăng dân số cơ học ở Phú Quốc quá nhanh đang gây áp lực lớn cho các trường về sĩ số học sinh/lớp học. Như các trường tiểu học Dương Đông 1, tiểu học Dương Đông 2 và tiểu học Dương Đông 4, trường THCS Dương Đông 1 và trường THCS Dương Đông 2, các trường này hiện nay có nhiều lớp học có từ 38 -51 học sinh/lớp học.

Tình trạng quá tải nhất là điểm trường THCS Dương Đông 1, nhiều lớp ở đây từ 48-51 học sinh
Tình trạng quá tải nhất là điểm trường THCS Dương Đông 1, nhiều lớp ở đây từ 48-51 học sinh

Cô Nguyễn Thị Vân - Hiệu trưởng trường THCS Dương Đông 1 cho biết: Hiện nay nếu tình bình quân mỗi lớp có tới 45 HS/lớp. Trong đó, nhiều lớp học ở khối 6 có đến 51 HS/lớp; khối 8 từ 48-49HS/lớp. Theo dự kiến, năm học 2018 - 2019, khối 6 sẽ tăng 643 HS. Ngoài ra, trường phải nhận thêm số con em theo cha mẹ ra Phú Quốc làm việc nên dự kiến sẽ có từ 15-16 lớp 6; trong khi đó khối 9 chỉ ra được 9 lớp nên thiếu 6 phòng học. Do vậy, nhà trường đang tận dụng các phòng học cũ để sửa sang lại đón số học sinh này”.

Thầy Phùng Nhật Dũng - Hiệu trưởng trường tiểu học Dương Đông 4 cũng cho biết: Những năm gần đây Phú Quốc phát triển, người dân tứ phương đổ về Phú Quốc lập nghiệp, các cháu theo cha mẹ về đây sinh sống và học tập. Tuy nhiên, hệ thống trường lớp không được đầu tư xây dựng thêm nên hiện nay nhiều trường trên địa bàn thị trấn Dương Đông cùng chung nỗi lo là phòng học sắp “nổ tung” vì áp lực sĩ số HS/1 lớp học quá đông. Như trường tôi, nếu tính bình quân là 41 HS/lớp, phổ biến là từ 38-46 HS/lớp.

Trước áp lực qui mô lớp học và sĩ số HS/lớp vượt chuẩn quá cao so với qui định, nhiều hiệu trưởng các trường học trên địa bàn thị trấn Dương Đông đề nghị các ngành chức năng sớm xây dựng thêm trường học mới. Chỉ có cách này mới giảm tải lượng HS/lớp học cho các trường hiện nay.

Mỏi cổ chờ dự án

Trong lúc các trường học trên địa bàn thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới đang “căng mình”, chống đỡ với tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp thì hiện nay, ngành giáo dục huyện Phú Quốc cũng sốt ruột với nỗi lo trường lớp xuống cấp, sắp sập nhưng không được đầy tư xây dựng mới. Lí do các điểm trường này xuống cấp, không được xây mới là vì nằm trong vùng qui hoạch, chờ ngày giải tỏa.

Điểm trường mà cử tri bức xúc nhất là điểm phụ Rạch Vẹm (thuộc trường tiểu học và THCS Dương Đông) bởi ngôi trường này đưa vào qui hoạch quá lâu, hiện trường lớp ở đây xuống cấp, điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn.

Điểm Rạch Vẹm, trường tiểu học và THCS Gành Dầu hiện xuống cấp nhiều năm qua nhưng không được xây dựng mới vì dính qui hoạch
Điểm Rạch Vẹm, trường tiểu học và THCS Gành Dầu hiện xuống cấp nhiều năm qua nhưng không được xây dựng mới vì dính qui hoạch

Theo ghi nhận của PV Dân trí, điểm trường Rạch Vẹm được xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện có 5 phòng học, trong đó có 1 phòng học tiền chế bằng tôn thiếc dành cho cấp tiểu học. Trường không có tường rào bao quanh nên “sống chung” với cư dân lân cận.

