Hàng chục thí sinh trúng ĐH nhờ đường dây "sinh viên rởm"

Sáng nay, Thượng tá Trần Quốc Khánh, Phó phòng An ninh điều tra Công an Hà Nội cho biết, công an vừa bắt giữ Hoàng Đình Năm, đối tượng thứ 3 trong đường dây của Phạm Huy Hồng. Với 35 con dấu giả, nhóm của Hồng đã đưa hàng chục thí sính vào đại học, thu ngót nghét 500 triệu đồng.

Hoàng Đình Năm, sinh viên năm thứ 4 ĐH Xây dựng Hà Nội, đã bị bắt hôm qua. Khám xét nơi tạm trú của Năm (khu tập thể Hào Nam, quận Đống Đa), cơ quan an ninh đã thu giữ một số bằng tốt nghiệp THPT giả; chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT đã được thay ảnh của người khác. Theo điều tra ban đầu, Năm câu kết với một số đối tượng làm giả hồ sơ, tổ chức thi hộ, thi kèm. Là sinh viên của một đại học lớn, Năm cũng đã từng trực tiếp tham gia thi kèm.

 

Ngày 4/4, cơ quan an ninh đã tiến hành khởi tố Phạm Huy Hồng và Nguyễn Như Sửu với tội danh làm giả con dấu. Nguyễn Như Sửu thường trú tại khu 3, thị trấn Đáp Cầu, Bắc Ninh, là đối tượng "sản xuất" dấu giả cho đường dây của Hồng. Với các dụng cụ đơn giản như khắc dấu, đá mài, gỗ.. Sửu có thể hoàn thành 1 dấu tròn trong 2 tiếng. Đối với dấu chức danh, "nghệ nhân" này hoàn tất chỉ trong 45 phút. Hiện nay, cơ quan chức năng mở rộng điều tra, đưa các "chân rết" trong đường dây này ra ánh sáng.

 

Theo cơ quan điều tra, Phạm Huy Hồng, sinh năm 1964, đã có 2 tiền án về tội môi giới mại dâm. Năm 2002, sau khi mãn hạn tù, Hồng thuê nhà tại phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, bắt đầu làm giả giấy tờ. Trong số 35 con giấu giả bị thu giữ có 15 dấu tròn của các cơ quan thuộc Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng, phòng công chứng số 1 Hà Nội... Mỗi con dấu giả Hồng trả cho Sửu 300.000-500.000 đồng. Ngoài chiếc xe SH chưa đeo biển, cơ quan công an còn thu giữ của Hồng một số tài sản khác.

 

Trao đổi với báo chí, ông Khánh cho biết, số người nhờ đường dây của Hồng "lo lót" có thể lên tới 100, rải trên 3 lĩnh vực: đại học, cao đẳng; xuất khẩu lao động, xin việc làm; dạy nghề. Đối với khối đại học, đường dây của Hồng tổ chức 2 phương thức: Thi hộ thi kèm và làm giấy báo điểm giả.

 

"Ngoài 4 trường hợp ở ĐH Nông nghiệp, chúng tôi chưa công bố cụ thể những sinh viên dởm còn lại vì đang trong quá trình điều tra. Nhưng số trúng tuyển nguyện vọng 2 qua đường dây của Hồng khoảng 20-30 người. Mỗi suất vào đại học, Hồng thu 10 triệu hoặc nhiều hơn tùy theo mức độ thân tình", ông Khánh nói.

 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng phòng an ninh Văn hóa, công an thành phố sẽ phối hợp với ngành giáo dục mở đợt rà soát có trọng điểm số sinh viên trúng tuyển nguyện vọng 2. Theo ông Mỹ, sau khi nghe tin Hồng bị bắt, một số sinh viên đã bỏ học.

 

Theo VnExpress

Dòng sự kiện: Sinh viên rởm