Các phòng học rất thấp, bàn ghế không đúng qui cách, đáng nói trường chưa có điện lưới quốc gia nên phòng học rất nóng. Đặc biệt, vì không có điện nên các môn học thực tập liên quan đến điện, các giáo viên ở đây không tổ chức cho HS được.

Phòng giáo viên dành cho các giáo viên đang giảng dạy tại điểm Rạch Vẹm chỉ đơn sơ thế này
"Phòng giáo viên" dành cho các giáo viên đang giảng dạy tại điểm Rạch Vẹm chỉ đơn sơ thế này

Thầy Nguyễn Thanh Tâm - giáo viên dạy Mỹ thuật, gắn bó với ngôi trường này 15 năm cho biết: “Cứ chuẩn bị năm học mới là sửa chữa chẳng biết đến khi nào dự án mới triển khai… Các giáo viên gắn bó với trường chỉ vì thương các em học sinh ở đây, vì các em học ở đây thiệt thòi lắm!”.

Em Huỳnh Ngọc Diễm - lớp 8/3 điểm Rạch Vẹm cho biết: “Trường của cháu thiếu thốn nhiều quá, như: điện, thư viện, sân chơi… nên tụi cháu học ở đây thấy thua các bạn ở trường khác nhiều lắm. Chúng cháu mong các cấp sớm xây trường mới cho tụi cháu học”.

Còn thầy Kiều Hải Đăng - dạy môn Toán cho biết: “Việc cơ sở vật của trường như thế này rất ảnh hưởng đến việc dạy và học. Do vậy, các giáo viên, học sinh và phụ huynh rất mong các ngành chức năng sớm có giải pháp để giúp thầy trò chúng tôi có được ngôi trường mới an tâm giảng dạy, học tập, vì mùa mưa cũng sắp đến rồi”.

Còn đây là điểm trường Bãi Vòng, trường tiểu học và THCS Hàm Ninh, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, có nhà vệ sinh cũng như không...
Còn đây là điểm trường Bãi Vòng, trường tiểu học và THCS Hàm Ninh, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, có nhà vệ sinh cũng như không...

Đến điểm phụ Bãi Vòng thuộc trường tiểu học và THCS Hàm Ninh, ngôi trường này đã tồn tại trên 20 năm, trường có 2 phòng học, hướng ra biển, gió thổi lồng lộng. Theo ghi nhận của PV, điểm trường này xuống cấp trầm trọng, các thanh chắn gió từng mảng xi măng rơi rụng… Có hai phòng vệ sinh nhưng không nước, đầy rác… Do vậy, khoảng 80 học sinh đang theo học nơi đây cũng các giáo viên đang khát khao có một ngôi trường đúng chuẩn, không còn cảnh phải sang nhà dân đi nhờ vệ sinh nữa.

Còn điểm trường Ruộng Muối thuộc trường tiểu học An Thới 2, có diện tích trên 9.000m2, có 2 phòng học được chủ đầu tư Công ty Trung Sơn đền bù 3,9 tỷ đồng. Nhưng huyện chưa bố trí được đất nên số tiền trên gửi vào ngân hàng, các học sinh nơi đây đang lo không có trường học khi dự án triển khai.

Về việc giải quyết vấn đề biên chế, ngân sách chi trả cho giáo viên hợp đồng, ông Mai Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ và UBND huyện Phú Quốc rà soát lại số lượng biên chế còn thiếu trên địa bàn huyện. Từ đó, Sở Nội vụ xem lại chỉ tiêu biên chế năm 2019, nếu huyện nào chưa có nhu cầu sử dụng thì điều chuyển về Phú Quốc. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh theo thẩm quyền bổ sung quỹ tiền lương cho giáo viên hợp đồng.

Ngoài ra, ông Mai Văn Huỳnh còn chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang bố trí một lãnh đạo Sở theo dõi trực tiếp, giám sát, đôn đốc thực hiện và báo cáo UBND tỉnh về việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hiện tại cũng như quá trình thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian tới.

Nguyễn Hành